Sau khi tất cả các lá phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 được kiểm đếm và công nhận, các nhà lãnh đạo của “đất nước cờ hoa” sẽ bắt đầu trở lại làm việc. Một vấn đề chính sách quan trọng được đặt ra sau cuộc bầu cử chưa từng có này là: Liệu người Mỹ có thể tiếp tục mong đợi một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc khi đề cập đến các khía cạnh kinh tế và thương mại, đặc biệt là trong vấn đề cung cấp công nghệ cho quân đội Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này tiếp tục có những hành vi ăn cắp công nghệ một cách tinh vi?
Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực để đánh cắp các công nghệ của Mỹ. Được thúc đẩy bởi tham vọng thống trị toàn cầu, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã “lách” qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm đánh cắp công nghệ nhạy cảm từ hàng hóa thương mại và áp dụng chúng vào khả năng quân sự của mình. Hành vi trộm cắp lộ liễu này đã gây ra một mối đe dọa thường trực đối với an ninh quốc gia và có thể làm mất ưu thế quân sự và kinh tế của nước Mỹ.
Chính sách hợp nhất quân đội-dân sự mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra đã xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự của nước này. Cụ thể, chính sách này sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để mua công nghệ nước ngoài, sau đó được chuyển giao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Gần đây, công nghệ được Bắc Kinh nhắm đến là chất bán dẫn với những con chip nhỏ, tinh vi, cung cấp năng lượng cho công nghệ hiện đại. Các thiết bị thông thường, như điện thoại thông minh, dựa vào chất bán dẫn để hoạt động. Và các hệ thống phòng thủ quân đội cũng tương tự như vậy.
Tháng 10/2020, hãng Bloomberg đã đưa tin về kế hoạch “Made in China 2025” của chính phủ Trung Quốc, trong đó kêu gọi 120 tỷ USD để mở rộng khả năng sản xuất chất bán dẫn của nước này. Tháng 11/2020, các quan chức Trung Quốc sẽ trình bày chiến lược mở rộng sản xuất chất bán dẫn “thế hệ thứ ba”.
Để thực hiện kế hoạch trên, Trung Quốc đã ăn cắp tài sản trí tuệ. Ngoài ra, họ còn mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ các công ty ở Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. Việc buôn bán các công cụ ngoài việc tạo ra doanh thu ngắn hạn, sẽ cho phép Trung Quốc “nuốt chửng” các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài cho đến khi chỉ có các công ty Trung Quốc mới có thể kiểm soát những thành phần cốt lõi của công nghệ này.
Nhận ra mối đe dọa từ Bắc Kinh, Chính quyền Tổng thống Trump đã có các hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng đánh cắp công nghệ. Trong hơn một năm rưỡi qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 153 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào “Danh sách đen”. Theo đó, Mỹ buộc các công ty của mình và các đối tác nước ngoài phải có giấy phép mới có thể bán sản phẩm cho các doanh nghiệp Trung Quốc có chia sẻ công nghệ tiên tiến với PLA.
Bất chấp những quy định cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Trump, các lỗ hổng trong quy trình xem xét cấp phép của Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc và nhiều công ty Mỹ đặt lợi ích công ty lên trên lợi ích quốc gia tiếp tục hành vi “trục lợi”. Vào năm 2017, dân biểu Robert Pittenger đã đề xuất Đạo luật Đổi mới Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (FIRRMA) nhằm “vá” những lỗ hổng đó. Tuy nhiên, đạo luật này đã bị hoãn lại.
Dẫu vậy, các dân biểu Đảng Cộng hòa ở Hạ viện sau đó đã quay trở lại với nhiều ý tưởng có trong FIRRMA. Cuối tháng 10/2020, Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc trong báo cáo của mình đã gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc là “thách thức lớn nhất của thế hệ” mà Mỹ phải đối mặt. Những người theo đảng Dân chủ cũng hiểu rõ sự nguy hiểm này; Chủ tịch Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã viết rằng “Cộng đồng tình báo Mỹ không được chuẩn bị cho mối đe dọa từ Trung Quốc.”
Vào tháng 10/2020, Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra các hạn chế đối với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, Công ty Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) do mối quan hệ của công ty này với PLA. Hạn chế yêu cầu các công ty Mỹ phải có giấy phép bán cho SMIC nhưng không cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này vào Danh sách đen.
Biện pháp trên được xem là một bước đi cần thiết, nhưng nó cũng cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Cách tiếp cận hiện tại dựa vào các quan chức để xác định những công ty Trung Quốc làm việc với PLA. Do đó, các công ty Trung Quốc, như Yangtze Memory Technologies (YMTC) và ChangXin Memory Technologies (CXMT) – những công ty có quan hệ với PLA (giống như SMIC) – tiếp tục được phép truy cập vào công nghệ do Mỹ sản xuất.
Chính phủ Mỹ cần cho thêm cả 3 công ty kể trên và những công ty khác đang hỗ trợ PLA vào Danh sách đen. Đó là cách tốt nhất để cắt đứt sự liên quan của quân đội Trung Quốc đối với những công nghệ nhạy cảm. Trên thực tế, Thỏa thuận Wassenaar, một chế độ kiểm soát xuất khẩu đa phương (MECR) với 42 quốc gia tham gia, đòi hỏi điều đó. Ví dụ, Hà Lan đã hạn chế thương mại với các công ty liên kết quân sự này.
Cùng với đó, Quốc hội Mỹ sắp tới cần phải thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục những thiếu sót trong chính sách kiểm soát xuất khẩu. Hơn nữa, Cục Công nghiệp và An ninh phải hoàn thiện các quy tắc để tạo ra một cách tiếp cận hiệu quả nhằm hạn chế việc bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho các nhà chế tạo có quan hệ với PLA.
Theo Real Clear Defense,
Phan Anh
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…