Bộ Công thương vẫn muốn đưa các khoản lỗ vào công thức giá điện

Dù có chuyên gia lên tiếng việc đưa các khoản chênh lệch lỗ tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh vào công thức tính giá điện bán lẻ bình quân là trái pháp luật, nhưng Bộ Công thương cho biết việc này “đúng luật” và giữ quan điểm không thay đổi. Riêng năm 2022, Tập đoàn Điện lực (EVN) lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, còn chênh lệch lỗ tỷ giá gần 14.000 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2022).

Tổng công ty phát điện 3 (Công ty con của EVN) báo lãi năm 2022 tới 2.500 tỷ đồng. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Theo tờ trình, công thức tính giá điện bình quân vẫn bổ sung các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Các số liệu này được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán.

Tập đoàn EVN sẽ đề xuất phương án phân bổ các chi phí này, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Bộ Công thương cho rằng việc bổ sung các khoản lỗ như trên vào công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân để phù hợp với mô hình thị trường bán buôn cạnh tranh và giá điện gắn với giá thành sản xuất.

Theo giải thích của Bộ này, chi phí phát điện được xác định trên cơ sở giá nhiên liệu (than, dầu, khí) của các nhà máy điện. Giá các nhiên liệu này theo cơ chế thị trường, nên khi có biến động lớn sẽ ảnh hưởng tới chi phí phát điện của các nhà máy.

Trong khi góp ý trước đó, Bộ Tài chính cho rằng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn không quy định về phương án phân bổ các khoản lỗ sản xuất kinh doanh, chi phí khác chưa được tính vào giá điện và thẩm quyền Thủ tướng quyết định nội dung này.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định này tại dự thảo quyết định sửa Quyết định 24.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá nói: “Cần phải bỏ ngay đề xuất này.” Bởi lẽ, đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012, theo báo Giao Thông.

Cụ thể, Luật Giá 2012 (Khoản 1 Điều 20) quy định: “Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, với nguyên tắc xuyên suốt là giá phải “đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào trong nền kinh tế, ông Thỏa cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia khẳng định việc kinh doanh lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công thương, đừng đổ lên đầu dân. Bởi thẩm quyền tăng giá 3% thuộc về EVN nhưng vì lý do nào đó đã không thực hiện đầy đủ và minh bạch, dẫn đến lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả.

Về thẩm quyền tăng giá, dự thảo giữ nguyên mức điều chỉnh từ 3% trở lên so với hiện hành thì giá điện được xem xét tăng.

Nếu ở mức tăng thấp hơn đã cân nhắc điều chỉnh có thể gây xáo trộn tâm lý của doanh nghiệp, người dân. Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bổ sung khi kiểm tra, rà soát phương án giá điện EVN xây dựng.

Như vậy, EVN được tự quyết định tăng hoặc giảm giá ở dưới mức 5%. Ở mức 5-10%, Bộ Công thương xem xét, chấp thuận cho EVN tăng.

Còn với mức tăng trên 10%, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định.

Ngược lại, khi giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, thì giá điện sẽ giảm và thẩm quyền thuộc EVN.

Quy định này để minh bạch hơn trong điều chỉnh giảm giá và tránh lãng phí nguồn lực khi mức giảm nhỏ cũng điều chỉnh.

Bộ Công thương cũng đề xuất giá điện có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh 6 tháng xuống 3 tháng/lần.

Từ hôm 4/5/2023, giá điện đã tăng 3%, lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa gồm VAT), lãnh đạo EVN cho biết mức tăng này làm doanh thu tăng thêm 8.000 tỷ đồng trong năm nay, vẫn chưa đủ bù lỗ.

Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm:

Phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng hơn 3.015 tỷ đồng;

Khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566 tỷ đồng;

Khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702 tỷ đồng;

Khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Tổng cộng lỗ tỷ giá chưa hạch toán lên tới gần 14.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2022.

Trọng Minh

Trọng Minh

Published by
Trọng Minh

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

24 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

38 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

60 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago