Tạp chí khoa học uy tín ‘quay lưng’ trọn đời với hai chuyên gia y học Trung Quốc
- Mộc Vệ
- •
Gần đây, «Tạp chí Quốc tế về Gan» (Liver International) đã thông báo chấm dứt đăng tải trọn đời đối với các xuất bản phẩm công bố khoa học của hai chuyên gia cấy ghép tạng người Trung Quốc: bác sĩ Trịnh Thụ Sâm (Shusen Zheng) – Viện trưởng Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang, và bác sĩ Nghiêm Thịnh (Sheng Yan) – Phó Chủ nhiệm khoa.
Ngày 6/2, trang mạng của Tạp chí Khoa học (Science Magazine) thuộc Hội Nghiên cứu Quốc tế về Gan thông báo gỡ bỏ xuất bản phẩm của hai chuyên gia cấy ghép nội tạng và cấm trọn đời việc đăng bản thảo của hai người này trên tạp chí vì vấn đề “dữ liệu nội tạng nghiên cứu ‘tính an toàn trong cấy ghép gan’ được lấy từ tù nhân Trung Quốc”.
Quyết định của tạp chí này căn cứ vào bức thư khiếu nại của giáo sư Wendy Rogers và đồng nghiệp của bà tại Đại học Macquarie ở Úc.
Bức thư kiến nghị của giáo sư Wendy Rogers được gửi đến «Tạp chí Khoa học Quốc tế về Gan» ngày 30/1, yêu cầu gỡ bỏ luận văn của hai bác sĩ Trịnh Thụ Sâm (Shusen Zheng) – Viện trưởng Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang, và bác sĩ Nghiêm Thịnh (Sheng Yan) – Phó Chủ nhiệm khoa vì vấn đề “độ tin cậy của chứng cứ chứng minh nguồn gốc nội tạng phù hợp chuẩn mực đạo đức”.
Trang mạng của tạp chí khoa học này thông báo, sau khi nhận được thư khiếu nại, «Tạp chí Khoa học Quốc tế về Gan» đã thông báo cho tác giả cung cấp chứng cứ chứng minh nguồn gốc nội tạng rõ ràng. Ông Mario Mondelli, chủ biên tạp chí thuộc Đại học Pavia (Ý) cho biết, hai tác giả đã gửi thư nhằm thuyết phục ông rằng “tất cả nội tạng đều do người hiến tặng khi qua đời, không lấy của tù nhân”.
Nhưng «Tạp chí Khoa học Quốc tế về Gan» vẫn yêu cầu tác giả phải cung cấp chứng cứ cụ thể về nguồn gốc nội tạng cùng mọi tài liệu liên quan, tuy nhiên cho đến kỳ hạn ngày 3/2 vừa qua vẫn không nhận được câu trả lời.
Đầu tháng 8/2016, trong phim tài liệu «Khó tin» (Hard to Believe) về vấn đề mổ cướp nội tạng được công chiếu tại Úc, giáo sư Rogers cho biết, với vai trò là người phát ngôn của Trung Quốc trong xã hội Tây phương về lĩnh vực cấy ghép nội tạng, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu từng tuyên bố trên truyền thông vào năm 2012 ông ta thực hiện hơn 500 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng, nhưng trong đó chỉ có duy nhất một trường hợp hiến tặng gan tự nguyện. Khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Úc, ông Hoàng Khiết Phu từng cho biết, ông chỉ quan tâm làm thế nào cấy ghép nội tạng thành công lên cơ thể người bệnh, không quan tâm nguồn nội tạng từ đâu đến. Giáo sư Rogers nói:
“Đối với tôi, một bác sĩ (cấy ghép nội tạng) mà không quan tâm nguồn nội tạng lấy từ đâu thì quá đáng sợ. Tôi không tưởng tượng được một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép nội tạng của Úc cấy ghép tạng cho một người bệnh mà không rõ nội tạng đó được lấy từ đâu, người cung cấp nội tạng chết như thế nào… Giống như ông Hoàng Khiết Phu khoe khoang đã phẫu thuật cấy ghép bao nhiêu nội tạng nhưng lại tránh né đề cập đến nguồn gốc nội tạng, thật quá đáng sợ”.
Vào năm ngoái, giáo sư Rogers đã cùng người đồng nghiệp gửi thư chung đến «Tạp chí Đạo đức học Y khoa» (Journal of Medical Ethics), tạp chí này cũng đã hủy bỏ một luận văn của Trung Quốc về vấn đề nghiên cứu cấy ghép nội tạng.
Tờ Epoch Times từng chỉ ra, ông Trịnh Thụ Sâm (Viện trưởng Y viện số 1 thuộc Viện Y học Đại học Chiết Giang, từng là cựu Chủ tịch Hội Cấy ghép nội tạng Trung Quốc) đã thực hiện 1.850 ca ghép gan, đồng thời cũng là một cán bộ trong bộ máy tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công. Vì liên quan đến tội ác giết người lấy tạng trên quy mô lớn, phạm tội ác chống lại loài người nên bị liệt vào danh sách truy hỏi của Tổ chức Thế giới Điều tra Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG).
Đối với sự kiện «Tạp chí Quốc tế về Gan» hủy bỏ luận văn của hai chuyên gia cấy ghép nội tạng, ông Phàn Tuệ Cường (Fan Huijiang) – Chủ tịch của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Melbourne (Australia) và phát ngôn viên của WOIPFG tại Melbourne cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi cho rằng đây là quyết định vô cùng sáng suốt. Tất cả các tạp chí phải đặc biệt thận trọng khi xét duyệt những bài viết liên quan đến phẫu thuật cấy ghép của bác sĩ cấy ghép nội tạng Trung Quốc, chúng ta phải cam kết không liên quan đến những bác sĩ tham gia mổ cướp nội tạng, không mời họ tham gia bất cứ hội nghị quốc tế nào cũng như giúp họ công bố bất cứ xuất bản phẩm nào”.
“Ngược lại, chúng ta phải tố giác hành động tàn ác của những bác sĩ này. WOIPFG đã công bố danh sách bác sĩ Trung Quốc đại lục liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng, những hung thủ bức hại Pháp Luân Công này sẽ bị trừng trị theo pháp luật”.
Ngày 13/6/2016, Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua Nghị quyết số 343, yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức hành vi mổ cướp nội tạng đối với các người tập Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.
«Tạp chí Quốc tế về Gan» là một tạp chí rất uy tín, có hơn 4.400 chi nhánh trên thế giới. Năm 2011 số luận văn được tải về lên đến hơn 230.000 lần.
Mộc Vệ
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng bác sĩ Cấy ghép nội tạng Tạp chí Y Khoa Tạp chí