Kiểm toán Nhà nước: Ngân hàng 0 đồng đang lỗ mỗi năm hàng nghìn tỷ
- Tuấn Minh
- •
“GPBank mỗi ngày mất khoảng 3,6 tỷ thì mỗi năm cũng mất gần 1.000 tỷ đồng, cho nên chúng ta phải tập trung giải quyết Ngân hàng 0 đồng càng sớm càng tốt”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu.
Cần dứt điểm xử lý ngân hàng 0 đồng
Thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng 22/5 về tình hình kinh tế – xã hội 2017 và kế hoạch 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng. Có thể “bán hoặc giải thể, phá sản… bằng một biện pháp nào đó để tránh tình trạng lỗ mẹ chồng lên lỗ con”.
Ông Phớc lấy ví dụ: “Ngân hàng GPBank hiện nay lỗ lũy kế đến 13.448 tỷ và âm vốn chủ sở hữu là 10.363 tỷ; OceanBank lỗ lũy kế 15.894 tỷ và âm vốn chủ sở hữu là 11.625 tỷ. Theo tính toán, GPBank mỗi ngày mất khoảng 3,6 tỷ thì mỗi năm cũng mất gần 1.000 tỉ. Cho nên cần phải tập trung giải quyết được vấn đề này càng sớm càng tốt để giữ được ổn định của hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng còn lại là Ngân hàng Xây dựng, tuy không được kiểm toán năm vừa rồi nên chưa có con số lỗ cụ thể, nhưng tỷ lệ nợ xấu là rất cao, riêng nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Theo ông Phớc, kinh nghiệm ở Nhật về tái cơ cấu ngân hàng là nhà nước bỏ tiền ra mua các ngân hàng lâm vào thua lỗ và tập trung cơ cấu lại, sau khi đẩy cho nó hoạt động bình thường thì bán đi và thu tiền về. Trong khi đó, việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng vẫn đang “dậm chân tại chỗ.”
Tăng trưởng GDP cao song không thực chất
Ông Hồ Đức Phớc cũng đã khuyến nghị cần phân tích một cách thực chất về cơ cấu tăng trưởng GDP.
“Tăng trưởng của GDP như vậy là tăng trưởng của lĩnh vực nào, là lĩnh vực FDI hay đó là kinh tế thuần Việt? Cần phải có sự phân tích, bởi vì chúng ta thấy tăng trưởng cao song thu ngân sách vẫn không đạt, đặc biệt là nguồn thu ngân sách trung ương; công ăn việc làm vẫn rất khó khăn; đầu tư công rất hạn hẹp.
Về các địa phương ngày trước mỗi năm cũng khởi công được hàng trăm công trình, nhưng bây giờ rất ít. Các DN vừa và nhỏ rất khó khăn. Đời sống của nhân dân cũng khó khăn. Do đó chúng tôi đề nghị phải làm rõ cơ cấu tăng trưởng và thực chất tăng trưởng có mang lại lợi ích và đời sống cho người dân hay không để xác định một cách lâu dài.”
“Do doanh nghiệp khó khăn nên khó tiếp cận vốn ngân hàng, ngân hàng cũng khó cho vay vì có công trình, dự án đâu mà vay vốn, nên lại quay trở lại đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Biểu hiện là lãi suất của trái phiếu Chính phủ hạ xuống. Đây chính là điểm nghẽn chứ không phải là cái tốt của nền kinh tế,” Tổng Kiểm toán phát biểu.
Không siết chặt kỷ cương ngân sách, bao nhiêu tiền cũng không đủ
Về vấn đề quản lý thuế và điều hành ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn.
- Hàng ngàn tỷ đồng sai phạm trong quản lý vốn tại Bộ TN-MT
- Hàng ngàn tỷ đồng lãng phí trong Quỹ bình ổn giá xăng dầu
“Nếu chúng ta không siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính thì bao nhiều tiền cũng không sử dụng có hiệu quả được. Tại sao một số tỉnh cứ giữ lại nguồn ngân sách mà không phân bổ ngay, không đưa ra HĐND để phân bổ? Chẳng hạn, có 10.000 tỷ trên cấp về, chỉ đưa ra HĐND phân bổ 6.000 t, còn 4.000 tỉ giữa lại cấp lẻ. Như vậy là không đúng quy định của luật Ngân sách nhà nước và sẽ xảy ra những vấn đề sai phạm,” ông Phớc cảnh báo.
Ông Phớc cũng lưu ý đến việc cần xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương. Ông cho biết: “Bán thì bán, hay cổ phần hóa thì cổ phần hóa, cần xử lý dứt điểm bằng một biện pháp. Nếu chúng ta cứ kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đến giờ và đến hết nhiệm kỳ vẫn không giải quyết được 12 dự án này với gần 100.000 tỉ vốn đầu tư (không chỉ mất vốn), sẽ kéo theo các hệ lụy khác như công ăn việc làm, lãng phí máy, thiết bị…”
Nếu tính giá đất như hiện nay thì 100% dự án đều sai phạm
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc hoàn thiện thể chế pháp luật đối với các dự án BT, BOT, đất đai đô thị… cũng cần phải quan tâm ngay, trong đó, quan trọng nhất là vấn đề giá đất.
“Phải thay đổi cách tính giá đất, còn nếu tính như hiện nay thì 100/100 dự án đều sai phạm.
Một khu đô thị mà chúng ta đưa ra 5 phương pháp áp giá, mỗi phương pháp có thể chênh nhau hàng chục lần, mà không bắt buộc chủ đầu tư thực hiện theo phương pháp nào, để họ tự lựa chọn, là điều không thể chấp nhận được”, ông Phớc phát biểu.
Ngoài ra, Tổng Kiểm toán cũng cảnh báo hiện tượng bong bóng bất động sản đang quay trở lại, cần chú ý ngăn chặn để tránh gây tác hại lớn cho nền kinh tế.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa ngân hàng 0 đồng tăng trưởng GDP