Các công ty lớn của Mỹ đã nhanh chóng phát đi tuyên bố ủng hộ phong trào Black Lives Matter và công cuộc thúc đẩy công bằng xã hội tại Mỹ sau cái chết của George Floyd, nhưng hàng chục công ty trong số này có hoạt động tại Hồng Kông vẫn chưa đưa ra bất kỳ ý kiến nào về việc chế độ Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia và gần như đã kiểm soát hoàn toàn hòn đảo bán tự trị này.
Bank of America, Coca-Cola, Marriott, McDonalds, Nike và Scholastic nằm trong số hàng chục công ty lớn của Mỹ có chỗ đứng tại Hồng Kông đã nhanh chóng lên tiếng sau cái chết của Floyd nhưng lại chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về luật an ninh mà Bắc Kinh gần đây đã áp đặt lên Hồng Kông. Luật này ảnh hưởng trực tiếp đến nhân viên của họ đang làm việc tại thành phố và các nhà phê bình cho rằng luật được thiết kế để trấn áp những người bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.
Các phóng viên của hãng tin Daily Caller đã liên lạc với 31 công ty Mỹ có trong danh sách thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông mà chưa tuyên bố công khai về luật an ninh nhưng đã đưa ra tuyên bố thể hiện cam kết công bằng xã hội và bình đẳng chủng tộc tại Mỹ để hỏi xem họ có bình luận gì về luật an ninh hay không.
American Express dường như đã loại bỏ một tuyên bố trên trang web của họ loan báo họ sẽ tài trợ 1 triệu USD cho Liên đoàn Đô thị Quốc gia và Quỹ Bảo vệ Luật pháp và Giáo dục NAACP (Hiệp hội Quốc gia Thúc đẩy Người da màu) sau khi Daily Caller vào sáng thứ Ba (14/7) đã gọi điện yêu cầu họ bình luận về luật an ninh Hồng Kông. American Express đã không phản ứng khi được hỏi tại sao họ xóa tuyên bố nêu trên và liệu họ có kế hoạch tài trợ tiền cho các tổ chức đó nữa hay không.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 13/6 đã phê chuẩn cho American Express được sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán. American Express là ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc được chính quyền cấp quyền này.
Theo Bloomberg News, CEO American Express Stephen Squeri đã phát đi tuyên bố cho hay: “Sự phê chuẩn này là một bước tiến quan trọng trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của chúng tôi”.
Dell là công ty duy nhất phản hồi khi được Daily Caller yêu cầu bình luận về luật an ninh. Phát ngôn viên của Dell cho biết: “Những ảnh hưởng của Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc vẫn đang tiến triển. Chúng tôi đang đánh giá những ảnh hưởng tiềm tàng có thể tác động tới các thành viên và hoạt động của chúng tôi tại Hồng Kông”.
CEO HP Enrique Lores trong tuyên bố vào cuối tháng Năm sau cái chết của Floyd đã dẫn câu nói nổi tiếng của Martin Luther King: “Bất công ở bất cứ nơi nào cũng đều là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”, nhưng ông đã không phản hồi khi được Daily Caller đề nghị đưa ra ý kiến về luật an ninh Hồng Kông. CEO Walmart Doug McMillon cũng đã im lặng khi được hỏi về luật an ninh. Cho dù hồi tháng Sáu ông này đã nói rằng mục tiêu của Walmart là “giúp thay thế các cấu trúc phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống, và bù đắp vào đó bằng các nền tảng của bình đẳng và công bằng, những thứ sẽ củng cố cam kết của chúng tôi với niềm tin, không hề hoài nghi, về Black Lives Matter”.
Phần lớn các công ty Mỹ đã lên tiếng về luật an ninh Hồng Kông là các công ty công nghệ liên quan đến quản lý dữ liệu người dùng trực tuyến như Facebook, Google, Twitter, Microsoft, Zoom và Telegram. Tất cả các doanh nghiệp này tuần trước đã loan báo rằng họ sẽ tạm thời dừng chia sẻ dữ liệu với Hồng Kông sau khi hòn đảo này chính thức thực thi luật an ninh, theo Fortune đưa tin.
The New York Times hôm thứ Ba (14/7) đã loan báo rằng họ sẽ chuyển hoạt động tin tức số từ trụ sở Hồng Kông sang Hàn Quốc. Hãng tin này dẫn lý do chuyển văn phòng là vì quan ngại luật an ninh sẽ tác động đến khả năng xuất bản tin tức.
Luật an ninh đã khiến đa số công ty Mỹ tại Hồng Kông lo lắng, theo khảo sát hồi đầu tháng Bảy của Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông (AmCham). Khảo sát này cho thấy 76% thành viên của AmCham là “cực kỳ lo lắng” hoặc “khá lo lắng” về luật an ninh. Mặc dù bày tỏ lo lắng như vậy, nhưng có tới hơn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng công ty của họ chưa có ý định rời khỏi Hồng Kông.
Chủ tịch AmCham Hồng Kông Tara Joseph nói với CNBC: “Có một nhóm nhỏ doanh nghiệp cảm thấy tốt hơn nhiều bởi vì đường phố yên tĩnh hơn, và họ cảm thấy họ an toàn hơn. Nhưng đa số bày tỏ lo lắng hoặc cực kỳ lo lắng về luật an ninh quốc gia”.
Một ngày sau khi luật an ninh có hiệu lực, AmCham Hồng Kông hôm 2/7 đã phát đi thông báo báo chí đưa ra ý kiến chính thức của tổ chức này về luật mới.
Thông cáo báo chí có đoạn viết: “Chúng tôi duy trì cam kết Hồng Kông là nơi vững chắc cho kinh doanh quốc tế. Sẽ phải cần thêm thời gian để cộng đồng doanh nghiệp xem xét chi tiết luật này, nhưng chúng tôi hy vọng luật sẽ không ảnh hưởng đến sự năng động và lợi ích của thành phố tuyệt vời này, thành phố vẫn tiếp tục là cửa ngõ quan trọng kết nối giữa Đông và Tây”.
“Chúng tôi mong chờ tham vấn thêm các thành viên của mình về chi tiết luật an ninh quốc gia, cũng như tương tác với chính quyền Đặc khu Hồng Kông để tìm hiểu rõ thêm về cách thức luật này sẽ được giải thích và thực thi và những ảnh hưởng của nó đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động và đầu tư tại Hồng Kông”, tuyên bố của AmCham Hồng Kông nói thêm.
Như Ngọc (Theo Daily Caller)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…