Trong kế hoạch 100 ngày đầu tiên tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã cụ thể hóa các quan điểm chính sách trong chiến dịch tranh cử của mình. Khác với người tiền nhiệm ở nhiều phương diện, các chính sách mới về kinh tế – chính trị của Tổng thống mới đắc cử Mỹ không chỉ ảnh hưởng lớn tới trật tự thế giới và các nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế – chính trị – thương mại chặt chẽ với Mỹ, mà còn tác động tới các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tổng thống mới đắc cử Mỹ hướng tới chính sách kích thích sản xuất, tạo việc làm trong nước như: tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu; tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân Mỹ.
Chính sách của ông Trump nhiều khả năng sẽ dẫn đến lãi suất cao và đồng USD mạnh hơn. Khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 12 sau nhiều lần trì hoãn tăng là khá chắc chắn.
Kết quả của chính sách kinh tế của Trump là Mỹ sẽ giảm nhập khẩu, đồng USD tiếp tục tăng giá. Do vậy, các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, có thể chịu các tác động sau:
Xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ do kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này giai đoạn 2013-2015 chiếm khoảng 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và có xu hướng tăng dần qua các năm.
Đồng USD lên giá sẽ gây áp lực lên tỷ giá của Đồng Việt Nam, qua đó tạo áp lực lên lạm phát trong nước. Ngoài ra, đồng USD lên giá cũng làm tăng áp lực nợ công của Việt Nam; theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ vay USD/tổng nợ nước ngoài tính đến 31/12/2015 của Việt Nam là khoảng 44%.
Việc đồng USD tăng giá và lãi suất đồng USD tăng sẽ khiến Việt Nam phải chi trả nhiều hơn cho các khoản vay USD, làm gia tăng áp lực lên nợ công và bội chi – vốn là bất cân đối vĩ mô đáng lo ngại nhất hiện nay của nền kinh tế trong nước.
Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama ủng hộ tự do thương mại bằng việc thúc đẩy đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có TPP – hiệp định tự do thương mại gồm 12 thành viên không có Trung Quốc, chiếm tới 40% GDP kinh tế toàn cầu.
Nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia cho rằng TPP là công cụ để định vị lại bản đồ thương mại toàn cầu cũng như các “luật lệ kinh tế” cho toàn cầu vốn đã chịu quá nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Tổng thống Obama từng phát biểu khi công bố hiệp định này: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ngoài biên giới nước Mỹ, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc soạn ra luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, là người chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước, chống lại các hiệp định tự do thương mại, ông Trump đã chính thức tuyên bố từ bỏ TPP; TPP không còn nhiều ý nghĩa khi không có Mỹ với vai trò thành viên tham gia và dẫn dắt.
Đối với Việt Nam, TPP là cơ hội xét trên hai phương diện.
Thứ nhất, các điều khoản của TPP hướng tới loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua một loạt các quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào Trung Quốc trong sản xuất, các quy định trên khiến nhiều nhà sản xuất trong nước (đặc biệt là ngành dệt may, da giày) đã chủ động tìm kiếm nhà cung ứng thay thế. Không chỉ vậy, nhiều công ty sản xuất nguyên liệu đầu vào may mặc, da giày của Trung Quốc như dệt, nhuộm…cũng đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhằm lách các quy định về xuất xứ nguyên liệu của TPP.
Thứ hai, điểm nổi bật của TPP là yêu cầu minh bạch thông tin quản trị và tài chính đối với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi nền kinh tế đó gia nhập TPP. Yêu cầu này vừa là thách thức nhưng lại là cơ hội cho Việt Nam cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp đồ sộ nhưng còn ỳ ạch này.
Minh bạch thông tin, đặc biệt các thông tin về tài chính và quản trị chính là nền tảng để tăng cường giám sát, tăng cường động lực tái cơ cấu khu vực DNNN. Trên thực tế, vừa là để chuẩn bị cho tiến trình này, vừa là yêu cầu tất yếu phải tái cấu trúc DNNN, Việt Nam đã có bước tiến nhất định về khuôn khổ pháp lý về vấn đề này (Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung quy định về công bố thông tin tài chính, quản trị của DNNN tại trang web của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý).
Không chỉ đối với đổi mới khu vực DNNN, kỳ vọng lớn nhất của thị trường khi Việt Nam tham gia TPP chính là cơ hội để đất nước hoàn thiện thể chế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng do các áp lực phải hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, áp lực tăng cường năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp trong nước khi gia nhập vào Hiệp định thương mại này.
Tuy nhiên, cho tới nay, việc Việt Nam thực sự có khả năng hưởng lợi nếu tham gia vào TPP hay không vẫn còn gây tranh cãi bởi nền kinh tế trong nước thiếu nhiều điều kiện cơ bản để tham gia vào một sân chơi lớn, chẳng hạn như: thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, môi trường kinh doanh lành mạnh, khuôn khổ pháp lý phù hợp. Do vậy, rất khó để đánh giá “mất và được” của nền kinh tế trước câu chuyện về TPP. Và dù có TPP hay không, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn là vấn đề then chốt quyết định sự thành – bại của nền kinh tế trong giai đoạn này.
Phương Nga (T/H)
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.