Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng thuế Tài sản trong thời gian tới, đồng thời tiếp thu ý kiến phản biện và giữ nguyên mức thuế VAT 10% mà chưa tăng lên 11% – 12% như dự kiến ban đầu.
Sáng 26/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 tiếp tục diễn ra phần thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, đầu năm 2018.
Trong phần trình bày của mình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt về cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, quản lý nợ công.
Ông Dũng cho biết cơ cấu nguồn thu ngân sách đang có chuyển biến tích cực theo hướng tăng thu nội địa, giảm thu từ dầu thô.
Cụ thể, thu ngân sách năm 2016 và 2017 đều vượt khá so với dự toán lần lượt 9,3% và 6,3%.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tỷ trọng huy động vào ngân sách bình quân là 25,2% GDP, trong đó từ thuế, phí là 21,3% GDP.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận tỷ trọng thu ngân sách Trung ương đang có xu hướng giảm do thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều bị giảm mạnh.
Nếu như vào thời kỳ năm 2011, thu từ dầu thô chiếm đến 16% trong ngân sách Trung ương thì nay chỉ còn 3,8%; tương tự thu từ xuất nhập khẩu cũng bị giảm từ 21,6% xuống còn 15,4%.
Đề cập đến vấn đề đang được dư luận rất quan tâm là việc đánh thuế tài sản nhà ở trên 700 triệu và ô tô trên 1,5 tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính cho hay Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu dự thảo Luật Thuế tài sản sau khi tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành và người dân.
Theo lý giải của người đứng đầu Bộ Tài chính, mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách của dự thảo Luật Thuế tài sản chỉ là thứ yếu, quan trọng hơn, việc đánh thuế tài sản là nhằm “tạo công bằng xã hội, đảm bảo minh bạch tài sản, chống tham nhũng”, ông Dũng nói.
Về Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đồng ý tiếp thu ý kiến từ người dân, doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan liên quan, Bộ quyết định sẽ giữ nguyên mức thuế VAT 10% mà không tăng lên 11% – 12% như dự thảo ban đầu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ cơ cấu lại các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0%, 5% và không chịu thuế để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính công bằng, hạn chế ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính còn cho biết đối với thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng và cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình mới.
Minh Sơn (T/h)
Xem thêm:
Tối thứ Bảy (ngày 17/5), một tàu huấn luyện hải quân Mexico dài 270 foot…
Cơn bão "thuế quan đối đẳng" của Mỹ phá vỡ phòng tuyến Đông Nam Á,…
Bờ sông Ông Chưởng (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sạt…
Tối ngày 16/5, người tại nhiều khu vực thuộc Tân Cương nhìn thấy vật thể…
WASHINGTON - Tiến sĩ Sara Brenner, Phó ủy viên chính của Cục Quản lý Thực…
Chúng ta thường ít để ý đến nước bọt, coi nó là một chất lỏng…