Phó thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ chủ trương khuyến khích các tổ chức, ngân hàng nước ngoài mua lại những ngân hàng yếu kém trong nước và chuyển thành ngân hàng 100% vốn ngoại.
Ngày 8/8, phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam 2018 (TP.HCM), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, khuyến khích hoạt động mua bán sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém và trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như: OceanBank, CBBank và GPBank…
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ hạn chế và không cấp thêm giấy phép hoạt động cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng vẫn khuyến khích và cho phép các tổ chức, ngân hàng nước ngoài mua lại những ngân hàng yếu kém trong nước và chuyển thành ngân hàng 100% vốn ngoại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, năm 2019 sẽ thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Đối với ngân hàng BIDV và Vietcombank, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ bán bớt vốn nhà nước cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua hình thức phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ và giảm vốn sở hữu Nhà nước tại hai ngân hàng này.
“Hiện chúng tôi đã có những thương thảo với các ngân hàng và đối tác quan tâm đến thương vụ này”, Phó Thủ tướng cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, ông Huệ còn cho biết các công ty hoạt động trong ngành nông – lâm nghiệp cũng sẽ được cổ phần hóa hoặc cho thành lập công ty TNHH 2 thành viên (có cả rừng, đất, tài nguyên nhưng thiếu vốn nên cần thêm nhà đầu tư). “Trước đây, pháp luật không cho phép nhưng giờ thì khác”, ông Huệ cho hay.
Hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ, mà còn trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu các tổ chức tài chính, thu gọn danh mục doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn…
Theo thống kê từ ban tổ chức diễn đàn M&A Việt Nam 2018, trong giai đoạn từ năm 2009 – 2018, Việt Nam có gần 4.000 thương vụ M&A với tổng giá trị lên tới 48,8 tỷ USD. Riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD, tăng 175% so với năm 2016.
Mặc dù vậy, quá trình cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các DNNN vẫn còn chậm, mới chỉ bán được 8% tổng số vốn nhà nước.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…