Quan tài Ai Cập cổ bị cho là trống rỗng trong 150 năm, nhưng không phải vậy…
- nguyên khánh
- •
Tại viện bảo tàng trường đại học Sydney, Australia, có một chiếc quan tài “trống rỗng” đã được lưu trữ 150 năm. Khi các nhà khảo cổ học mở ra, họ đã hết sức ngạc nhiên khi thấy một xác ướp trong di vật Ai Cập 2500 năm tuổi này.
Năm 1860, Ngài Charles Nicholson, hiệu trưởng của trường đã mua chiếc quan tài này và hiến tặng nó cùng các cổ vật của cá nhân để thành lập viện bảo tàng cổ vật Nicholson tại trường đại học này.
Dòng chữ tượng hình cổ trên nắp chiếc quan tài gỗ cho biết nó dùng để mai táng một người phụ nữ quý tộc tên là Mer-Neith-it-es, là một nữ tu trong đền thờ nữ thần đầu sư tử Sekhmet vào khoảng năm 664 -535 TCN.
“Năm 1948, trong cuốn sách gửi bảo tàng Museum, giáo sư khảo cổ học Dale Trendal phân loại chiếc quan tài vào loại trống rỗng, mặc dù cơ sở dữ liệu của bảo tàng ghi lại rằng nó chứa các ‘mảnh vụn hỗn tạp’,” ông Jamie Fraser, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trong chiếc quan tài đúng là có các mảnh vụn hỗn tạp và các di thể người như mảnh xương, băng cuốn, và các hạt cườm bằng sứ. Xương xếp lộn xộn lẫn lộn với băng cuốn và các cục nhựa cây được rót vào để bảo quản. Người ta cho rằng trong khi cướp đi các đồ trang sức, những kẻ trộm mộ đã gây ra phá hoại như vậy.
>> Kết quả đáng kinh ngạc khi tiến hành scan xác ướp bất hoại của Từ Hiền pháp sư
Theo trang ABC, đây có thể không phải là xác ướp của Mer-Neith-it-es vì những người buôn bán đồ cổ thời xưa thường bán quan tài rỗng, rồi cho thêm xác ướp vào nếu người mua muốn, có thể không phải là xác ướp ban đầu đi kèm với chiếc quan tài.
Để nghiên cứu chiếc quan tài bí ẩn, các nhà khảo cổ học đã dùng kỹ thuật chụp CT và thu được một số kết quả thú vị.
Trong hình ta thấy trên nền hỗn độn là hình ảnh đầu hai bàn chân của một người. Bên cạnh đó, một số xương cho thấy đây là một người khoảng 30 tuổi.
Khám phá đặc biệt nhất là loại nhựa cây rót vào hộp sọ sau khi não được loại bỏ là giống với loại nhựa cây rót vào não của Pha-ra-ông nổi tiếng Tutankhamun.
Nhà Ai Cập học Connie Lord trả lời trang ABC, “đây là một khám phá kinh ngạc, tôi không nhớ liệu có ai khác từng tìm thấy điều như vậy hay không. Chắc hẳn phải vô cùng hiếm.”
Mặc dù xác ướp bên trong đã là một mớ hỗn độn nhưng điều này cũng có mặt tốt của nó. Thông thường các xác ướp nguyên vẹn cũng được bảo quản cẩn thận và chỉ có thể nghiên cứu bằng cách chiếu chụp, nhưng trường hợp này có thể nghiên cứu trực tiếp bằng các phương pháp như đo đạc, cân, hóa nghiệm, soi kính hiển vi…
Ông Fraser nói: “Chúng tôi có thể nghiên cứu để trả lời câu hỏi về các miếng xương như về bệnh lý học, chế độ ăn, lối sống của người đó, cô ấy đã sống và qua đời như thế nào.”
Người ta sẽ trưng bày quan tài này cũng 3 quan tài khác là Meruah, Horus and Padiashiakhet trong Phòng Xác Ướp tại bảo tàng Chau Chak Wing dự định mở cửa vào năm 2020 trong cùng trường đại học.
Nguyên Khánh tổng hợp
Từ khóa xác ướp Ai Cập Hy hữu bảo tàng