Hãng Mai Linh dự kiến sẽ bắt đầu ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng kể từ ngày 20/11 tới đây.
Sau khi lên tiếng chỉ trích các hãng taxi công nghệ nước ngoài cạnh tranh không bình đẳng, tập đoàn Mai Linh cũng đã có những chiến lược riêng để giữ chân khách hàng và tăng sức cạnh tranh. Ngoài việc phát triển và hoàn thiện thêm ứng dụng gọi taxi, Mai Linh đang chuẩn bị đưa xe ôm công nghệ vào hoạt động chính thức.
Ứng dụng xe ôm của Mai Linh với tên gọi M.Bike dự định sẽ góp mặt trên thị trường ba thành phố lớn vào ngày 20/11 sau 1 tháng thử nghiệm nội bộ. Khách hàng có thể tải ứng dụng trên hai hệ điều hành iOS và Android. Như vậy, khách hàng sẽ có thêm một sự lựa chọn mới về xe ôm cùng với GrabBike và UberMoto.
Thông tin về việc Mai Linh gia nhập thị trường khá gây chú ý trong cộng đồng, bởi tính đến thời điểm hiện tại, trên thị trường chưa có ứng dụng nào của doanh nghiệp Việt thành công dù khá nhiều công ty đã thử sức như Vinasun với Vcar, Thành Công với ThanhCong car, TaxiGo, Vietgo, 123xe v.v. Có thể thấy việc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn dày dặn kinh nghiệm như Grab và Uber không đơn giản.
Nhằm thu hút tài xế đăng ký, Mai Linh đưa ra ưu đãi với tỷ lệ chia doanh thu 0% trong hai tháng đầu kể từ khi đăng ký trở thành đối tác của Mai Linh Bike. Với các tháng tiếp theo, tỷ lệ chia doanh thu với đối tác là 15%, thấp hơn so với tỷ lệ 20 – 25% như các công ty công nghệ.
Thủ tục và điều kiện đăng ký cũng khá đơn giản. Những cá nhân dưới 50 tuổi và có giấy phép lái xe đều có thể tham gia. Tuy nhiên, phương tiện của tài xế không được vượt quá 3 năm sử dụng.
Ngoài ra, Mai Linh còn tặng miễn phí 1000 bộ đồng phục gồm 1 áo và 2 mũ bảo hiểm cho những người đăng ký đầu tiên. Với mức ưu đãi này, hãng hy vọng sẽ thu hút được khoảng 30.000 người sẵn có trong toàn hệ thống công ty.
Nếu Mai Linh đạt được con số này, hãng có thể trở thành đối thủ của Grab và Uber. Hiện GrabBike đã xây dựng được mạng lưới rộng lớn với 50.000 lái xe, đồng thời chấp nhận chịu lỗ để tăng số lượng tài xế, nâng cấp chất lượng dịch vụ và tăng cường các hoạt động khuyến mãi. Trong khi đó, kể từ khi ra mắt dịch vụ UberMoto vào tháng 4 năm 2016, qua 1 năm Uber cũng đã phát triển được số tài xế lên tới 20.000 người.
>> Grab, Uber đang đảo lộn thị trường vận tải taxi?
Theo bảng giá cước dịch vụ được Mai Linh công bố, hãng áp dụng mức cước 11.000 đồng/2km đầu với loại xe thông thường. Đây là mức giá không chênh lệch so với GrabBike và UberMoto.
Khách hàng sử dụng GrabBike tại Hà Nội và TP.HCM sẽ phải trả 11.000 đồng/2km đầu với thị trường Hà Nội và 12.000 đồng/2km đầu với thị trường TP.HCM trong điều kiện thông thường (chưa tính đến việc điều chỉnh theo thời điểm trong ngày, khu vực). Đối với UberMoto, mức cước là 3.700 đồng/km nhưng có cước phí tối thiểu là 10.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy Mai Linh rất quyết tâm trong việc cạnh tranh và thu hút khách hàng, mặc dù hãng sẽ phải đối mặt với việc chịu lỗ không hề nhỏ. Như trường hợp của Grab, từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh năm 2014 đến nay đã lỗ luỹ kế 938,2 tỷ đồng, riêng năm 2016 báo cáo lỗ 443 tỷ đồng. Đơn vị này lý giải do chi phí quảng cáo và khuyến mại rất lớn.
Với mặt bằng giá tương đương, khách hàng có xu hướng nghiêng về bên cung cấp dịch vụ có nền tảng ứng dụng tốt, cung cấp nhiều khuyến mãi, chất lượng phục vụ nhanh chóng, tận tình và chuyên nghiệp. Mai Linh hoàn toàn có thể cạnh tranh nếu đáp ứng được các tiêu chí này. Hơn thế nữa, thương hiệu Mai Linh vẫn là một thương hiệu được nhiều người biết đến ở Việt Nam, đây là một điểm khá thuận lợi về mặt nhận diện thương hiệu cho hãng.
Quyết tâm cải thiện chất lượng dịch vụ còn được thể hiện rõ hơn khi ngày 27 tháng 10 vừa qua tại TP.HCM, tập đoàn Mai Linh cũng đã ký biên bản hợp tác với tập đoàn Kyyti (Phần Lan). Kyyti là nền tảng kỹ thuật ứng dụng công nghệ di dộng trong việc đặt và lựa chọn phương tiện di chuyển, đồng thời cho phép liên kết với các đối tác cho thuê xe, taxi, xe máy, xe đạp tại địa phương. Thông qua các hình thức B2B, B2C và B2G, Mai Linh và Kyyti đều kỳ vọng sẽ xây dựng được một hệ sinh thái giao thông linh hoạt, tiết kiệm và tiện ích.
>> Mâu thuẫn giữa GrabBike và xe ôm truyền thống ngày càng phức tạp
Mặc dù xét về mặt lý thuyết, cơ hội cho Mai Linh vẫn còn khá rộng mở ở thị trường Việt Nam. Mai Linh cũng có thể học hỏi kinh nghiệm ở 1 số thị trường quốc tế khác như Indonesia, Trung Quốc nơi Uber phải chịu thua trước các hãng nội địa để vận dụng linh hoạt tại thị trường trong nước. Tuy thế, khó khăn trước mắt là không hề nhỏ đối với doanh nghiệp này.
Trước hết là vấn đề về tài chính. Trong Báo cáo tài chính bán thường niên năm 2017, tình hình tài chính của tập đoàn Mai Linh đang khá yếu ớt. Tính đến 30/6/2017, Mai Linh đang lỗ luỹ kế 795 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp này đã chiếm gần 90% tổng tài sản. Vì thế, liệu Mai Linh có chịu được thêm những khoản lỗ được dự báo là cực lớn để đấu với Grab, Uber hay không, chắc chắn công ty này sẽ phải vật lộn trong thời gian tới.
Hơn thế nữa, khả năng huy động vốn đầu tư của Mai Linh, vốn không phải là một start-up mới mẻ mà là một doanh nghiệp đang đấu tranh để sinh tồn, cũng được cho là khá khó khăn. Trong khi đó, Grab và Uber có sự hậu thuẫn rất lớn từ giới đầu tư quốc tế.
Tiếp đó là vấn đề về nền tảng công nghệ và mạng lưới hoạt động. Tuy đã cận kề ngày ra mắt, nhưng hiện tại app của Mai Linh còn chưa hoàn thiện. Theo thử nghiệm cá nhân, app chạy còn chưa ổn định, một số nội dung chưa hoàn tất, hay bị treo. Việc không mang lại trải nghiệm dễ chịu cho người dùng sẽ là điểm trừ rất lớn và là một trong những yếu tố mang tính quyết định việc người dùng có sử dụng dịch vụ hay không.
Bất lợi nữa cho Mai Linh là mạng lưới hoạt động còn hạn chế do mới đi vào hoạt động, trong khi lực lượng hùng hậu của Grab và Uber với mật độ phủ rộng khắp đã luôn sẵn sàng đón khách chỉ trong vòng một vài phút. Đó là điều Mai Linh cần phải sớm có biện pháp khắc phục.
Rốt cuộc, liệu việc đầu tư này có tạo ra sự thay đổi tích cực cho Mai Linh không còn cần thời gian để đánh giá và xem xét. Tuy nhiên, việc đuổi kịp được với Grab và Uber vốn đã đánh chiếm thị trường trong thời gian dài, cộng với tiềm lực tài chính hùng mạnh, mạng lưới rộng, chất lượng dịch vụ luôn được cải thiện là điều rất khó đối với bất cứ một doanh nghiệp trong nước nào.
Tuệ Minh (T/h)
Xem thêm:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…