Tuyết gắn liền với màu trắng, đó là hiểu biết phổ biến của tất cả chúng ta. Nhưng nhân loại sẽ phải làm quen với một nhận thức mới, tuyết cũng có cả đen nữa. Đây là hiện tượng ô nhiễm bụi than tồi tệ xảy ra ở vùng Kuzbass thuộc Siberia, nước Nga, nơi có những mỏ than lớn nhất thế giới, với dân số hơn 2,6 triệu người.
Cái gì ở gần các mỏ than dường như đều bị ám màu đen, và ngay cả tuyết cũng không phải ngoại lệ. Bụi than thường thải ra không khí từ các mỏ than lộ thiên và các nhà máy than không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Chính thứ bụi này đã khiến tuyết có màu đen. Chưa hết, với thói quen vận chuyển than bằng đường sắt trên những toa tàu hở, dưới tác động của mưa gió, thứ bụi than chết chóc tiếp tục phát tán trong không khí và đầu độc nguồn nước dọc theo đường ray.
Vladimir Slivyak, một nhà bảo vệ môi trường thuộc tổ chức phi lợi nhuận Ecodefense, nói với tờ The Guardian: “Tìm tuyết trắng còn khó hơn là tuyết đen trong mùa đông (ở đây). Luôn luôn có rất nhiều bụi than trong không khí. Khi tuyết xuống, chúng ta nhìn thấy chúng. Thời gian khác trong năm, ta không thấy chúng, nhưng chúng vẫn ở đó.”
Thứ tuyết này không chỉ gây sốc với thị giác của chúng ta, mà còn rất độc. Theo các nhà bảo vệ môi trường, bụi than dính vào trong tuyết có chứa một loạt các kim loại nặng nguy hiểm, như arsen và thủy ngân. Vậy nên, không ngạc nhiên khi tuổi thọ trung bình của nhân dân vùng Kuzbass thấp hơn từ 3-4 năm so với của cả nước Nga. Còn rủi ro mắc bệnh lao và các bệnh về tâm thần của trẻ em thì cao hơn gần 2 lần.
Mặc dù tuyết đen thường xuyên xuất hiện vào mùa đông trong khu vực này, nhưng những biện pháp kiềm chế hoặc giải quyết vấn đề của chính quyền lại rất hời hợt. Tháng 12 năm ngoái, thay vì thắt chặt các yêu cầu bảo vệ môi trường tại các khu vực sản xuất than, mỉa mai thay, chính quyền thị trấn Mysky tại khu vực này lại chọn cách dễ dàng hơn: lấy thuốc nhuộm màu trắng để “sơn” lại tuyết tại một địa điểm trượt tuyết cho trẻ em.
Chứng kiến môi trường sống của mình bị hủy hoại và sự thờ ơ của chính quyền, nhiều người dân trong khu vực đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội.
“Không có hệ thống làm sạch, tất cả chất thải, bụi đất, bụi than đều bị thải ra khu vực này. Con cái và chúng tôi đang phải hít thở thứ đó. Thật đúng là ác mộng,” một người chia sẻ.
“Chính quyền cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng. Nhưng lại để cho chúng tôi phải hít bụi than và chúng nằm lại trong phổi của chúng tôi.”
“Không ngạc nhiên khi chúng ta chẳng có cảm hứng nghệ thuật, nó đơn giản là không thể hình thành khi bạn sống cạnh những bức tượng xấu xí bị tuyết đen bao phủ, trượt trên những đường trượt màu đen, và phải chứng kiến những tượng đài bẩn thỉu.”
“Tương lai con của em chúng tôi thật u ám.”
Vùng đất rộng lớn Siberia không hề xa lạ với thảm họa môi trường kỳ lạ. Tháng 7 năm ngoái, một thị trấn công nghiệp tại đây đã bị một trận mưa đỏ nhấn chìm sau khi các chất thải công nghiệp không được xử lý đúng cách đã được một cơn bão mang tới đây (xem ảnh dưới). Cũng trong tháng này, một bức tường bụi bí ẩn đã che mất Mặt Trời trong 3 tiếng đồng hồ ở vùng Yakutia, nơi có một số thành phố được xem là lạnh nhất thế giới.
Quay trở lại với vấn nạn ô nhiễm bụi than ở vùng Kuzbass, 90% than của vùng này được chuyển tới nước Anh, bạn hàng mua than lớn của nước Nga. Than tại Anh được sử dụng để sản xuất xi măng, thép và chạy các nhà máy nhiệt điện, quốc gia này cam kết sẽ loại bỏ việc sử dụng than trong công nghiệp kể từ năm 2025.
Trước những thông tin về thảm họa môi trường ở Kuzbass, một số nhà vận động Anh Quốc đã đề xuất tẩy chay than từ Kuzbass cho tới khi khu vực này áp đặt các biện pháp nghiêm khắc hơn để bảo vệ môi trường nơi đây. “Cách tốt nhất để gây áp lực lên họ là ngừng mua than của họ cho tới khi tình hình thay đổi,” Slivyak cho biết.
>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?
Tuy nhiên, có một sự thực đơn giản, là không có cách nào hiệu quả để khiến việc sử dụng than trở nên thân thiện với môi trường hơn. Ngay cả khi tuyết đen không rơi xuống ở đất nước bạn đang sống, thì hãy nhớ, khí CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân chính dẫn tới thay đổi khí hậu trên Trái Đất.
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…