Categories: Kinh Tế

Cục Hàng không Việt Nam: Từ hè 2024 thiếu máy bay trầm trọng

Cục Hàng không Việt Nam cho hay việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè 2024 khan hiếm và đắt đỏ hơn. 

Một số hãng bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 9/2020. (Ảnh: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Ngày 1/4, tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết ngành hàng không Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng, có thể ảnh hưởng đến năng lực cung ứng của các hãng hàng không trong năm 2024-2025.

“Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất”, ông Thắng cho hay.

Trước đó, từ tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321Neo để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Thống kê trên phạm vi toàn thế giới, ước tính có khoảng 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động bị ảnh hưởng.

Việc triệu hồi động cơ một số máy bay A321Neo (của các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet) sẽ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025; thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024 và mất khoảng 18 tháng để hoàn thành sửa chữa, khắc phục động cơ bình thường.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng số lượng máy bay trên thế giới bị lỗi động cơ rất lớn, khiến chuỗi cung ứng của nhà sản xuất bị đứt gãy. Dự báo, đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường.

Về tình hình nguồn cung máy bay, một số hãng hàng không phải tái cơ cấu nợ, khiến giá thuê máy bay trên thế giới bị đẩy lên rất cao và rất khó thuê do khan hiếm.

Theo ông Thắng, các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025.

Lần lượt các hãng bay tái cơ cấu, bán máy bay trả nợ

Từ ngày 1/4, hãng hàng không Bamboo Airways đã dừng khai thác các đường bay Hà Nội – Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TPHCM – Đồng Hới/Côn Đảo; đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo khai thác bằng máy bay Embraer E190.

Từ cuối năm 2023, hãng này đã giảm tần suất hoặc dừng khai thác một số đường bay như Hà Nội, TP.HCM – Phú Quốc hay Hà Nội – Cà Mau; dừng toàn bộ mạng đường bay tuyến quốc tế sau khi ngừng khai thác đội tàu thân rộng Boeing B787.

Cùng ngày 1/4, trụ sở mới của Bamboo Airways ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chính thức hoạt động, một ngày sau khi hãng bay tư nhân này hoàn tất việc đóng trụ sở hoạt động chính của hãng tại Hà Nội (tòa nhà FLC). Bamboo Airways công bố tái cơ cấu với mục tiêu hòa vốn vào năm 2025 và tăng dần hiệu quả hoạt động trong các năm tiếp theo.

Từng khai thác 30 máy bay, nay Bamboo Airways chỉ còn lại 8 chiếc thực hiện các đường bay nội địa trục Bắc – Nam như TP HCM – Hà Nội/Đà Nẵng.

Hãng hàng không Pacific Airlines từ ngày 18/3 đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác. Hãng đang xây dựng kế hoạch thuê 3 máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì số lượng tối thiểu nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

Lo ngại chậm/hủy chuyến, đẩy giá vé

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp cao điểm hè 2024, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế.

Để đối phó với tình trạng thiếu máy bay, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không lên kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay, duy trì lực lượng vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và giai đoạn cao điểm hè sắp tới.

Các đơn vị liên quan được yêu cầu rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay, cố gắng từ 45 phút xuống còn 35 phút, tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.

“Các hãng bay thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển; tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của hãng hàng không”, Cục Hàng không yêu cầu.

Sơn Nguyên

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

5 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

6 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

6 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

7 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

10 giờ ago