Kinh Tế

Bắc Kinh kiện EU lên WTO vì tăng thuế quan đối với ô tô điện Trung Quốc

Ngày 9/8, Trung Quốc tuyên bố đã kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) vì tăng thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc. Vào tháng 7, EU đã quyết định áp thuế bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc.

Ngày 10/1/2024, xe điện BYD đang chờ xếp hàng để xuất khẩu tại cảng ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: STR/AFP)

Do Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc ưu ái bất hợp pháp cho các nhà sản xuất nước này, Brussels (thủ đô của Bỉ, trụ sở chính của EU) công bố mức thuế bổ sung tạm thời lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào EU. Trước đó, ô tô sản xuất tại nhà máy Trung Quốc phải chịu mức thuế 10% tại EU.

Ngày 9/8 Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, “Trung Quốc đã đệ trình vấn đề này lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO” và kêu gọi EU “ngay lập tức sửa chữa những hành vi bất hảo của mình”.

Chính phủ Trung Quốc tin rằng việc tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc của Brussels đã “vi phạm nghiêm trọng các quy định của WTO”,“làm tổn hại đến những nỗ lực toàn cầu, nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu”.

Ủy ban Châu Âu tuyên bố, họ chú ý đến hành vi của Trung Quốc và sẽ nghiên cứu chi tiết vụ kiện này của Trung Quốc. Ủy ban châu Âu cũng cho biết, họ tin chắc rằng quyết định của mình phù hợp với các quy định của WTO.

Mức thuế cuối cùng phải được 27 nước EU phê duyệt, và sẽ có hiệu lực trong 5 năm. EU hiện có 4 tháng để quyết định mức thuế bổ sung cuối cùng, tạo cơ hội cho các cuộc đối thoại.

Pháp và Tây Ban Nha đang tích cực thúc đẩy EU áp dụng các biện pháp thuế quan tương xứng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi Đức, quốc gia có liên quan sâu sắc đến Trung Quốc, lo lắng về sự trả đũa của Bắc Kinh, và cùng Thụy Điển, Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa.

Cái nôi của những thương hiệu xe sang nổi tiếng

EU tuyên bố họ áp thuế để tuân thủ các quy định của WTO, nhằm làm chậm việc nhập khẩu ô tô điện của Trung Quốc, chứ không phải chặn hoàn toàn, không giống như các chính sách mà Washington theo đuổi.

Từ Mercedes-Benz đến Ferrari, châu Âu là cái nôi của những thương hiệu xe sang nổi tiếng.

Là người chiến thắng về động cơ xăng và diesel, châu Âu lo ngại các nhà máy của mình sẽ biến mất nếu không thể ngăn chặn làn sóng ô tô điện Trung Quốc.

Brussels hy vọng các mức thuế bổ sung sẽ bảo vệ ngành công nghiệp sử dụng 14,6 triệu lao động này ở EU, đồng thời tránh được một cuộc xung đột chết người với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 2 của nước này.

Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới. Từ lâu Trung Quốc đã đầu tư vào pin, công nghệ cốt lõi của xe điện và biến nó thành đặc sản của mình.

Vào tháng 7, xe hybrid và xe điện do Trung Quốc sản xuất đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán ô tô của nước này. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra ở thị trường Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. (Xe hybrid hay còn gọi là xe lai nghĩa là kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện.)

Ô tô thương hiệu Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ở châu Âu với mức giá rẻ cạnh tranh, điều mà Brussels cho là thấp một cách giả tạo.

Các tổ chức nghiên cứu tin rằng một phần lý do khiến Trung Quốc trở thành cường quốc về xe điện, là do Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chiến lược công nghiệp có mục tiêu trong những năm gần đây, đồng thời đầu tư một lượng lớn vốn nhà nước vào các doanh nghiệp trong nước, cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Các công ty Trung Quốc có lợi thế đáng kể trong cuộc đua cung cấp xe điện rẻ hơn và hiệu quả hơn so với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu, vốn không phải lúc nào cũng được nhà nước hỗ trợ.

Theo tính toán của công ty tư vấn Jato, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trên thị trường xe điện đã tăng từ dưới 2% vào cuối năm 2021 lên gần 8% vào cuối năm 2023.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn ở Washington, doanh số bán xe điện của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ tăng 70% vào năm 2023, đạt 34,1 tỷ USD. Gần 40% trong số đó được bán sang EU, thị trường xuất khẩu lớn nhất của xe điện Trung Quốc.

Ủy ban Châu Âu áp đặt mức thuế tạm thời từ 17,4% đến 37,6% (không có thời gian xem xét lại), để ngăn chặn điều mà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, là mối đe dọa do chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho ô tô điện giá rẻ.

Giám đốc thương mại EU, ông Valdis Dombrovskis, cho biết Bắc Kinh không có lý do gì để trả đũa. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông nói mục tiêu của EU là đảm bảo cạnh tranh công bằng và một sân chơi bình đẳng.

Ủy ban châu Âu ước tính, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường EU đã tăng từ dưới 1% vào năm 2019 lên 8%, và có thể đạt mức 15% vào năm 2025. Ủy ban cho biết, giá xe điện Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu do EU sản xuất.

Vấn đề dư thừa ô tô của Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Tổng sản lượng hàng năm của hơn 100 thương hiệu nội địa đã vượt quá lượng mua của người sử dụng ô tô trên toàn quốc.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn ủng hộ việc khuyến khích các nhà sản xuất thua lỗ tiếp tục sản xuất, với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ việc làm và mở rộng vai trò của Trung Quốc trong ngành kinh doanh xe điện toàn cầu.

Sự hỗ trợ này, bao gồm cả trợ cấp cho các nhà sản xuất ô tô, đã dẫn đến sự gia tăng sản lượng ô tô trên thị trường toàn cầu và tình trạng dư cung có thể sẽ còn trầm trọng hơn.

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago