Thế Giới

Trung Quốc mở rộng nhanh trên biển Hoàng Hải; Chuyên gia: Nhắm vào chiến sự với Đài Loan

Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng hoạt động trên biển Hoàng Hải (Yellow Sea), khiến Mỹ và Hàn Quốc cảnh giác cao độ. Chuyên gia cảnh báo mục tiêu nhắm vào chiến sự Đài Loan.

(Ảnh minh họa: Google Map)

Theo tờ Wall Street Journal, vào tháng Hai năm nay, một tàu nghiên cứu của Hàn Quốc khi đến khu vực trung tâm Hoàng Hải để điều tra một công trình khả nghi, đã bất ngờ bị 2 tàu hải cảnh cỡ lớn và 3 tàu nhỏ của Trung Quốc chặn lại. Thậm chí, có thuyền viên Trung Quốc cầm dao đe dọa, buộc tàu Hàn Quốc phải rút lui.

Hai bên giằng co suốt 2 giờ đồng hồ, cuối cùng phía Hàn Quốc không thể tiếp cận được công trình bí ẩn cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 370 km. Ở đó có một lồng nuôi màu vàng và một giàn khoan dầu khí cũ đã được cải tạo, thậm chí còn xây dựng cả sân đỗ trực thăng.

Báo cáo cho biết, hành động khiêu khích này không phải là sự kiện đơn lẻ. Những năm gần đây, ĐCSTQ nhiều lần xâm nhập lãnh hải và không phận Hàn Quốc, đồng thời đã dựng ít nhất 13 phao nổi khả nghi trên Hoàng Hải.

Các chuyên gia nghi ngờ những thiết bị này có thể phục vụ thu thập tình báo, cho thấy ĐCSTQ đang mở rộng sự hiện diện quân sự nhằm thu hẹp không gian chiến lược của Mỹ và Hàn Quốc.

Phân tích nhận định, Hoàng Hải nằm ở vị trí chiến lược Đông Bắc Á, nếu nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan, ĐCSTQ bắt buộc phải kiểm soát được đường ra vào Hoàng Hải, để triển khai hải quân và tên lửa.

Hoàng Hải chỉ cách căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ tại Hàn Quốc 16 km, nơi có 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú. Xa hơn một chút là Nhật Bản, cũng có hàng chục ngàn lính Mỹ đóng quân. Chính quyền Trump từng tuyên bố, nếu chiến sự bùng nổ tại eo biển Đài Loan, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản rất có thể sẽ được điều động khẩn cấp ra tiền tuyến.

Theo dữ liệu của quân đội Hàn Quốc, kể từ năm 2017, số lần tàu chiến Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần. Riêng năm 2024 có tới 330 lần, còn số lần xâm nhập không phận Hàn Quốc trong năm 2023 cũng tăng gấp đôi so với năm trước, lên tới 130 lần.

Thậm chí tháng Năm năm nay, Bắc Kinh còn thiết lập khu vực cấm tàu thuyền trên Hoàng Hải, điều tàu sân bay “Phúc Kiến” tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô chưa từng có, khiến Hàn Quốc vô cùng lo ngại.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các giàn khoan dầu khí và phao nổi mà Trung Quốc tuyên bố dùng cho nghiên cứu biển thực chất có thể mang chức năng quân sự, nhằm từ từ kiểm soát vùng biển Hoàng Hải.

Nghị sĩ Hàn Quốc Yoo Yong-Won cũng chỉ ra, việc Bắc Kinh liên tục dựng phao nổi rõ ràng không phải vì mục đích khoa học, mà là để kiểm soát Hoàng Hải và mở rộng ảnh hưởng quân sự.

Các quan chức an ninh quốc gia Đài Loan tiết lộ rằng trong Sách trắng “An ninh quốc gia Trung Quốc trong thời đại mới” vừa được Trung Quốc công bố gần đây, việc thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã được liệt vào danh sách các lợi ích cốt lõi của quốc gia này.

Theo thông tin tình báo có liên quan, nhằm tăng cường quyền kiểm soát chủ quyền trên biển, Quân Ủy Trung ương Trung Quốc đã thông qua vào khoảng tháng Ba năm nay một kế hoạch “đẩy nhanh quá trình biến Hoàng Hải thành vùng biển của Trung Quốc”.

Theo kế hoạch, trước cuối năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ lắp đặt tổng cộng 12 cấu trúc bằng thép với danh nghĩa hỗ trợ ngư nghiệp, một số trong đó được trang bị bãi đáp trực thăng và nhiều thiết bị quan trắc trên và dưới mặt biển.

Các thiết bị này có thể bao gồm radar dưới nước, mạng lưới cảm biến âm thanh dùng cho mục đích quân sự để phát hiện hoạt động của tàu thuyền và máy bay. Dù phía Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối, Trung Quốc vẫn từ chối đáp lại.

Trung Quốc dự định xóa bỏ đường trung tuyến giữa Trung – Hàn trên Hoàng Hải bằng cách xây dựng công trình, triển khai tuần tra thường xuyên tại khu vực này, nhằm đưa Hoàng Hải vào chiều sâu phòng thủ của khu vực thủ đô Bắc Kinh. Đồng thời điều này còn làm thu hẹp chiều sâu phòng thủ của Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo hiệu ứng pháp lý bằng cách duy trì sự hiện diện thường trực (chiến lược chiến tranh pháp lý).

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Hà Nội đề xuất chi 66,7 tỷ đồng cho kỷ niệm 80 năm Quốc khánh

TP. Hà Nội trình HĐND phê duyệt 66,7 tỷ đồng cho các hoạt động kỷ…

2 giờ ago

Tổng thống Trump: Ukraine cần tên lửa Patriot nếu ông Putin từ chối ngừng bắn

Tổng thống Hoa Kỳ Trump cho biết vào thứ sáu (ngày 4 tháng 7) rằng…

4 giờ ago

Anh nông dân Trần Văn Nghĩa lái drone cứu người được trao bằng khen

Với phản xạ nhanh, can đảm đưa thành công hai cháu bé vào bờ bằng…

5 giờ ago

9 quốc gia trên thế giới đã sở hữu hạt nhân như thế nào?

Cuộc cạnh tranh hạt nhân toàn cầu đang bước vào một kỷ nguyên Chiến tranh…

5 giờ ago

Reuters: Còn nhiều câu hỏi mở về thuế quan đối với sản phẩm dệt may, da giày từ Việt Nam

Liệu ngành hàng sẽ bị áp thuế suất thông thường (20%) hay thuế suất chuyển…

7 giờ ago

30 triệu trẻ em Trung Quốc “nhiễm chì vượt mức”: Chì ẩn chứa ở đâu?

Một trường mẫu giáo tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc sử dụng chất phụ gia…

8 giờ ago