Venezuela vỡ nợ đã trở thành sự thật sau hàng loạt các dự báo rằng nước này gần như đã mất khả năng thanh toán khoản nợ trái phiếu tổng cộng 60 tỷ USD.
Vào tối thứ Hai ngày 13/11 (sáng qua theo giờ VN), Venezuela đã không thể thanh toán khoản lãi 200 triệu USD đến hạn của hai trái phiếu chính phủ.
Điều này đã thúc đẩy S&P chính thức công bố chính phủ nước này vỡ nợ, kèm theo dự đoán các khoản nợ mất khả năng thanh toán trong tương lai sẽ liên tiếp đến.
Caracas đã trễ hạn thanh toán khoản lãi khác trị giá 420 triệu USD, được cho là cũng sẽ sớm bị tuyên bố vỡ nợ, ngoài ra, nợ của công Công ty dầu khí quốc gia PDVSA cũng trong tình trạng tương tự.
Quốc gia giàu dầu mỏ này đã chống chọi được với các khoản nợ trong thời gian dài hơn nhiều nhà đầu tư dự đoán, sau khi giá năng lượng sụt giảm vào năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Nicolas Maduro cuối cùng đã thừa nhận sự thất bại vào hai tuần trước, khi thông báo rằng Caracas sẽ cần phải “tái cấp vốn và tái cơ cấu” tất cả các khoản nợ nước ngoài.
Tổng nợ của các khoản vay song phương và khoản vay khác đã lên đến hơn 150 tỷ USD, như vậy, đây sẽ là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử các quốc gia trên thế giới. Trước đó vào năm 2012, Hy Lạp đã phải cơ cấu lại khoản nợ hơn 200 tỷ Euro (hơn 235 tỷ USD) – lần vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử.
Giá trái phiếu Venezuela đã bắt đầu phục hồi từ sự sợ hãi của thông báo vỡ nợ hôm qua (14/11) nhưng trở lại giao dịch theo hướng cắt lỗ. Trái phiếu trị giá 2,5 tỷ USD đến hạn vào cuối tháng 10/2018 – một trong những trái phiếu đã vỡ nợ – mất gần 1/5 giá trị, đang bán cắt lỗ với giá chỉ còn 25,7% mệnh giá. .
Áp lực đang gia tăng đối với chính quyền xã hội chủ nghĩa sau khi các nhà đầu tư rời khỏi cuộc họp Caracas vào hôm qua, không có giải pháp về việc làm thế nào để vượt qua những thách thức tài chính và các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Venezuela vì lạm dụng nhân quyền.
>> Bầu cử tại Venezuela: Nghi vấn gian lận khi Đảng cầm quyền của ông Maduro tiếp tục thắng cử
Mặc dù có những lời kêu gọi của một số nước Mỹ Latin về việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela như cấm du lịch và đóng băng tài sản, cũng như cấm vận đối với xuất khẩu dầu, nhưng Caracas tỏ ra rất ít quan tâm về sự phản đối của quốc tế.
Ông Maduro gọi các biện pháp chế tài của EU là “ngu ngốc”. Phó tổng thống Venezuela Tareck El Aissami, người đã bị Mỹ trừng phạt vì buôn lậu ma túy và là quan chức chính phủ duy nhất phát biểu tại cuộc họp của các cổ đông hôm thứ qua, đã không đưa ra các đề xuất cụ thể cho việc tái cơ cấu nợ.
Thay vào đó, những người tham gia cuộc họp cho biết các nhà cung cấp tài chính đã được tặng những túi chứa đầy sôcôla. “Thật là những thứ điên rồ”, một nhà quản lý trái phiếu các thị trường mới nổi, người đã được thông báo về phiên họp nhưng không tham dự ngao ngán. “Nhưng [điều đó] không làm tôi ngạc nhiên.”
Mặc dù vậy, trong bản tuyên bố chính thức, chính quyền Maduro mô tả cuộc đàm phán nợ hôm thứ Hai như là một “thành công vang dội” và “rất tích cực và tốt đẹp”.
“Cuộc đàm phán là cách chúng tôi chứng tỏ đầy đủ ý định của mình về việc tuân thủ các cam kết của chúng tôi. . . bất chấp những trở ngại do chính quyền Trump và các thế lực thù địch muốn gây ra cho đất nước này”, một đoạn trong bản tuyên bố. “Họ đã và sẽ không đạt được nó. Bầu không khí tích cực trong quá trình đàm phán tái cấp vốn lần này đã chỉ ra rằng chúng tôi sẽ…tiếp tục xây dựng một nhà nước thịnh vượng mà người dân Venezuela xứng đáng có được.”
>> TT Venezuela Maduro: Cảm ơn ông Trump đã khiến tôi nổi tiếng
Sự thờ ơ của chính quyền Caracas có thể đã được thúc đẩy bởi hy vọng rằng họ sẽ nhận được sự cứu trợ từ phía Nga. Điều có thể giúp ngăn chặn một tuyên bố chính thức về vỡ nỡ của tổ chức phái sinh ISDA, sau khi Caracas trễ hạn thanh toán trái phiếu 1,1 tỷ USD và khoản 47 triệu USD tiền lãi của tuần trước.
Dự kiến, Venezuela và Nga sẽ công bố các điều khoản của việc tái cơ cấu nợ song phương trị giá 3 tỷ USD vào thứ Tư tới (ngày 16/11 theo giờ VN), nhưng vẫn còn nợ hơn 57 tỷ USD trái phiếu của các chủ nợ khác.
Ông Pavel Federov, Giám đốc tài chính của Rosneft – công ty dầu khí dưới quyền kiểm soát của Kremlin trước đây đã cho Venezuela mượn 6 tỷ USD, cho biết trong cuộc họp hôm thứ Ba rằng: “Vào thời điểm này, công ty không có kế hoạch trả thêm bất kỳ khoản thanh toán trước nào cho Venezuela.”
Cũng có hy vọng về việc Caracas và phe đối lập của nó có thể đạt được một thỏa thuận chính trị nhằm tạo điều kiện cho việc giải cứu tài chính trong các cuộc đàm phán quốc tế.
Phe đối lập rút lui khỏi các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày mai (16/11) tại Cộng hòa Dominican do thiếu các nhà bảo trợ nước ngoài, nhưng không loại trừ các cuộc đàm phán trong tương lai.
Mặc dù phe đối lập đã yếu thế sau thất bại đau đớn trong cuộc bầu cử gian lận của chính quyền Maduro, nhưng họ vẫn đang nắm giữ một quân bài tài chính mạnh mẽ.
>> Bầu cử tại Venezuela: Nghi vấn gian lận khi Đảng cầm quyền của ông Maduro tiếp tục thắng cử
Bất kỳ việc tái cấu trúc trái phiếu nào sẽ đòi hỏi phải phát hành nợ mới để hoán đổi các trái phiếu cũ. Tuy nhiên, khoản nợ mới này chỉ được quốc tế công nhận là hợp pháp nếu được chấp thuận bởi Quốc hội đang do phe đối lập nắm giữ. Do đó, ông Maduro đang tìm cách lật đổ cơ quan dân cử này bằng cách thiết lập một Hội đồng Lập hiến.
Francisco Rodriguez, nhà bình luận kinh tế tại El Universal, một tờ báo địa phương gợi ý: “Điều tốt nhất là nếu chính phủ và phe đối lập đạt được một thỏa thuận chính trị, điều đó có nghĩa là bất kỳ cuộc tái cơ cấu nợ nào cũng có thể được Quốc hội thông qua.”
Tuần trước, Hoa Kỳ cho biết họ sẽ “cân nhắc” cho phép các tổ chức và ngân hàng được điều hành bởi Mỹ mua bán nợ của Venezuela “nếu Quốc hội Venezuela được bầu cử một cách dân chủ để thông qua việc phát hành khoản nợ mới.”
Các nước lớn nhất châu Âu và Mỹ Latin cũng cho biết họ sẽ chỉ công nhận pháp luật được Quốc hội thông qua, bao gồm việc phát hành nợ mới.
Về mặt lý thuyết, vỡ nợ trái phiếu có thể giúp Maduro tiết kiệm được 1,6 tỷ USD trong năm nay (do không phải trả nợ). Tuy nhiên, sự vỡ nợ cũng có thể là cơ hội để các chủ nợ thâu tóm các tàu chở dầu của Venezuela, điều này có thể khiến nền kinh tế Venezuela tồi tệ hơn, nơi mà người dân ngày càng bị suy dinh dưỡng và dịch bệnh vì họ không thể tìm thấy hoặc được cung cấp lương thực và thuốc men.
Trong trường hợp đó, Nga có thể đóng một vai trò vô giá bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và kinh doanh dầu của Venezuela, từ đó giúp Caracas tránh được việc bị tịch thu các tàu chở dầu.
Vào hôm thứ Hai (hôm qua 14/11 theo giờ VN), Trung Quốc – một đồng minh và chủ nợ khác của Venezuela, và Nga đã tẩy chay một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Đại sứ Mỹ đã gọi Venezuela là “một quốc gia buôn ma túy ngày càng bạo lực” và đang đe dọa cả thế giới.
Theo FT,
Chân Hồ biên dịch
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…