Thế kỷ 20 có ghi lại câu chuyện về một người có khả năng thôi miên đặc biệt, đó là Wolf Grigorievich Messing. Khả năng điều khiển tâm trí của ông đã khiến cả thế giới ngã mũ thán phục.
Wolf Grigorievich Messing sinh năm 1899 trong một gia đình người Do Thái nghèo tại thị trấn GoraKavaleriya gần thủ đô Warsaw của Ba Lan. Khi còn nhỏ ông bị mắc chứng mộng du, việc này thường xuyên diễn ra đến mức cha mẹ ông phải đặt chậu nước lạnh bên cạnh giường để mỗi khi mộng du, ông có thể bước trúng vào đó và giật mình thức tỉnh.
Wolf Messing được gia đình gửi vào học trong một trường dòng giáo sĩ ở quê nhà lúc 6 tuổi. Sau 5 năm học ở đây, năm 11 tuổi, Messing quyết định nhảy tàu bỏ trốn sang Berlin, Đức. Cũng trên chuyến tàu này Messing mơ hồ nhận ra khả năng độc nhất vô nhị của mình. Vì không có tiền, Messing phải trốn vé. Dù chui dưới một băng ghế nhưng Messing vẫn bị người soát vé phát hiện.
>> Thôi miên hồi quy: Phương pháp trị bệnh bí ẩn và thành công đến khó tin
Lúc bấy giờ, không hiểu vì lý do gì, Messing đưa cho ông ta một mảnh báo cũ để vờ làm vé. Người soát vé khi nhìn thấy tờ báo Messing đưa lập tức quát: “Cậu thật kỳ quặc, sao có vé lại phải trốn.” Đây chính là lúc Messing nhận ra mình thực sự sở hữu năng lực đặc biệt. Messing có thể khiến người khác tin vào bất cứ điều gì ông nói, chỉ cần đưa ra những gợi ý đúng cách.
Tại Berlin, Đức, Messing bắt đầu luyện tập để phát triển khả năng của mình và biểu diễn khả năng trong một gánh xiếc. Khả năng đọc ý nghĩ người khác của ông ngày càng được hoàn thiện. Người ta nhận xét rằng trong giọng nói của ông có một thứ “mị lực” đầy mãnh liệt khiến người đối diện dễ dàng rơi vào trạng thái thôi miên và răm rắp nghe theo lời ông. Mỗi khi nghe lệnh ông, họ đều trả lời: “Vâng, thưa chủ nhân” một cách ngoan ngoãn. Danh tiếng của ông bắt đầu được lan truyền khắp châu Âu.
Cuốn sách “Chuyện thật về nhà thôi miên vĩ đại nhất nước Nga” xuất bản năm 1989 của tác giả Tatiana Lungin đã kể lại lần gặp gỡ thú vị giữa Messing (16 tuổi) và 2 nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ đó là Sigmund Freud và Albert Einstein vào năm 1915. Họ đã mời Messing đến để kiểm tra khả năng đọc ý nghĩ của ông.
Freud dùng ý nghĩ ra lệnh cho Messing tới tủ chạn lấy chiếc nhíp và nhổ một sợi râu của Einstein. Messing đã tuần tự thực hiện đúng các mệnh lệnh bằng ý nghĩ này và rất lịch sự xin lỗi Einstein trước khi dùng nhíp nhổ một sợi râu trên cằm ông. Freud đã ấn tượng với khả năng này đến mức ông tuyên bố: “Nếu được sống thêm một đời nữa, tôi sẽ giành cả cuộc đời đó để nghiên cứu về năng lực tinh thần.”
Video mô phỏng lại cuộc gặp:
Năm 1937, khi Messing đưa ra dự đoán rằng trùm phát-xít Hitler sẽ chết nếu tiến hành cuộc chiến sang phía đông châu Âu, Hitler đã rất tức giận và ra lệnh lùng bắt ông với mức thưởng 200.000 Mác. Messing đành phải rời bỏ Đức về Ba Lan.
Năm 1939 khi Đức chiếm được Ba Lan, các tấm ảnh truy nã ông được dán đầy đường phố Ba Lan. Cảnh sát Đức đã tỏa ra truy bắt Messing. Cuối cùng ông bị bắt giữ và đưa đến giam tại một đồn cảnh sát sau khi bất ngờ bị đánh một cú trời giáng đến bất tỉnh trước khi kịp sử dụng khả năng của mình để trốn thoát.
Ngồi trong xà lim, Messing tập trung tất cả sức lực của mình và bắt đầu dùng ý nghĩ ra lệnh cho các nhân viên cảnh sát đang ngồi ở phòng khác. Ông bắt tất cả họ bước vào xà lim của ông, còn ông thì đi ra và khóa cửa lại. Tuy nhiên, đúng vào lúc ấy Mesing bị kiệt sức.
Ông thậm chí không thể bước theo thang gác xuống tầng một, vì vậy ông đã nhảy qua cửa sổ tầng hai xuống đất và bị gãy chân, nhưng vẫn kịp trốn thoát. Messing được đưa ra khỏi Warshaw bằng xe chở cỏ.
>>Nghiên cứu khoa học về ‘Con mắt thứ ba’ – P1: Những con người có năng lực đặc biệt
Sau khi thoát khỏi đồn cảnh sát, Messing đã tìm đường bỏ trốn tới Nga để bắt đầu một cuộc sống mới đầy khó khăn vì ông không hề quen ai ở đây và cũng không biết tiếng Nga. Để mưu sinh, ông bắt đầu sự nghiệp bằng các màn biểu diễn đọc ý nghĩ và thôi miên khán giả.
Tuy nhiên, một đêm nọ, cuộc đời của ông bất ngờ rẽ sang một hướng khác khi những người lính Nga xuất hiện và đưa ông tới gặp một nhân vật mà ông không ngờ tới, đó chính là Joseph Stalin.
Stalin đã nghe tiếng về khả năng thôi miên và đọc ý nghĩ của Messing, tuy nhiên ông vẫn rất nghi ngờ năng lực của người đàn ông gốc Do Thái này. Để kiểm tra khả năng của Messing, Stalin ra lệnh cho ông thực hiện một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi, đó là dùng sức mạnh tinh thần của mình để… cướp ngân hàng. Nhà cận tâm lý học Colin Wilson đã kể lại vụ việc này như sau:
“Trong nhiệm vụ này, Messing được yêu cầu không mang theo vũ khí, đến Ngân hàng Nhà nước ở Moscow để lấy 100.000 rúp dưới sự giám sát của 2 cảnh sát mặc thường phục ở bên trong và bên ngoài ngân hàng.
Được giao nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi đó, Messing vẫn ung dung xách một chiếc cặp đến ngân hàng, trao cho nhân viên tại quầy một mảnh giấy, và sau khi nhìn vào mảnh giấy đó, nhân viên này tự động mở két và nhét vào chiếc cặp của ông đúng 100.000 rúp. Messing xách chiếc cặp bước ra ngoài, và 10 phút sau, ông quay trở vào ngân hàng, đưa lại chiếc cặp cho nhân viên thu ngân.
Đến lúc này người nhân viên mới như sực tỉnh, hoảng hốt nhìn vị khách lạ mà mình vừa trao số tiền khổng lồ đó, rồi gục xuống bất tỉnh trên sàn nhà vì quá sốc. Toàn bộ sự việc diễn ra dưới sự chứng kiến của 2 viên cảnh sát mặc thường phục, và họ càng bất ngờ hơn nữa khi phát hiện ra rằng mảnh giấy mà Messing đưa cho nhân viên thu ngân kia hoàn toàn không có một chữ nào.
Video tái hiện “vụ cướp ngân hàng” của Messing:
Một thời gian sau, Messing tiếp tục thực hiện một thử nghiệm khác.
Lần này ông được giao nhiệm vụ là đi vào nhà riêng của Stalin, nơi có rất nhiều trạm gác và lính canh, và tất cả những người này đều nhận được lệnh không cho phép Messing đi vào trong. Thế nhưng ông vẫn ung dung vượt qua hết trạm gác này đến trạm gác khác mà không gặp bất cứ phản ứng nào từ các lính canh và an toàn đi thẳng vào phòng làm việc gặp Stalin. Sau này các lính canh đều quả quyết rằng người vừa đi vào phòng của Stalin trước mặt họ không ai khác chính là Lavrentiy Beria, bộ trưởng Bộ nội vụ của Nga khi ấy.
Không chỉ có khả năng đọc ý nghĩ và điều khiển tâm trí người khác, Wolf Messing còn có khả năng tiên tri cực kỳ chính xác.
Việc ông phải lưu lạc sang Nga cho đến cuối đời cũng bắt nguồn từ việc ông tiên đoán rằng Hitler sẽ thất bại và chết nếu tấn công sang Đông Âu. Điều này đã xảy ra vài năm sau lời tiên tri.
Khi chọn Nga làm nơi cư trú, năm 1943, chiến tranh đang hồi ác liệt, Wolf Messing biểu diễn tại nhà hát opera Novosibirsk. Trong số các câu hỏi chuyển đến cho ông giải đáp, có mẩu giấy ghi “Khi nào kết thúc chiến tranh?”. Vừa đọc xong, Messing trả lời: “Tôi nhìn thấy xe tăng cắm cờ Liên xô tiến vào đường phố Berlin, ngày 8 tháng 5”. Khi đó Wolf Messing chưa xác định được năm, nhưng đoán đúng tháng, và chỉ sai 1 ngày – Đức quốc xã ký bản thỏa ước chấp nhận hàng vô điều kiện vào ngày 9/5/1945.
Wolf Messing cũng dự đoán chính xác thời gian mình sẽ qua đời. Vào những năm cuối đời Messing bị bệnh nặng. Hai chân ông bị liệt do vết thương cũ trong thời gian chạy trốn khỏi Warshaw tái phát, cần phải làm phẫu thuật. Vị bác sĩ nổi tiếng Vladimir Burakovsky đã nhận phẫu thuật cho ông.
Khi đến phòng khám của bác sĩ, trước sự có mặt của nhiều người, ông ta chăm chú nhìn bức chân dung của mình treo trên tường và nói: “Hết rồi, Wolf ạ. Anh sẽ không trở lại đây nữa đâu”. Messing được làm phẫu thuật, nhưng sau đó ông bị đau thận và tim. Ông qua đời ngày 8/11/1974 và không còn cơ hội quay lại phòng khám của Burakovsky nữa.
Thiện Tâm tổng hợp
Xem thêm:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…