Ngày 18/4/2017 vừa qua, tòa án quốc tế tại La Haye (Hà Lan) đã công bố kiến nghị tham vấn dày 60 trang kết luận tập đoàn Monsanto đã hủy diệt môi trường và vi phạm nhân quyền.
Nối tiếp với các sản phẩm chết người ở đã đề cập ở phần 1, Monsanto hiện chiếm khoảng 30% thị phần hạt giống biến đổi gen toàn cầu, nhưng bán đến 90% hạt giống biến đổi gen (GMO) cho Mỹ – nơi chiếm hơn một nửa sản lượng GMO thế giới.
Sự phổ biến quá nhanh chóng của các thực phẩm GMO gây ra tranh cãi và lo ngại rất lớn về sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường. Nhiều người cho rằng Monsanto đã thực hiện một cách có hệ thống việc lũng đoạn chính sách, lũng đoạn thị trường và lừa gạt công chúng đối với GMO.
Sau đây chúng ta sẽ xem xét vì sao các sản phẩm biến đổi gen của Monsanto có thể lan rộng nhanh chóng trên khắp thế giới.
Công bố về chính sách đối với thực phẩm biến đổi gen ngày 29/5/1992 của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quy định: thực phẩm được tạo ra từ cây trồng biến đổi gen được quy định giống như thực phẩm được tạo ra từ cây trồng truyền thống.
Khi đưa ra chính sách, FDA hoàn toàn không dựa trên bất cứ một đánh giá khoa học độc lập nào về sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen. Ngoài ra, FDA cũng không bắt buộc các sản phẩm GMO phải dán nhãn phân biệt. Đây quả là một chính sách quá dễ dàng và sơ hở đối với một vấn đề rất lớn.
Vì sao FDA lại quy định như vậy? James Maryanski, người phụ trách mảng công nghệ sinh học của FDA (1985-2006) đã trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Marie Monique Robin trong cuốn “Thế giới theo cách của Monsanto”: chính sách thực phẩm biến đổi gen của FDA là dựa trên “quyết định chính trị” từ chính phủ Mỹ chứ không phải từ các cơ sở khoa học.
Người ta dễ dàng phát hiện ra rằng, rất nhiều quan chức trong bộ nông nghiệp Mỹ, FDA, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đều đã từng làm việc cho Monsanto hoặc chuyển việc qua lại với Monsanto.
Trong đó, có một số người quyết định trực tiếp đến chính sách về GMO của Mỹ ngay trong giai đoạn đầu và sau này:
Người ta cũng phát hiện rằng, Monsanto và các công ty công nghệ sinh học đã chi hàng trăm triệu USD để thực hiện các cuộc “vận động hành lang” giới chức Mỹ nhằm tránh dán nhãn bắt buộc các thực phẩm GMO, mặc dù 9/10 người dân Mỹ mong muốn việc dán nhãn.
Nếu GMO là tốt thì tại sao Monsanto và các công ty lại không muốn dán nhãn cho chúng?
Tại thị trường Mỹ
Từ năm 1995 đến 2005, Monsanto mua lại 50 công ty hạt giống gồm hạt giống đậu nành, lúa mỳ, cà chua, khoa tây, rau củ, lúa miến… đồng thời đăng ký bản quyền hơn 11.000 hạt giống biến đổi gen. Người ta lo sợ rằng sẽ đến giai đoạn mà hạt giống không bị biến đổi gen sẽ biến mất
Monsanto sẵn sàng kiện bất cứ nông dân Mỹ nào có ý định giữ lại hạt giống GMO từ mùa trước để sử dụng cho mùa sau. Công ty này thiết lập một lực lượng được gọi “cảnh sát bảo vệ gen”, đồng thời khuyến khích nông dân tố giác những người sử dụng hạt giống GMO từ mùa trước cho mùa sau. Hành động này của Monsanto gây ra lo sợ cho những cánh đồng trên khắp nước Mỹ, người ta cho đó là phương thực toàn trị của một thế giới bị ngự trị bởi biến đổi gen.
“Dĩ nhiên họ sợ, không ai có thể tự vệ trước cái công ty ấy, họ tạo ra một nền công nghiệp mà mục tiêu là hủy hoại cuộc sống của nông dân, ai cũng sợ”, Troy Roush cho biết, ông là một nông dân ở bang Indiana, Mỹ, người đã bị Monsanto kiện vì giữ lại hạt giống cho mùa sau và đã tiêu tốn hơn 400.000 USD vụ kiện.
Thị trường Ấn độ
Tại Ấn độ, trước khi được chính phủ Ấn độ chấp thuận và đưa bông biến đổi gen vào cung cấp, Monsanto mua lại công ty Micheal, công ty hạt giống lớn nhất của Ấn Độ. Kết quả là Monsanto kiểm soát gần như toàn bộ thị trường hạt giống bông ở đất nước này. Để canh tác bông biến đổi gen, nông dân phải mua giống bông với giá cao gấp 4 lần. Và khi không còn muốn dùng bông biến đổi gen do canh tác không hiệu quả, người nông dân Ấn Độ muốn mua hạt giống bông truyền thống cũng gặp khó khăn.
Thị trường Mexico
Để bảo vệ các giống ngô địa phương quý giá tại đất nước này hơn 10.000 năm qua, chính phủ Mexico nghiêm cấm việc trồng ngô biến đổi gen. Tuy nhiên, Giáo sư Ignacio Chapela, trường đại học Berkeley, California và đồng nghiệp đã phát hiện rằng các giống ngô thuần chủng quý giá ở Mexico đã bị nhiễm gen chuyển của GMO. Bài báo của Ignacio Chapela đăng trên tạp chí Nature về sự việc này đã gây ra tranh cãi sôi nổi trong giới khoa học.
Tuy nhiên, sau khi đăng bài báo đó, Giáo sư Ignacio Chapela đã bị trường đại học Berkeley sa thải. Và tổ chức GMO Watch đã phát hiện ra rằng Monsanto đứng đằng sau vụ việc này thông qua một chiến dịch bôi nhọ và vu khống.
>> Xem thêm về ảnh hưởng của Monsanto trong giới khoa học.
Thị trường Paraguay và Brazil
Năm 2005, chính phủ Paraguay cuối cùng cũng phải cho phép hợp thức hóa việc gieo trồng GMO vì chúng đã bị trồng chui quá nhiều, đây là giải pháp bất đắc dĩ để cứu ngành gieo trồng đậu nành. Câu chuyện tưởng chừng rất phi lý.
“Các hạt giống biến đổi gen xâm nhập vào đất nước chúng tôi một cách bất hợp pháp… chúng không đến từ chợ đen mà chúng đến trong những bao tải màu trắng, không ghi nguồn gốc xuất xứ”, thứ trưởng bộ nông nghiệp Paraguay, Roberto Franco cho biết.
1/4 sản lượng đậu nành của Paraguay được xuất khẩu sang EU, nơi yêu cầu dán nhãn các sản phẩm có nguồn gốc GMO. “Chúng tôi không có cách nào biết đâu là đậu nành tự nhiên, đâu là đậu nành biến đổi gen. Để tránh việc mất đi thị trường xuất khẩu đậu nành, chiếm 10% GDP, chúng tôi phải hợp thức hóa các ngũ cốc biến đổi gen trái phép”, Roberto Franco cho hay.
Trước năm 2003, Brazil – đất nước có sản lượng đậu nành thứ hai thế giới, không cho phép trồng cây biến đổi gen vì chưa đánh giá được tác động của nó đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhưng do sự phổ biến quá nhanh của các giống đậu nành chuyển gen được buôn lậu từ Argentina, để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu vào EU, năm 2003, Tổng thống Brazil đã phải ngậm ngùi hợp thức hóa cây trồng biến đổi gen và đề nghị các nông dân trồng cây biến đổi gen “bước ra ánh sáng”, dán nhãn sản phẩm của họ để chính phủ có thể quản lý và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Sự hợp thức hóa GMO của chính quyền Paraguay và Brazil đã cho thấy sự bất lực, đầu hàng của chính sách quốc gia đổi với ngành kinh tế nông nghiệp sinh học biến đổi gen. Tuy không có bằng chứng để chỉ ra rằng Monsanto đứng đằng sau sự việc ở Paraguay và Brazil, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng Monsanto là phía có lợi nhất trong các sự việc này.
Không chỉ như vậy, ở Paraguay, người ta thấy sự xuất hiện của những cánh đồng chuyên canh cây trồng biến đổi gen. Người ta phá rừng, ép buộc bằng vũ lực các hộ ông dân bỏ lại ruộng đất, nhà cửa cho những cánh đồng chuyên canh đậu nành biến đổi gen.
Jorge Galeano, chủ tịch phong trào nông dân Paraguay cho biết, các cánh đồng chuyên canh đậu nành biến đổi gen đã phá hủy tất cả mọi thứ trên đường đi của nó, kể những cây trồng tự nhiên lớn, nhỏ khác nhau vốn nuôi sống nông nghiệp gia đình.
Nền chuyên canh cây trồng biến đổi gen không thể sống chung với sự canh tác của các hộ nông dân nhỏ, đó là hai mô hình không tương hợp. “Nó phá hủy cộng đồng và phá hủy sinh thái, mang đến chết chóc, nghèo đói, bệnh tật và hủy hoại mọi tài nguyên thiên nhiên đã nuôi sống con người”, Jorge Galeano nhận xét về nền chuyên canh cây trồng biến đổi gen – cái mà ông gọi là “sa mạc xanh”.
Thiện Tâm (t/h)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…