Biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, với mức thuế từ 3,45% đến 34,27% đối với hàng xuất xứ Trung Quốc, từ 4,48% đến 19,25% với hàng xuất xứ Hàn Quốc.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1711/QĐ-BCT ngày 18/6/2019 áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép phủ màu (thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế chống bán phá giá tạm thời dao động từ 3,45% đến 34,27% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và từ 4,48% đến 19,25% đối với hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc; áp dụng với những sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ, được sơn nhập khẩu vào Việt Nam có mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/6/2019, trong thời hạn 120 ngày.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết việc điều tra bán phá giá bắt đầu từ tháng 10/2018. Sau gần 8 tháng điều tra sơ bộ, kết quả cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, gây đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.
Cụ thể, theo Cục Phòng vệ thương mại, trong giai đoạn điều tra, các chỉ số hoạt động như sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay. Các chỉ số có xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động phải nghỉ việc.
Đáng lưu ý, Cục Phòng vệ thương mại cho hay đối với hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch của biện pháp tự vệ sẽ chỉ áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời. Đối với hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch, sẽ so sánh giữa mức thuế chống bán phá giá tạm thời với thuế ngoài hạn ngạch tự vệ và áp dụng mức thuế nào cao hơn. Theo cơ quan chức năng, việc áp dụng này nhằm loại bỏ tình trạng đánh trùng thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Ngoài ra, các sản phẩm thép phủ màu đặc biệt mà hiện trong nước chưa sản xuất được như các sản phẩm PCM, VCM dùng để sản xuất các mặt hàng điện lạnh và điện tử gia dụng, các sản phẩm PVDF dùng cho các nhà máy nhiệt điện, và một số sản phẩm đặc biệt khác… được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Theo quy định, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Bộ Công Thương cho biết dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý 4/2019 và đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…