Theo hướng dẫn tạm thời ban hành ngày 20/10 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), khách du lịch trong nước không bị buộc phải xét nghiệm COVID-19, trừ người có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng dịch cấp 3, người đến từ vùng dịch cấp 4 hoặc vùng phong tỏa.
Ngoài giảm điều kiện xét nghiệm COVID-19 đối với du khách, Bộ VH-TT&DL quy định về mức độ được đón khách từ du lịch đến lễ hội, rạp chiếu phim, thi đấu thể thao… theo các cấp độ dịch tương ứng.
Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các khu vực trên cả nước sẽ phân loại (phạm vi đến dưới cấp xã) theo mức độ dịch với nguy cơ tăng dần: cấp 1 – vùng xanh; cấp 2 – vùng vàng; cấp 3 – vùng cam; cấp 4 – vùng đỏ.
Với quy định vừa ban hành của Bộ VH-TT&DL, việc xét nghiệm y tế sẽ chỉ thực hiện với những du khách có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau rát họng, khó thở…, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện.
Đối với tất cả các cấp độ dịch, khách du lịch chỉ phải xét nghiệm một trong các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng dịch cấp 3; vùng dịch cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không xét nghiệm đối với khách là người dân cư trú trong khu vực.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ vùng dịch cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Những quy định về xét nghiệm y tế trên sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tổ chức/cá nhân quản lý khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch, bao gồm: người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch; khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ trong các cơ sở kinh doanh du lịch; người đến liên hệ, làm việc, người cung ứng vật tư, hàng hóa, dịch vụ cho cơ sở kinh doanh du lịch.
Tại khu vực cửa vào của địa điểm tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ, người lao động, người tham dự phải phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định;
Ban tổ chức phải kẻ vạch giãn cách theo quy định; kiểm soát và quản lý người vào; kiểm soát mật độ người vào; yêu cầu toàn bộ người tham gia tổ chức phải thực hiện 5K; sắp xếp phòng cách ly tạm thời đối với người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc.
Các cơ sở kinh doanh du lịch tại vùng dịch cấp 1, 2 được tổ chức hoạt động 100% công suất.
Vùng dịch cấp 3 chỉ được cấp phép tổ chức hoạt động tham quan tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người. Cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống hoạt động không phép quá 50% công suất tại cùng một thời điểm, phương tiện đón khách không được sử dụng quá 50% số ghế. Không đón khách mới khi đang phục vụ khách có công suất trên 50%.
Đặc biệt, đối với loại hình dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp và dịch vụ khác thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vùng dịch cấp 4 phải dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch; dừng tổ chức sự kiện tập trung trong nhà trên 20 người; dừng tất cả các chương trình du lịch nội vùng và liên kết ngoại vùng.
Quy mô của 4 nhóm hoạt động chính sau sẽ phân theo từng cấp độ dịch:
Thứ nhất, hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động triển lãm; tổ chức ngày kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng: giảm 30% số lượng đại biểu, khách mời theo kế hoạch được phê duyệt đối với vùng dịch cấp 2.
Giảm 50% số lượng đại biểu và hạn chế khách mời từ địa phương khác với những vùng dịch cấp độ 3; dừng tổ chức đối với vùng dịch cấp 4.
Thứ hai, hoạt động lễ hội: giảm 50% số lượng đại biểu, khách mời theo kế hoạch được phê duyệt đối với vùng dịch cấp độ 2, chỉ tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức các hoạt động hội. Vùng dịch cấp 3 không được mời khách tham dự phần nghi lễ. Dừng tổ chức lễ hội đối với vùng dịch cấp độ 4.
Thứ ba, hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm văn hóa nghệ thuật: giảm 50% số lượng khách đối với khu vực có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với vùng dịch cấp độ 3. Chưa mở lại các hoạt động trên tại vùng dịch cấp độ 4.
Cuối cùng, với hoạt động của các di tích, bảo tàng, ở khu vực có dịch cấp độ 2 chỉ được đón tiếp các đoàn tham quan không quá 20 người/đoàn, hướng dẫn viên phải tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 theo quy định của Sở Y tế. Áp dụng tương tự đối với vùng dịch cấp độ 3 nhưng số lượng đoàn tham quan giảm xuống không quá 10 người/đoàn.
Đối với vùng dịch cấp độ 4, dừng tổ chức các hoạt động tại các di tích, bảo tàng.
‘Du lịch coi như đã chạm đáy’“Chúng ta từng có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng hiện nay, 30% trong số các doanh nghiệp đó đã đóng cửa, 30% khác có sự chuyển đổi và chỉ còn 5-10% các doanh nghiệp du lịch còn có những hoạt động” – ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay tại diễn đàn “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn” ngày 20/10 do báo Dân Trí tổ chức. “Thiệt hại về du lịch rất lớn. Thống kê sơ bộ về các chỉ số chính đều có sự sụt giảm. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên, tiếp đà những năm trước. Chúng ta đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020″. Sau 4 đợt dịch, đặc biệt đợt dịch thứ 4 kéo dài vừa qua, nguồn lực của doanh nghiệp gần như cạn kiệt. Tính đến thời điểm này, du lịch coi như đã chạm đáy – ông Khánh nhận định, cho hay do đó cần mở lại du lịch để “cứu” những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch, kết nối lại với đối tác, bạn hàng và tìm kiếm thị trường sau 2 năm đình trệ qua. |
Khánh Hòa, Quảng Nam và Đà Nẵng trình Chính phủ mở lại du lịch quốc tếThứ trưởng Bộ VH-TT&DL – ông Đoàn Văn Việt cho biết thông tin trên tại cuộc họp với các địa phương về phương án đón khách du lịch, ngày 21/10. Ông Việt cho hay Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế. Trong đó, Khánh Hòa, Quảng Nam và Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất được đón khách du lịch quốc tế trong tháng 11 tới, điều kiện là đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin cho người lao động, khách đi tua trọn gói, lưu trú tại khách sạn được lựa chọn và không tiếp xúc với cộng đồng dân cư. Bộ VH-TT&DL đề xuất lộ trình 3 giai đoạn mở lại hoạt động du lịch quốc tế, trong đó từ tháng 11/2021, thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, tại Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng. Từ tháng 1/2022, mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, mở chương trình du lịch nhiều điểm đến, trước mắt kết nối Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh. Từ quý 2/2022, mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện an toàn. Bộ VH-TT&DL cho hay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn việc đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn đầu. |
Minh Phương
Xem thêm:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…