Sau 4 tháng xin đầu tư dự án liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức tiếp quản công trình này với vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, dự kiến công suất 4 triệu tấn một năm, chia làm 2 giai đoạn và thời gian hoạt động khoảng 70 năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn như hiện nay, giới phân tích và đầu tư cho rằng quyết định này của Hòa Phát thực sự đầy mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đây cũng là dự án nhiều nhà đầu tư nước ngoài có bề dày kinh nghiệm sản xuất thép và năng lực tài chính, năng lực đầu tư tốt đã từ chối và tháo chạy.
Cùng điểm lại lịch sử của dự án cũng như các “ông lớn” đã từng đặt chân vào “chiếc bánh” này.
Nhà máy luyện thép Dung Quất khởi phát năm 2006 bởi Công ty Tycoons của Đài Loan, với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD và công suất dự kiến 5 triệu tấn thép/năm. Không lâu sau đó, thêm một nhà đầu tư Đài Loan nữa là Công ty E-United nhảy vào và nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỷ USD nhưng vẫn giữ công suất cũ, đồng thời đổi tên thành Nhà máy Thép Guang Lian. Đến năm 2011, công suất nhà máy điều chỉnh lên 7 triệu tấn thép/năm, đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án nên suốt thời gian dài, việc thu xếp vốn của E-United rơi vào bế tắc.
Cùng thời điểm này, khoảng đầu năm 2012, nhà đầu tư JFE Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm đầu tư đến dự án, nhưng chỉ sau 2 năm nghiên cứu, đến tháng 9/2014, JFE chính thức thông báo không tham gia. Ngay sau đó, E-United đã đề nghị điều chỉnh vốn dự án xuống còn 2 tỷ USD. Dự án cứ như vậy mà đình trệ qua thời gian dài. Đến nay dự án đã chính thức về tay Tập đoàn Hòa Phát.
Vậy điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài thận trọng cân nhắc và rút khỏi các dự án thép trong khi nhà đầu tư Việt lại tha thiết muốn vào? Không chỉ có Tập đoàn Hòa Phát, mà trước đó, cả Tập đoàn Hoa Sen cũng muốn đầu tư dự án này.
>> Thuế tự vệ phôi thép không phù hợp: Sản xuất thép nguy khốn, nhập khẩu tăng mạnh
Theo một phân tích của chuyên gia tài chính của JPMorgan, việc ưa thích đầu tư vào ngành thép của các nhà đầu tư Việt dường như mang màu sắc tương tự với các phi vụ đầu tư khổng lồ vào ngành đóng tàu biển (giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của ngành vận tải biển trước khủng hoảng) và đầu tư vào ngành năng lượng giai đoạn giá dầu tăng cao 2008-2014. Kết quả của các phi vụ đầu tư nhiều triệu USD này là sự đổ vỡ và thua lỗ lớn vì không thực sự thẩm định được rủi ro của dự án đầu tư như: việc phân tích năng lực tài chính, kinh nghiệm và hiệu quả đầu tư, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu,…
Vào khoảng năm 2007, giá cả hàng hóa trên đà tăng cao vì đồng USD sụt giá đến gần 29% giá trị của nó so với đơn vị tiền tệ mạnh khác như EUR, JPY… Thêm vào đó, kinh tế bùng nổ trước giai đoạn khủng hoảng khiến trao đổi thương mại thế giới tăng mạnh ở cả quy mô và giá trị. Cầu tăng khiến giá vận chuyển hàng hóa, liên quan đến ngành nghề như đóng tàu, vận chuyển tàu biển tăng. Đây cũng là giai đoạn Vinashin gia tăng quy mô, phần lớn là vay tiền nước ngoài, cả hệ thống tín dụng ngân hàng dồn tiền cho Vinashin và các dự án đầu tư bất cẩn của họ. Khi giá đảo chiều sụt nặng, giá cổ phiếu ngành nghề đóng tàu và vận chuyển hàng hóa mất giá trị thì Vinashin cũng sụp đổ.
Kế đến, khi dầu thô tăng giá mạnh giai đoạn 2008-2009, giá dầu thô bình quân năm ở mức gần 100USD/thùng. Ngay lập tức, Việt Nam có những dự án lớn về lọc dầu như dự án lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và UBND tỉnh Bình Định với vốn đầu tư 27 tỷ USD – 30 tỷ USD (sau đó hạ xuống còn 22 tỷ USD). Nhiều “dự án lọc dầu tỷ đô” đã phá sản hoàn toàn do giá dầu sụt giảm bất ngờ kể từ những tháng cuối năm 2014 cho tới nay.
>> Thép Việt – Nguy cơ bị phạt nặng nếu đúng là gian lận thương mại
>> Mã chứng khoán Thép đỏ rực sau khi Mỹ khởi kiện thép Việt tiếp tay Trung Quốc né thuế
Nhìn lại thị trường thép thế giới, có thể nhìn thấy xu hướng tăng giá trong thời gian qua. Chuyên gia của JPMorgan cũng chỉ ra rằng, năm 2016, tại Trung Quốc, đất nước chiếm thị phần lớn nhất, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất thép đều tăng. Giá cổ phiếu của đại gia ngành công nghiệp thép của Mỹ là U.S. Steel (NYSE: X) thậm chí còn tăng đến 314%, tuy nhiên không vì thế mà giới đầu tư ồ ạt mua cổ phiếu của hãng này.
Ngay khi thấy xu hướng tăng giá ngành thép, Bộ Công thương Việt Nam đã tiếp tục thực hiện việc đầu tư vào các siêu dự án thép. Kết quả là, Việt Nam xuất hiện các dự án thép lớn gấp nhiều lần sản lượng thép thô của Úc và Brasil – hai cường quốc có các mỏ quặng thép lớn nhất thế giới, có những hãng lớn sở hữu mỏ quặng thép lớn nhất thế giới; không chỉ có tiềm lực tài chính, các hãng này còn có kinh nghiệm đầu tư, kinh nghiệm quản trị tài chính tầm cỡ quốc tế. Mặc dù vậy, Úc và Brasil cũng không sản xuất thép lớn như Việt Nam. Nếu các dự án thép đi vào hoạt động, gồm cả Formosa thì Việt Nam sẽ thuộc nhóm các quốc gia có sản lượng thép cao nhất thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel Association), 10 quốc gia hiện chiếm thị phần thép lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Ukraine. Trung Quốc chiếm tới gần 50% sản lượng thép toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang vất vả với chương trình cắt giảm sản lượng thép bao gồm đóng cửa hàng chục cơ sở sản xuất thép và ngăn dòng vốn tín dụng từ ngân hàng đổ vào ngành này.
Không đàm luận các nguyên nhân khác khiến ngành thép hấp dẫn như khả năng dùng thương hiệu Việt để bán thép của Trung Quốc (nghi ngờ của quốc tế) hay vấn đề về “xử lý thải”…, từ góc độ đầu tư tài chính chuyên nghiệp, dường như tư duy chiến lược đầu tư của Việt Nam chỉ tập trung vào hàng hóa tăng giá “nóng” mà chưa cân nhắc đến các yếu tố như phát triển bền vững song song cùng với nền móng kinh tế tăng trưởng có hàm lượng tri thức cao, năng suất lao động lớn. Hậu quả của các quyết định đầu tư sai lầm là chất chồng thêm những khoản nợ khổng lồ mất khả năng chi trả lên hệ thống tài chính ngân hàng, chưa tính đến những mất mát không tính được bằng tiền về môi trường và môi sinh.
(Bài viết có tham khảo từ Facebook Phương Thơ)
Minh Ngọc (T/H)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…