Mới đây, Chính phủ Việt Nam đề xuất giảm mức thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% xuống mức 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế GTGT 10% để kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế.
Tại Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gửi Quốc hội sẽ được trình bày vào phiên khai mạc sáng ngày 4/1, Chính phủ đề xuất các giải pháp miễn, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí và tiền thuê đất của năm 2022 với tổng giá trị khoảng hơn 64 nghìn tỷ đồng, theo báo Việt Nam Net.
Trong đó, nội dung giảm thuế GTGT được cho là có tác động đến việc kích cầu tiêu dùng, từ đó tổng cầu trong nền kinh tế tăng, kéo theo tăng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đề xuất giảm mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% xuống mức 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất).
Luật thuế GTGT hiện hành quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT).
Phương án này được Chính phủ đánh giá là đơn giản, khả thi và đúng mục tiêu kích cầu. Ngân sách Nhà nước dự kiến giảm thu 49,4 nghìn tỷ đồng khi thực hiện giảm thuế GTGT trong năm 2022.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất cho Chính phủ nên xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người lao động. Thực trạng trong năm 2021 cho thấy người làm công ăn lương cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề, thu nhập giảm, mất việc làm,…
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) cho biết theo kết quả tổng hợp nhanh từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, truyền thông nhà nước đưa tin vào ngày 29/12.
Trong khoảng 2,2 triệu người “tháo chạy”, số người về từ Hà Nội là 447.100 người; từ TP.HCM là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết ảnh hưởng của đợt dịch COVID vừa rồi ảnh hưởng không chỉ đến người làm công ăn lương mà còn tác động trực tiếp đến những người phụ thuộc vào họ. Vì vậy, ngành thuế nên có chính sách giãn, giảm thuế để giúp người dân có thêm một khoản ngân sách vượt qua khó khăn, theo báo Tuổi Trẻ.
TS Nguyễn Ngọc Tú nhận định, hiệu quả của chính sách giảm thuế GTGT, thuế TNCN là tiền sẽ quay trở lại thị trường ngay, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất. Việc có thêm thu nhập sẽ giúp người dân mạnh tay tiêu dùng hơn, mua sắm và sử dụng các dịch vụ nhiều hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Ông Tú đề xuất cần giảm ít nhất 50% thuế TNCN để giảm gánh nặng cho người lao động.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…