Sự lây lan nhanh chóng của virus corona khiến chính quyền nhiều nơi tại Trung Quốc phải đóng cửa các nhà máy, trung tâm mua sắm cũng như các điểm du lịch. Nếu đến tháng 4 tình hình dịch bệnh vẫn không được kiểm soát, nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ tại Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phá sản do mất đơn hàng, giá cả tăng cao và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Mối lo của chủ các xí nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc trước tác động của dịch bệnh do virus corona tăng lên nhanh chóng khi chính quyền địa phương tại nhiều nơi đã thu hẹp đáng kể hoạt động của nhiều nhà máy, xí nghiệp, hạn chế tụ tập đông người, thậm chí ngăn cấm ra đường nếu không có việc cần thiết. Nhiều người lo ngại sẽ bị phá sản nếu tình hình không sớm được kiểm soát.
Tháng 3 và tháng 4 là thời điểm các khách hàng nước ngoài thường đặt hàng cho cả năm, nhưng trước tình hình dịch bệnh, họ sợ rằng khách hàng sẽ tìm đến nhà cung cấp thay thế ở nước khác, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.
Các cửa hàng, nhà hàng nhỏ và các công ty cung cấp dịch vụ địa phương đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ sự kiểm soát của chính quyền, nhiều người nói họ chỉ có thể cầm cự 2 đến 3 tháng trước khi buộc phải đóng cửa vĩnh viễn.
> Ngành du lịch thế giới lao đao vì dịch corona
Tại tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất của Trung Quốc, các chủ doanh nghiệp nhỏ không chỉ đang vật lộn với sự leo thang của giá cả và tác động của cuộc chiến thương mại, mà còn đối mặt với suy thoái do dịch bệnh.
Ông Vương, chủ một nhà máy sản xuất giày ở thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông, cho biết số lượng công nhân sẽ trở lại làm việc (tại các nhà máy) ở Đông Hoàn chắc chắn bị ảnh hưởng trong vài tháng tới, cũng như các công ty dịch vụ và chuỗi cung ứng.
Ngoài việc sụt giảm đơn hàng, ông Vương còn e sợ trước khả năng virus corona có thể lây lan rộng trong các công xưởng, vốn sử dụng nhiều lao động. Do đó, ông không dám nhận đơn hàng nào lớn trong Quý I và cũng không mấy tin tưởng tới viễn cảnh sẽ có các đơn hàng trong Quý II.
“Tác động của virus corona đối với các xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với dịch SARS năm 2003,” ông Vương nói.
Liêu Khải Minh, người đứng đầu Viện Quan sát xã hội đương đại, chuyên nghiên cứu tình trạng làm việc tại hàng trăm nhà máy khắp Trung Quốc, cảnh báo sự bất trắc của dịch bệnh do virus corona có thể là một “cú đánh chết chóc” đối với nhiều công ty sản xuất.
“Nếu có thể kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 2, ảnh hưởng tới ngành sản xuất sẽ có thể quản lý được, nhưng sang đến tháng 3 nếu tình huống chưa được kiểm soát, khách hàng có khả năng chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác, Trung Quốc có thể sẽ mất vai trò ‘công xưởng của thế giới’” ông nói. “Các nhà máy kỹ thuật cao hay các xí nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi việc sụt giảm nghiêm trọng các đơn hàng và thiếu hụt tiền mặt.”
“Trong 2 năm qua, các chuỗi cung ứng đã bắt đầu chuyển hướng do chiến tranh thương mại. Tình cảnh dịch bệnh chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà máy hơn phải chuyển hướng kinh doanh,” ông Liêu nhận xét.
Jason Liang, giám đốc kinh doanh của một công ty xuất khẩu sản phẩm đèn LED ở Quảng Đông, nói công ty của ông đã chuyển một số bộ phận sản xuất ra nước ngoài và tiên đoán các công ty khác cũng sớm làm theo.
Ftech, nhà cung cấp phụ tùng cho các nhà máy sản xuất ô tô của Honda tại Trung Quốc, đang lên kế hoạch di chuyển sản phẩm bàn đạp phanh từ Vũ Hán, trung tâm dịch bệnh, tới Philippines, theo tờ Nikkei. Nếu virus corona tiếp tục lan rộng, các công ty khác cũng sẽ dịch chuyển như Ftech, tờ báo nói.
Hãng Honda có ba nhà máy sản xuất ở Vũ Hán, tất cả đều đang đóng cửa. Vũ Hán cũng là nơi đặt nhiều cơ sở sản xuất xe ô tô Trung Quốc và nước ngoài, cũng như các công ty sản xuất chất bán dẫn.
> Google chuyển sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế
Bành Bành, phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu cải cách hệ thống tỉnh Quảng Đông, đang thúc giục chính quyền tỉnh Quảng Đông hành động để giúp các xí nghiệp sản xuất nhỏ, do nhiều nơi có thể sẽ không cầm cự nổi quá hai tháng.
“Phản ứng quốc tế [đối việc bùng phát dịch virus corona] nghiêng nhiều hơn về tâm lý,” ông nói. “Các khách hàng nước ngoài không thể phân biệt giữa hàng hoá Trung Quốc sản xuất tại Vũ Hán với hàng hoá sản xuất ở các nơi khác tại Trung Quốc, vì thế trong ngắn hạn tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị trì hoãn hoặc cắt giảm.”
Hơn 20.000 nhân viên của Xibei, một chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc, đã không thể đi làm vì sự bùng phát dịch bệnh, chủ tịch công ty – ông Gia Quốc Long – nói với Chinaventure, một công ty chuyên về tư vấn và nghiên cứu đầu tư. Xibei có 400 nhà hàng với hơn 20.000 nhân viên tại hơn 60 tỉnh thành khắp đất nước và hiện tại gần như tất cả các nhà hàng đã đóng cửa.
“Dịch bệnh đã khiến doanh thu của Xibei giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng tháng chúng tôi chi 156 triệu NDT (22,3 triệu USD) trả lương cho nhân viên. Chúng tôi chỉ có thể duy trì dòng tiền mặt trong ba tháng nữa,” ông Gia nói. Ông cũng cho biết nếu tình hình kéo dài tới tận tháng 4 thì buộc phải sa thải nhân viên.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…