Chỉ một nút thắt nhỏ tại cửa khẩu của nước láng giềng Trung Quốc cũng khiến cả một ngành chăn nuôi điêu đứng, hơn 3 triệu hộ gia đình rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần, kéo theo hệ thống ngân hàng phải gánh vác thêm phần nợ xấu bất đắc dĩ. Đã đến lúc nói không với xuất nhập khẩu tiểu ngạch?
Từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, thương mại biên giới Việt-Trung liên tục phát triển dựa trên nhiều nhân tố thuận lợi như về đường biên giới đất liền dài trên 1.400 km, hàng loạt các cửa khẩu, lối mở tạo điều kiện cho thương mại đường biên. Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực Tây Nam (Trung Quốc) giáp giới Việt Nam có địa hình phần lớn đồi núi, nên sản xuất nông nghiệp cung không đáp ứng đủ cầu, do đó nhu cầu nhập khẩu nông sản, thủy sản rất lớn. Trong khi đó, nông sản, thủy sản là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Với những điều kiện thuận lợi trên, kim ngạch thương mại biên giới Việt-Trung không ngừng phát triển. Đến năm 2015, đạt 24,15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ, khoáng sản, nông lâm thủy sản. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp nặng và công nghiệp điện tử, nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng công nghiệp nhẹ và hàng nông sản. Các mặt hàng tạm nhập- tái xuất chủ yếu là hàng thủy hải sản đông lạnh.
Nếu như Hiệp định Thương mại về mua bán hàng hóa ở biên giới được hai nước ký kết năm 1991, 1998 mang tính chất khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư hai vùng biên giới với các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, thì đến tháng 9 năm 2016, trong hai nước vừa ký lại Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam. Theo đó các hoạt động giao thương đã được nâng tầm mới, được đối xử giống như hoạt động thương mại quốc tế thông thường, phải chịu sự quản lý về hạn ngạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định quản lý chất lượng, quy định kiểm dịch động vật, thực vật,….
Tất cả hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của Luật An toàn thực phẩm do Tổng cục Giám sát chất lượng và kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Công thương về xuất khẩu nông sản, Việt Nam mới làm việc với Trung Quốc để mở thị trường chính ngạch cho 8 loại hoa quả bao gồm thanh long, nhãn, dưa hấu, vải thiều, chuối, chôm chôm, xoài, mít. Các loại rau quả, nông sản còn lại vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, Bộ Công thương đã đang dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Hiệp định thương mại biên giới Việt Trung. Dự thảo được lấy ý kiến từ tháng 10 năm 2016, đến nay vẫn chưa thông qua.
Do chưa được cấp phép nên hàng nông sản của Việt nam đều xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Theo luật pháp Trung Quốc, các địa phương giáp giới được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch để đáp ứng nhu cầu địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trung ương của Trung Quốc thường xuyên kiểm tra hoặc đưa ra các yêu cầu đối với hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Những đợt kiểm tra, giám sát và các yêu cầu mới đưa ra thường gây gián đoạn, khó khăn cho hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc, có đợt gián đoạn dài ngày gây ách tắc nhiều hàng hóa và tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phía Trung Quốc còn liên tục điều tiết hàng xuất khẩu và hàng tạm nhập tái xuất của Việt Nam qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp lại xin phép Bộ Công thương, Chính phủ gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.
Tại một số cửa khẩu, lối mở biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ bên phía Việt Nam. Nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển từ xe tải lớn sang xe biên mậu nhỏ để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc, do đó gây chậm trễ và bất tiện cho thông quan hàng hóa của Việt Nam.
Nhiều hàng nông sản của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc theo hình thức đi chợ, doanh nghiệp Việt Nam bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc mà ồ ạt chở lên biên giới khi vào vụ, khiến khả năng thông quan của cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng ép giá.
Chẳng hạn mỗi năm Việt Nam xuất sang Trung Quốc 200 nghìn tấn dưa hấu, 600 nghìn tấn thanh long, 200 nghìn tấn vải thiều, nhưng phía Trung Quốc chỉ nhận hàng hoa quả qua cửa khẩu Tân Thanh. Vào vụ thu hoạch cao điểm, phía Việt Nam mỗi ngày có 1.000 -1.500 xe chở hàng lên, trong khi bến bãi phía Trung Quốc khá chật hẹp, mỗi ngày chỉ thu mua được 250-350 xe, khiến hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu này.
Bên cạnh đó, hàng Việt xuất khẩu qua đường tiểu ngạch còn bị các cò trung gian lấy rất nhiều phí lo lót, bôi trơn. Mức phí bôi trơn tại cửa khẩu hai nước đã tăng vọt hồi đầu năm 2017. Trước đây, phí cho 1 xe lợn hơi xuất khẩu chỉ khoảng 50 triệu đồng. Sau Tết, mức phí bôi trơn đã bị đòi hỏi gấp 3, tức 150 triệu đồng. Phân bổ bình quân mỗi con lợn qua được cửa khẩu mất 1,5 triệu đồng, bằng 80% giá trị con lợn xuất chuồng. Điều đáng nói là mức phí trên hoàn toàn rơi vào tay khâu trung gian, nhà nước hai bên không thu được gì.
Hoạt động buôn bán tiểu ngạch với các thương lái Trung Quốc đang mang lại lợi ích trước mắt. Hơn 700 triệu USD xuất khẩu nông sản trong 4 tháng đầu năm có được nhờ con đường buôn bán tiểu ngạch. Nếu không có buôn bán tiểu ngạch, nhiều vùng chăn nuôi, nhiều vùng sản xuất nông sản sẽ dư thừa sản lượng. Tuy vậy, có được chút lợi nhưng cũng trăm phần thua thiệt.
Thứ nhất, việc chấp nhận những thương vụ làm ăn bất chính tạo lỗ hổng cho nhiều hàng hóa nhập khẩu lậu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền sản xuất trong nước. Theo số liệu hải quan Trung Quốc, thương mại Việt-Trung chỉ trong 11 tháng đầu năm 2016 đã đạt tới 84 tỷ USD, vượt quá xa con số 66 tỷ USD cả năm theo ghi nhận của phía Hải quan Việt Nam. Con số chênh lệch gần 20 tỷ USD/năm phản ánh lượng hàng hóa nhập lậu khổng lồ vào thị trường Việt Nam. Những hàng hóa đó hoàn toàn không được kiểm soát về chất lượng, hoàn toàn thất thu thuế.
>> 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 9 tỷ USD
Thứ hai, rất nhiều tài nguyên thiên nhiên bị tuồn sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Riêng ngành than, chỉ trong 6 tháng năm 2013, Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đã ghi nhận chênh lệch tới 2 triệu tấn than xuất khẩu từ Việt Nam.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, cả nền sản xuất mong ngóng vào xuất khẩu tiểu ngạch để hoạch định quy mô. Không hợp đồng, không ràng buộc pháp lý nào bảo vệ người sản xuất trong trường hợp thương lái Trung Quốc phá giao ước. Bài học về lợn giảm giá, dưa hấu ế ròng, gạo chất ứ đầy kho … bao nhiêu năm vẫn lặp đi lặp lại không có lời giải.
Thâm hụt thương mại với Trung Quốc những năm gần đây luôn trên dưới 30 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã đạt mức 9 tỷ USD. Nếu tính giá trị hàng hóa lậu nhập vào Việt Nam, con số còn hơn nhiều lần.
Mặc dù thịt lợn là một trong các mặt hàng không được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, nhưng nhiều tháng qua, bằng cách này hay cách khác, cũng đã có khoảng vài chục ngàn tấn thịt lợn hơi lọt qua cửa khẩu vào thị trường Trung Quốc. Phí bôi trơn cho các lô hàng này lên tới cả ngàn tỷ đồng. Phí này không vào ngân sách nhà nước Trung Quốc mà vào tay mạng lưới trung gian, và các thương lái đầu cơ ép giá.
Trong những ngày nhân dân Việt Nam giải cứu người chăn nuôi, thương lái Trung Quốc cũng tăng mua trở lại, đường biên cũng mở cửa cho nhiều xe lợn qua hơn. Vậy thực chất đây là điều gì?
Trung Quốc là đất nước đông dân nhất thế giới, là một cỗ máy khổng lồ không thể sống thiếu lương thực, thực phẩm. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang đe dọa tới an ninh lương thực của bất kỳ quốc gia nào. Nhu cầu Trung Quốc nhập khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam là rất lớn. Vậy thì nhập khẩu hàng hóa Việt Nam giá rẻ phải chăng là quyền lợi của riêng nhân dân Việt Nam? Việc cấm nhập nông sản vào Trung Quốc có phải thiệt hại duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam? Chắc hẳn cũng có thiệt hại của phía Trung Quốc. Vì vậy, thương mại Việt Trung cần được nhìn nhận từ hai phía một cách bình đẳng, làm sao đôi bên cùng có lợi.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam không sợ đóng thuế nhập khẩu cho Trung Quốc, vì số tiền mà họ phải “bôi trơn” cho các lô hàng được thông quan đã quá nhiều, rủi ro mà họ phải gánh vác là quá lớn. Họ cần quyền được buôn bán, giao thương đường đường chính chính.
Có phải thịt lợn Việt Nam không đáp ứng được các chuẩn đầu vào của Trung Quốc? Không hẳn vậy, hãy nhìn con tôm, nhìn rau củ quả Việt Nam đã xuất khẩu sang được những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, EU, Mỹ,…Không phải doanh nghiệp, người dân Việt Nam không làm được mà họ cần biết các đầu bài kỹ thuật rõ ràng.
Có phải sản xuất của Việt Nam manh mún, không đáp ứng được quy mô xuất khẩu? Một đất nước đứng thứ 4 thế giới về sản xuất thịt lợn, có tổng đàn lợn gần 30 triệu con phải chăng chỉ dựa vào quy mô nhỏ lẻ. Những vùng chăn nuôi như Bình Dương, Hải Dương, Thái Bình,…Có những trang trại lợn tới vài chục, vài trăm ngàn con gia súc, gia cầm sao gọi là quy mô nhỏ lẻ. Thiếu dây chuyền chế biến, giết mổ, cấp đông? Nếu có tiêu chuẩn rõ ràng, mọi thứ sẽ sẵn sàng – chỉ sau vài tháng.
Trong những năm vừa qua, hàng chục phái đoàn của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đã sang đàm phán tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả cho tới hiện nay, ngoài 8 loại hoa quả được xuất khẩu tiểu ngạch, toàn bộ nông sản vẫn chưa được cấp phép chính ngạch. Thậm chí, dịch lở mồm long móng lợn vẫn đeo bám lấy Việt Nam trên bản đồ dịch bệnh, ngay cả khi dịch bệnh đã qua từ rất lâu.
Một cán bộ Sở ngoại vụ tỉnh X cho biết, trong các cuộc đàm phán phía Trung Quốc chủ yếu câu giờ và không đáp ứng bất kể yêu cầu gì từ phía Việt Nam. Các cuộc đàm phán gần như không có kết quả, trong khi đó hàng tỷ đô la hàng hóa nông sản Việt Nam vẫn phải luồn lách vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Ai cũng hiểu rằng các cuộc đàm phán có thành công hay không là ở chỗ sức nặng của các quyền lợi đưa ra thương thảo như thế nào? Việt Nam có đầy đủ các sức mạnh về vị trí địa lý, năng lực sản xuất hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn lo sợ cửa tiểu ngạch bị ảnh hưởng thì sức mạnh đàm phán khó phát huy tác dụng? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc Việt Nam có dũng cảm bước ra khỏi tư duy tiểu ngạch hay không để bước đi ngay chính trên chính trường thương mại quốc tế.
Một nền sản xuất không thể mãi dựa vào buôn chui bán lủi mà phát triển bền vững. Những rủi ro đem lại cho doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế đã quá nhiều, xin hãy nói không với tiểu ngạch để bắt đầu hành trình chính ngạch. Chắc chắn khi ta đóng một cánh cửa lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…