Hơn 100 năm trước, một nhà khảo cổ học người Mỹ đã phát hiện ra ngôi mộ bí mật bị chôn vùi dưới 10m đá cuội tại một nghĩa trang cổ của Ai Cập. Tại đây ông đã tìm thấy một trong những quan tài được tô vẽ cầu kỳ nhất Ai Cập, và một cái đầu người được ướp đặt phía trên nó. Cái đầu đó thuộc về ai? Các nhà nghiên cứu đã phải nhờ tới đội điều tra tội phạm của FBI để giúp giải đáp câu đố này.
Ngôi mộ với số hiệu 10A này được nhà Ai Cập học người Mỹ Andrew Reisner, trưởng nhóm thám hiểm Đại học Harvard và Bảo tàng Mỹ thuật Boston, phát hiện ra năm 1915 tại nghĩa trang Deir el-Bersha gần ngôi làng Minya thuộc thung lũng sông Nile, cách thủ đô Cairo 225km về phía nam.
Hầm mộ đã bị những kẻ đào trộm mộ cướp hết vàng và đá quý từ lâu. Những thứ còn sót lại là vài quan tài bằng gỗ tuyết tùng được tô vẽ cầu kỳ, một thùng đựng nội tạng, các bình đựng nội tạng của xác ướp, mô hình thuyền, và hơn 100 mô hình bằng gỗ điêu khắc các con thuyền cùng đàn ông và phụ nữ trong các sinh hoạt hàng ngày.
Nổi tiếng nhất trong số đó là tác phẩm “đám rước Bersha” – tạo tác bằng gỗ tạc hình một quan tư tế dẫn theo 3 ba cô gái đội lễ vật và là một trong những mô hình bằng gỗ tinh xảo nhất của Ai Cập.
Ngoài ra, bị ném vào trong góc của hầm mộ là một xác ướp không đầu và không có tứ chi, cùng một cái đầu cũng đã được ướp. Tại sao xác ướp kia lại bị đối xử như vậy, và cái đầu đó thuộc về ai? Đây là một ẩn đố 4.000 năm tuổi mà các nhà Ai Cập học đang tìm kiếm câu trả lời.
Quan tài Bersha là tên của một trong những quan tài được tìm thấy bên trong ngôi mộ. Đây là một trong những quan tài thuộc thời đại Trung Vương Quốc Ai Cập tinh xảo nhất được phát hiện từ trước tới nay, đồng thời được đánh giá là một kiệt tác tranh vẽ trên gỗ.
Bảo tàng Mỹ thuật Boston cho biết những chi tiết trên các bức tranh bên trong quan tài được vẽ “rất tinh tế, màu sắc đậm và sống động. Những nét vẽ cần mẫn của người họa sỹ và sự vận dụng điêu luyện các mảng sáng tối đã đưa những bức tranh này lên một tầm cao mà khó tác phẩm nghệ thuật nào theo chủ nghĩa hiện thực của Ai Cập có thể sánh được.”
>> Quan tài Ai Cập cổ bị cho là trống rỗng trong 150 năm, nhưng không phải vậy…
“Chi tiết nổi bật nhất là một cánh cửa giả được trang trí phức tạp nơi ka (linh hồn người chết) sẽ đi qua để rời khỏi thế giới đang sống và đến với thế giới bên kia,” bảo tàng viết. “Quan Quách Thư (Coffin Texts) – dòng chữ ghi chép những lễ nghi đám tang và pháp thuật nhằm bảo vệ và dẫn lỗi cho người chết trên con đường sang thế giới bên kia – được viết bằng chữ tượng hình Ai Cập nhỏ theo lối thảo thư và sắp xếp trong những cột gọn gàng ngay ngắn. Những dòng chữ này tiếp tục xuất hiện xung quanh phía trong quan tài.”
Những dòng chữ trên quan tài cho biết ngôi mộ này thuộc về Djehutynakht, một “Lãnh chúa Vĩ đại của địa hạt Hare” (địa hạt thứ 15 của vùng Thượng Ai Cập vào giai đoạn cuối của Triều đại thứ 11 hoặc đầu Triều đại thứ 12 (thế kỷ 21-20 trước Công nguyên). Người được chôn cất trong mộ là Djehutynakht và vợ của ông, bà cũng có tên là Djehutynakht.
Trang Live Science cho hay các nhà khoa học đã tranh luận hơn một thế kỷ xem liệu cái đầu kia là của Djehutynakht hay vợ ông ta.
“Ẩn đố lại càng khó giải hơn khi cái đầu đã bị động chạm đến trong quá trình ướp, một số xương đã bị lấy ra khỏi bộ hàm và má để giúp người chết có thể ăn và uống ở thế giới bên kia,” Live Science cho biết.
Các nhân viên của bảo tàng Boston đã quyết định sẽ tìm cho ra liệu cái đầu họ đang trưng bày này là của ông hay bà Djehutynakht.
Tờ New York Times cho biết bảo tàng đã phải viện đến nhóm điều tra của FBI để giải đáp bí mật này. Mục tiêu của cuộc điều tra là trích tách gen di truyền từ xác ướp 4.000 năm tuổi này. Nhiều nỗ lực trước đây của bảo tàng đã thất bại do xác ướp bị đặt trong một môi trường nhiệt độ cao và dễ gây phân huỷ DNA.
Năm 2009, các nhà khoa học đã khoan vào lõi của một chiếc răng hàm và lấy ra 105mg bột răng. Nhiều năm sau đó, họ đã cố gắng tách DNA từ bột răng này nhưng thất bại. Và thế là FBI được mời vào cuộc. Tiến sĩ Odile Loreille, nhà khoa học pháp y tại FBI, người trước đây đã thành công trong việc chiết tách vật liệu gen từ một con gấu hang 130.000 năm tuổi, đã hòa tan bột răng này vào một hỗn hợp dung dịch đặc biệt được điều chế để khuếch đại DNA. Và bà đã thành công.
>> Vì sao rất nhiều bức tượng cổ Ai Cập đều bị mất mũi?
“Thực sự tôi không hy vọng lắm vào thành công vì lúc đó người ta cho rằng không thể nào lấy được DNA từ các xác ướp Ai Cập,” Tiến sĩ Loreile nói với tờ New York Times. Nhưng trong tạp chí Gen tháng 3 vừa rồi, Tiến sĩ Loreile và các đồng nghiệp của bà cho biết họ đã lấy được mẫu DNA từ cái đầu cổ đại này.
Mẫu DNA đã bị hư hại, cho thấy nó đến từ xác ướp cổ đại chứ không phải từ những yếu tố ngoại lai ô nhiễm vào xác ướp sau khi khai quật.
Sau khi đưa dữ liệu vào trong phần mềm máy tính phân tích tỷ lệ nhiễm sắc thể trong mẫu vật, các nhà khoa học đã đưa kết luận mẫu DNA này là của một người đàn ông. Như vậy, cái đầu là của ngài Lãnh chúa Djehutynakht chứ không phải vợ ông ta.
FBI không chỉ giải đáp được một bí ẩn 4.000 năm tuổi, mà còn giúp thiết lập nên cơ sở cho việc tách lấy DNA từ các xác ướp cổ đại, tạo tiền đề cho rất nhiều các nghiên cứu sau này của giới khảo cổ học.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…