Những căn hầm tận thế lưu giữ sự sống và tri thức của nhân loại

Đứng trước nỗi lo về một thảm họa tận diệt, nhân loại đang tìm kiếm những cách thức để lưu giữ sự sống trên Trái đất và tri thức được tích lũy qua hàng chục ngàn năm của mình. Cũng giống như con thuyền của Noah trong truyền thuyết, người ta đã xây dựng những căn hầm tận thế có thể chống chọi với cả thiên tai lẫn nhân họa.

Đằng sau cánh cửa 25 tấn tại Cheyenne, Colorado, Mỹ.

Hơn 600 m bên dưới lòng núi Cheyenne, Colorado, Mỹ, đằng sau cánh cửa 25 tấn có khả năng chịu bom lên tới 30 megaton, tương đương 1.429 lần quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki, là những hệ thống sinh hóa và lọc nguyên tử tân tiến nhất của con người.

60 m bên dưới ngọn núi Iron, một nhà kho rộng 1,7 triệu m2 là nơi chứa các cuộn phim âm bản, các bản ghi âm, các cuộn phim gốc của các bộ phim trên thế giới.

180 m bên dưới núi Granite, đằng sau cánh cửa 14 tấn chống bom nguyên tử lưu giữ 3,5 triệu hình ảnh trên microfilm bao gồm các tài liệu được thu thập từ các thư viện, nhà thờ từ hơn 100 nước trên thế giới.

Văn khố mật của Vatican là nơi đặt những giá sách dài 50 dặm, cùng các phòng chứa lớn. Người ta có thể tìm thấy ở đây những cuốn sách từ tận thế kỷ thứ 8, những bí mật về phiên xử các Kỵ sĩ dòng Đền, những giấy tờ về Galileo, các bí ẩn xung quanh Henry VIII, v.v..

Nhân loại ngày càng mong muốn lưu giữ tri thức được tích lũy qua hàng chục ngàn năm của mình, đề phòng một thảm họa tận diệt xảy ra, nhưng một trận Đại hồng thủy, hay một thiên thạch rơi xuống Trái đất, hoặc giả khi chiến tranh hạt nhân xảy ra…

Hầm lưu trữ hạt giống Global Seed Vault

Cũng cách đây gần 10 năm, đứng trước rất nhiều nguy cơ có thể khiến sự sống của con người và sinh vật sống trên Trái đất bị đe dọa tuyệt chủng, nhà nông nghiệp học người Mỹ Cary Fowler phối hợp với Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp (IAR) đã xây dựng căn hầm đặc biệt để lưu trữ hạt giống với khoản tài trợ 9 triệu USD của Chính phủ Na Uy. Căn hầm mang tên: hầm lưu trữ hạt giống Global Seed Vault.

Căn hầm này hoàn thành vào ngày 26/2/2008, được xây dựng nằm sâu bên dưới lớp băng vĩnh cửu tại Svalbard, ở giữa Na Uy và Bắc Cực. Svalbard là nơi đặc biệt an toàn để lưu trữ sự sống. Năm 1920, Na Uy đã ký hiệp ước Svalbard với 42 nước để nơi đây trở thành khu vực phi quân sự. Khu vực này cũng không bị nước biển dâng nên có thể bảo vệ hạt giống tránh khỏi những thảm họa môi trường. Hầm có thể lưu trữ tối đa 2,5 tỷ hạt giống.

Hầm lưu trữ hạt giống Global Seed Vault luôn được giữ ở nhiệt độ không đổi -18°C. Những căn phòng chứa hạt giống nằm cuối con đường dẫn vào núi Svalbard dài 125 m. Nhiệt độ tại đây không bao giờ vượt quá -3,5°C ngay cả khi hệ thống làm mát hoàn toàn chạy bằng điện. Mỗi hạt giống được đóng gói vào từng túi riêng biệt, sau đó được niêm phong vào những chiếc hộp để ngăn không cho chúng tiếp xúc với không khí cũng như hoạt động trao đổi chất diễn ra từ từ.

Nhờ được xây dựng tại vùng núi tuyết nên ngay cả khi xảy ra sự cố mất điện, gần 1 triệu mẫu hạt giống vẫn được bảo quản ở nhiệt độ -8°C. Mức nhiệt này cho phép các mẫu hạt giống không bị hư hỏng trong nhiều thập kỷ.

Hạt giống được phân loại và lưu trữ trong hầm

Hầm chứa Svalbard nhận lưu trữ các loại hạt giống từ mọi quốc gia trên thế giới. Các hạt giống lưu giữ tại hầm Svalbard vẫn thuộc quyền sở hữu của chính quốc gia gửi tới. Các nhà quản lý tại hầm Svalbard sẽ không bao giờ cung cấp hạt giống cho những quốc gia khác nếu như không có sự cho phép của nước gửi tới. Tính đến 22/2/2017, căn hầm này đã lưu trữ gần 940.000 mẫu hạt giống từ khắp nơi trên thế giới.

Trên thực tế, có khoảng 1.700 ngân hàng hạt giống trên thế giới với quy mô khác nhau, nhưng đây được xem là một trong những ngân hàng đa dạng nhất, hơn nữa còn có thiết kế chắc chắn có thể tồn tại hàng ngàn năm. Trong tương lai, người ta sẽ tiếp tục đưa các mẫu hạt giống khỏe mạnh vào ngân hàng hạt giống Svalbard.

Việc trồng trọt đất nông nghiệp đã khởi nguồn từ 12.000 đến 15.000 năm trước, nhưng sau khi diễn ra quá trình công nghiệp hóa, tính đa dạng của thực vật đã giảm đáng kể. Từ năm 1900, sự đa dạng của cây trồng đã giảm đi tới hơn 75%.

Cũng theo ước tính của Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc, 3/4 các loại hạt giống trên toàn thế giới sẽ sớm không còn được sử dụng trên những cánh đồng. Trong khi dưới tác động của dịch bệnh, côn trùng, hạn hán và nhiều yếu tố khác, chất lượng hạt giống sẽ ngày bị suy giảm nên sự xuất hiện của hầm chứa Svalbard là giải pháp tối ưu để đảm bảo mạng lưới an toàn lương thực toàn cầu.

Do đó, theo Cary Fowler, hầm Svalbard thực sự hữu dụng bởi vào năm 2100, con người sẽ cần tới những loại hạt giống đang được lưu trữ tại đây.

Không chỉ dừng lại ở bảo tồn hạt giống, một căn hầm thứ hai cũng được xây dựng gần Global Seed Vault để bảo tồn sách quý. Căn hầm này được biết đến chính thức với tên gọi Kho lưu trữ Thế giới tại Bắc Cực (World Arctic Archive). Những quyển sách quý sẽ được lưu giữ ở dạng kỹ thuật số, cho phép chúng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt nhất, kể cả chiến tranh hạt nhân.

Hiện các quốc gia hiện đang được khuyến khích đóng góp các dữ liệu đặc biệt quan trọng của quốc gia mình vào thư viện này. Tuy nhiên, mới chỉ có Mexico và Brazil ủng hộ và tham gia vào dự án này. Theo tin chính thức từ Piql, Brazil đã tải lên các dữ liệu lịch sử của họ. Còn Mexico đã tải lên các tài liệu quan trọng về thời kỳ Inca.

Một công ty Na Uy có tên Piql đang đảm nhiệm việc chuyển đổi và lưu trữ các dữ liệu số lên những tấm màng analog đa lớp, nhạy sáng. Quá trình này tương tự như việc biến dữ liệu thành “các mã QR lớn trên tấm màng”. Piql tuyên bố, mỗi tấm màng đặc biệt như vậy dự kiến có tuổi thọ từ 500 – 1.000 năm. Những tấm analog này sẽ được đặt sâu bên trong một khu mỏ đóng băng vĩnh cửu mang tên Mine 3 dưới nhiệt độ ổn định.

World Arctic Archive được xây dựng cạnh Global Seed Vault. (Ảnh qua Passivetech)

Piql cho hay, một quốc gia có thể thử nghiệm tải lên các thông tin của họ như các hình ảnh hoặc nội dung nghe nhìn đến các máy chủ của Piql. Số dữ liệu này sau đó được chuyển sang tấm màng đặc biệt, được thiết kế chống chịu được bất kỳ sự bào mòn lớn nào. Tiếp đó, chúng được cho vào trong một chiếc hộp an toàn và đặt trong hầm được bảo vệ nghiêm ngặt. Chừng nào hệ thống Internet và các máy chủ còn hoạt động, mọi người có thể tìm kiếm các dữ liệu này trực tuyến. Theo yêu cầu của người sử dụng, chúng có thể được truyền tải bằng kỹ thuật số hoặc được vận chuyển dưới định dạng vật lý tùy chọn nào đó.

Dường như nhân loại đang chuẩn bị những con thuyền Noah vững chãi cho ngày tận thế của chính mình. Trong khi Noah chỉ có đạo đức và sự thành kính đối với Chúa trời, thì chúng ta đang tự hào với những công nghệ ngày càng tiên tiến. Nhưng liệu công nghệ có là đủ để ngăn chặn những thảm họa đạo đức to lớn như chiến tranh hạt nhân?

Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm:

Minh Ngọc

Published by
Minh Ngọc

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago