Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ – Trung sẽ ra sao?

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, mọi diễn biến của thế giới dường như đều xoay quanh sự kiện này và bất kỳ vấn đề xung đột nào cũng quy về lĩnh vực kinh tế. Mối quan ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và câu hỏi được đặt ra là ông Trump làm thế nào để có thể chiến thắng?

(Ảnh qua Blogs.cfr)

Kể từ sau chuyến viếng thăm của Richard Nixon đến làm việc với Mao Trạch Đông năm 1972, Mỹ đã cố gắng coi Trung Quốc như một đối tác, giúp đỡ thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc đồng thời mong muốn đưa Trung Quốc vào trật tự tự do Mỹ tạo dựng nên.

Tuy nhiên đến nay, ông Trump cho rằng chính sách đó đã khiến Trung Quốc phát triển thịnh vượng nhờ tiền của Mỹ, lấn lướt Mỹ và đây là lúc mà Mỹ phải trỗi dậy vì người lao động, vì nền công nghiệp, và vì quyền lực của nước Mỹ. Người Trung Quốc “đã không chơi đúng luật, và tôi biết đã đến lúc họ phải bắt đầu theo đúng luật chơi”, ông Trump phát biểu hồi tháng 12 vừa qua.

Quan điểm của ông Trump về Trung Quốc

Tổng thống Trump coi Trung Quốc là một đối thủ kinh tế, Mỹ cần hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước siêu cường Trung Quốc đang trên đà lớn mạnh và luôn vi phạm luật chơi của thế giới.

Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, ăn cắp tài sản trí tuệ, lấy đi việc làm của người lao động. Trump cho rằng, lỗi thuộc về các lãnh đạo trước đây của Mỹ, họ đã chọn toàn cầu hơn là lợi ích quốc gia và mặc nhiên khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc thực hiện “hành vi đánh cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Ông tuyên bố sẽ đứng lên, đảo ngược dòng, giành lại các nhà máy và việc làm cho quốc gia mình.

Chuyên gia của Bloomberg cho rằng, dường như trong cuộc chiến này, ông Trump đang sử dụng một loại vũ khí không mấy tối tân và một chiến lược lỗi thời.

Trung Quốc thực sự đã thao túng tiền tệ và đánh cắp việc làm, nhưng giờ thì sao?

Không thể phủ nhận rằng, sự lớn mạnh của Trung Quốc một phần đến từ việc quốc gia này luôn lờ đi việc phải tuân thủ “luật” của sân chơi toàn cầu hóa, sự thao túng tiền tệ trong một thời gian dài đã thúc đẩy xuất khẩu, thặng dư thương mại cho quốc gia này. Không chỉ vậy, nạn đánh cắp tài sản trí tuệ khiến nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới lao đao, suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.

Nhưng hiện nay, sự suy yếu từ các vấn đề nội tại của Trung Quốc như dư thừa sản xuất, công nghệ lạc hậu, nợ xấu gia tăng, bong bóng bất động sản khiến dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tìm đường tháo chạy khỏi quốc gia này; trong 4 năm qua, dòng vốn rời khỏi Trung Quốc lên tới 1.000 tỷ đô la Mỹ, giới chuyên gia kinh tế dự báo rằng có thể Trung Quốc sẽ mất thêm 500 tỷ đô la Mỹ nữa chỉ trong năm 2017 (bằng một nửa con số của 4 năm trước).

Bởi vậy, bất chấp việc đồng Nhân dân tệ (CNY) gia nhập giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế (SDR) và báo chí Trung Quốc không ngừng quảng bá, thổi phồng sự kiện này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hiện phải nỗ lực để ngăn chặn đồng Nhân dân tệ suy yếu.

Dự trữ ngoại hối đã xuống mức thấp kỷ lục, dưới 3.000 tỷ đô la Mỹ, mức được coi là “rủi ro” với nền kinh tế này (do vượt quá các ngưỡng khuyến nghị của IMF về mức dự trữ ngoại hối an toàn). Khả năng đồng CNY tiếp tục mất giá mạnh hơn trong năm 2017 là khó tránh khỏi, đặc biệt trước viễn cảnh kinh tế Mỹ khởi sắc hơn kể từ khi ông Trump đắc cử, khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 3 tới là khá chắc chắn (theo nhận định của giới chuyên gia và tư vấn đầu tư).

Về vấn đề việc làm, trong khoảng thời gian từ 1999 đến năm 2011, người Mỹ cũng mất vào tay Trung Quốc khoảng 2 triệu việc làm. Nhưng đến nay, có thể nhận thấy tiền lương chi trả cho lao động tại Trung Quốc xếp vào hạng cao nhất trong khu vực Châu Á, và đất nước này thậm chí còn để mất việc làm cho các quốc gia có chi phí thấp hơn. Trên thực tế, ngày càng có nhiều nhà sản xuất Mỹ đang trong quá trình tái cơ cấu, hoặc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ.

Trung Quốc hướng đến điều gì?

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc không phải đến nay mới diễn ra, mà nó vẫn luôn diễn ra trên mặt trận các ngành công nghiệp công nghệ cao cho tương lai.

Dễ thấy, Trung Quốc không còn nhắm đến việc sản xuất ra những chiếc T-shirt và TV cho người tiêu dùng Mỹ, quốc gia này muốn phát triển sản phẩm của riêng mình dựa trên công nghệ “cây nhà lá vườn” và gắn nhãn thương hiệu Trung Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra những mũi nhọn nhằm cạnh tranh và hất cẳng các công ty của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đã dốc toàn lực cho chiến lược này.

Năm 2015, Trung Quốc thông qua một chính sách công nghiệp, được gọi là “Made in China 2025”, trong đó họ có ý định nâng cấp năng lực sản xuất cho các sản phẩm công nghệ cao bao gồm các thiết bị y tế, xe điện, và robot. Khoản tiền mặt dư dả của Chính phủ và các ưu đãi khác thường được dành cho cho các ngành mục tiêu như vậy. Một báo cáo của Hội đồng Tư vấn Nhà Trắng Obama vào đầu tháng 1/2016 cũng đã chỉ ra những nỗ lực của Trung Quốc trong mục tiêu thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, được các Công quỹ hoặc các Quỹ liên kết của nhà nước hỗ trợ 150 tỷ USD.

Đây rõ ràng là mối nguy nghiêm trọng đối với tương lai của nước Mỹ. Khi Trung Quốc bắt đầu lắp ráp các thiết bị như iPhone, nó có thể chiếm dụng việc làm của người Mỹ nhưng không thực sự đe dọa đến vị thế của kinh tế Mỹ. Còn nếu Trung Quốc thiết kế các sản phẩm đột phá tiếp theo với phần mềm và chip dưới thương hiệu riêng của mình, thì quốc gia này thực sự có thể hạn chế sức mạnh kinh tế chính của Mỹ và thử thách với vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Thêm vào đó, Trung Quốc hẳn sẽ “không chơi đẹp” để đạt được mục tiêu của mình. Bất chất lời hứa tiếp tục “mở cửa”, Chính phủ nước này lại giành sân chơi trong nước cho các công ty của nó, sử dụng biện pháp hạn chế tiếp tục đầu tư đối với các công ty nước ngoài và áp đặt các rào cản thương mại khác, chuyển giao công nghệ bắt buộc,…

Trong một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc phát hành tháng 1/2016, 8 trong số 10 người được hỏi cho biết họ cảm thấy không được chào đón như trước đây, trong khi hơn 60% có ít hoặc không  tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường hơn nữa trong ba năm tới.

Chính phủ Trung Quốc đang dồn sức cho mục tiêu chiến lược công nghệ. (Ảnh: Shutterstock)

Hành động của Mỹ – Một góc nhìn

Một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây chính là, Mỹ nên làm gì với tất cả các vấn đề này? Ý tưởng của Trump là sẽ khuấy đảo hết thảy. Ông đe dọa áp đặt mức thuế cao với hàng nhập khẩu Trung Quốc trước tai tiếng “gian lận” của quốc gia này và gây sức ép để Trung Quốc mở cửa thị trường. Thay vì thực hiện đúng thỏa thuận trước kia, Trump cho biết ông sẽ đưa vấn đề trở lại bàn đàm phán.

Thật khó để biết chính sách của Trump đối với Trung Quốc sẽ ra sao. Các quan chức Trung Quốc cảnh báo họ sẽ trả đũa hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ nếu Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, điều đó sẽ đẩy cuộc chiến thương mại lên cao, và có thể thiệt hại cho cả hai bên. Tương tự như vậy, nếu Trump dán nhãn cho Trung Quốc “thao túng tiền tệ”, ông hẳn sẽ đối đầu với Trung Quốc về một vấn đề có thể sẽ bất lợi cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Một phương án tối ưu hơn đó chính là đưa ra những chiến thuật ứng phó một cách cẩn trọng. Trước tiên là đáp trả chính sách của Trung Quốc bằng những biện pháp tương tự với các hoạt động thương mại của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ. Điều này có thể giúp ngăn chặn những bí quyết sản xuất quan trọng không rơi vào tay Trung Quốc, đồng thời gây sức ép Trung Quốc mở cửa thị trường và hạn chế những ưu đãi quá mức của chính phủ này cho các doanh nghiệp của mình. Chẳng hạn, với những lĩnh vực mà Trung Quốc áp đặt rào cản đối với các công ty nước ngoài, Mỹ cũng nên áp đặt tương tự đối với các công ty Trung Quốc sở tại. Mỹ cũng nên xác định và bảo vệ các ngành công nghệ quan trọng cũng như các công ty chiến lược.

Mỹ dường như đã đi theo hướng đó. Thành viên của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ hơn về việc Trung Quốc mua lại các tài sản của Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau như nông nghiệp và giải trí. Năm 2015, Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ-Trung Quốc, đơn vị tư vấn cho Quốc hội, đã chủ trương cấm các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc mua bán các doanh nghiệp Mỹ. Một Báo cáo về bán dẫn của Nhà trắng cũng đề nghị Chính phủ có hành động nghiêm khắc ngăn chặn các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm các công nghệ vi xử lý nhạy bén.

Cũng có ý kiến nhìn nhận rằng Mỹ có thể áp dụng các quy tắc và luật nội địa để gây áp lực với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử như vậy, Mỹ có thể áp dụng điều luật trong đó cho phép Mỹ áp đặt thuế đối với hàng hóa bán phá giá, hoặc bán dưới giá thành tại thị trường nước này để đối phó với một quốc gia cố gắng thay đổi giá trị đồng tiền của nó trong khi gây tổn hại việc kinh doanh của Mỹ.

Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách tiếp tục cản trở doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Đáp trả lại, Mỹ có thể xua đuổi các lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, bất chấp thực tế chúng có thể tạo ra công ăn việc làm và tiếp sức cho lĩnh vực công nghiệp.

Điểm mấu chốt là Mỹ phải có cái nhìn về lĩnh vực kinh tế của mình theo cách nhìn của Trung Quốc. Trung Quốc không giống như bất kỳ nước nào khác khi tham gia vào nền kinh tế toàn cầu mà Mỹ dẫn đầu: Nó muốn được hưởng lợi từ sự mở cửa và an ninh mà hệ thống mang lại nhưng lại không muốn bị ràng buộc theo các chuẩn mực của hệ thống. Phát triển các ngành công nghiệp bền vững được coi là cốt lõi đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc, chứ nó không phải là cái gì có lợi trước mắt cho cổ đông và thị trường chứng khoán. Nếu Mỹ muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế mới này, các nhà lãnh đạo Hoa kỳ phải suy nghĩ nhiều hơn về những gì được – mất đối với lợi ích quốc gia về lâu dài trong chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Theo Bloomberg
Đức Anh (T/H)

Đức Anh

Published by
Đức Anh

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

40 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

48 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago