Biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, với mức thuế từ 2,46% đến 35,58%.
Ngày 29/5/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Mức thuế chống bán phá giá tạm thời từ 2,46% đến 35,58% với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm có xuất xứ từ Trung Quốc (các sản phẩm có mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90 (mã vụ việc AD05)).
Các sản phẩm này dùng làm cửa nhôm, vách nhôm, tủ nhôm, trang trí nội ngoại thất, kết cấu trong xây dựng nhà cửa và các công trình xây dựng khác hoặc dùng làm các chi tiết máy móc, kết cấu trong lĩnh vực công nghiệp và các mục đích khác.
Bộ Công Thương cũng có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã hàng hoá bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời để phù hợp với mô tả hàng hoá bị điều tra và các thay đổi khác.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5/6/2019, thời hạn áp dụng là 120 ngày.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép vào tháng 1/2019. 17 công ty Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc.
Sau gần 5 tháng điều tra, kết quả thẩm tra, đánh giá cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc. Nguyên nhân chính là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn cả chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.
Bộ Công thương cho biết năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62 nghìn tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017. Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5 nghìn tấn.
Trong khi đó, cùng năm 2018, Mỹ điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Theo kết quả điều tra, tháng 5/2019, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, trong số các sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời theo Quyết định 1480 nêu trên. Theo đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép “sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đồng thời góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa “lẩn tránh” qua Việt Nam” – Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, nhận định.
Bộ Công thương dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý 3/2019, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang…
Ông Trump thông báo bổ nhiệm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Alex Wong làm…
Cảnh sát cứu hỏa tìm thấy toàn bộ 7 người trên tầng 8 và tầng…