Trong khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, thì hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Viet Nam” liên tục tăng cao.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra vào sáng 25/7, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết đang nổi lên tình trạng buôn bán hàng hóa ghi sai xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Vietnam”. Các hành vi gian lận thương mại này gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – ông Trần Hữu Linh cho biết phương thức, thủ đoạn phổ biến là nhập khẩu toàn bộ rồi thay đổi xuất xứ, thay nhãn hoặc nhập nguyên liệu lắp ráp sơ sài rồi thay đổi xuất xứ, sang nhãn. Tuy nhiên, ông này cũng nhắc công tác phòng chống còn khó khăn như khó trong truy xuất nguồn gốc, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn và căn cứ để kiểm tra.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải Quan – ông Nguyễn Văn Cẩn xác nhận thời gian vừa qua nổi lên tình trạng gian lận thương mại – hàng nhập khẩu từ nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng.
“Riêng đối với nhãn hiệu của Asanzo, chúng tôi đã khởi tố vụ án, chuyển công an về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả mạo thiết bị Việt Nam để đưa hàng vào nước ta tiêu thụ, sau đó giả mạo nhãn mác. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh điều tra sâu và cố gắng trong 2 tuần tới đưa ra kết luận vụ việc này”, ông Cẩn nói.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan khẳng định là có đủ cơ sở khi “đào sâu” hơn vấn đề. Các văn bản, chế tài xử lý hành vi trên cần phải thống nhất. Lực lượng chức năng sẽ điều tra sâu và cố gắng trong hai tuần tới đưa ra kết luận vụ việc.
Theo ông Cẩn, 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan hải quan đã ngăn chặn bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm, hiện đang giữ trên 10 nghìn container tại các cảng, cửa khẩu. Tuy nhiên khi tiến hành chặn các vụ vi phạm, đối tượng lại dùng thủ đoạn tạm nhập tái xuất, hoặc nhập qua các cảng biển các nước lân cận, sau đó tập kết ở đường biên. Hàng tiếp tục được xé lẻ để đi vào nội địa.
Một thủ đoạn tinh vi nữa là các đối tượng thành lập công ty ma phân đoạn ra từng công đoạn vận chuyển qua biên giới, tập kết tại các tụ điểm để đưa vào trong nước tiêu thụ. Ông Cẩn đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới cần tăng cường biện pháp phối hợp để ngăn chặn tình trạng này.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 25,6 nghìn vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có gần 10 nghìn vụ phạm tội về kinh tế, 168 vụ phạm tội về tham nhũng, gần 14 nghìn vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường. Các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ gần 13,2 nghìn vụ, 20 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy. So với cùng kỳ năm 2018, mặc dù số vụ bắt giữ giảm 0,94% nhưng quy mô vi phạm tăng cao, lượng ma túy tổng hợp thu giữ tăng kỷ lục (tăng 4.453 kg). |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…