Làn sóng phá sản doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dấy khởi tại Trung Quốc
- Nguyên Hương
- •
Chi phí nguyên vật liệu tăng trong khi thị trường ảm đạm đã kẹp các doanh nghiệp SME của Trung Quốc vào thế thu không đủ bù chi. Cuộc chiến giá cả đè nặng lên tất cả các lĩnh vực cung cấp hàng hóa nguyên vật liệu khiến nền kinh tế TQ vô cùng u ám.
Thông thường, hai tháng cuối năm thường là mùa thu hoạch đối với các doanh nghiệp sản xuất chế tạo ở Trung Quốc. Nhưng năm nay không khí đã trở nên khác thường. Giá thành mọi thứ tăng cao, chi phí vận chuyển tăng vọt trong khi tình hình xuất khẩu, nhu cầu trong nước ảm đạm. Cuộc chiến giá cả đè nặng lên lĩnh vực cung cấp hàng hóa nguyên vật liệu khiến nền kinh tế Trung Quốc vô cùng u ám.
Năng lượng, nguyên liệu, chi phí vận chuyển, sản phẩm công nghiệp đua nhau lên giá.
Từ tháng 9/2016, chỉ số giá sản xuất PPI của Trung Quốc bắt đầu đảo chiều tăng, sau 4 năm liên tục giảm. Đến Tháng 11/2016 vừa qua, PPI Trung Quốc đã tăng vọt lên 3.3% cho thấy giá thành sản xuất công nghiệp đang tăng mạnh, tăng toàn diện. Thực tế, từ đầu năm nay, giá thành các nguyên liệu chủ lực như than, quặng, sản xuất giấy bắt đầu tăng lên, sau vài tháng thì lây lan sang toàn bộ các lĩnh vực công nghiệp.
1. Ngành nguyên liệu và vật liệu cơ bản:
Đầu tiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, than cốc và than hơi nước tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng từ 100-150% so với cuối năm 2015. Tiếp theo, giá thành thép các loại cũng tăng vọt. Tính đến 21/10/2016, chỉ số giá thành thép tổng hợp là 79 điểm, tăng 19,17 điểm so với cùng kỳ năm trước. Thép dây, thép xoắn ba cấp, thép cuộn cán nóng tăng lần lượt là 27,4%, 27,9%,44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Ngành công nghiệp hóa chất:
Giá cả nguyên liệu công nghiệp hóa chất cũng tăng nhanh. Đầu năm, TDI tăng gấp 5 lần từ 10.000 CNY/tấn lên 50.000 CNY/tấn; bột Rutile Titanium Dioxide tăng từ 9.300 CNY/tấn lên 14.000 CNY/ tấn và còn tiếp tục tăng theo một số chuyên gia nhận định; Neopentyl glycol tăng giá gấp đôi từ 6.000 CNY/tấn lên 13.800 CNY/tấn. So với đầu năm, các chủng loại sản phẩm công nghiệp hóa chất có giá thị trường tăng trên 50% tương đối nhiều. Nhiều chủng loại còn tăng hơn gấp đối như cao su butadien, acetone, propylen, butadien, cao su butadien…
3. Ngành sản xuất giấy:
Từ cuối năm 2014, giá thành giấy nguyên liệu đã tăng vọt. Bão giá càng về sau càng tăng mạnh, việc tăng giá vật liệu thượng nguồn đã gây áp lực lên các lĩnh vực hạ nguồn, trong đó có công nghiệp in ấn, bao bì. Từ đầu năm 2016 đến nay, giấy nguyên liệu bao bì tăng hàng tháng, với biên độ tăng giá rất lớn, có lúc tới 300 CNY/ tấn. Gần đây, các loại giấy sử dụng trong văn phòng, giấy vở học sinh, giấy in sách báo cũng tăng nhanh.
4. Ngành công nghiệp gia dụng:
Các nguyên liệu sử dụng trong ngành sản xuất công nghiệp gia dụng như TDI, bọt biển, gỗ,… tăng nhanh chóng. TDI tăng gấp 5 lần từ 10.000 CNY/ tấn lên 50.000 CNY/ tấn, bọt mềm Polyete tăng 72% từ 8.300 CNY/ tấn lên 14.000 CNY/tấn.
5. Phí vận chuyển và các chi phí quản trị logistic:
Phí vận chuyển tăng cao đã gây áp lực lên mọi ngành nghề. Phí vận chuyển đã tăng từ 6 CNY/kiện lên 10 CNY/ kiện. Giá vận chuyển vật liệu xây dựng tăng thêm 100 CNY/tấn. Giá vận chuyển thức ăn gia súc tăng trên 35%. Giá vận chuyển than đá cũng tăng thêm 10 CNY/tấn….
Chi phí vận chuyển và giá thành hàng hóa tăng cao dẫn đến phản ứng tăng giá dây chuyền lên các chi phí quản trị logistics như chi phí nhận hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác…
6. Các ngành sản xuất sản phẩm ứng dụng:
Với sức ép tăng giá nguyên vật liệu, các ngành nghề khác như đóng gói, in ấn, thủy tinh, bảng mạch điện, giá linh kiện đều không giữ được biên độ giá cũ, tăng từ 5-15%. Mỗi phân đoạn thành phẩm đều trong tình trạng sẵn sàng tăng giá.
Đứng trước làn sóng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hầu hết có công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực tài chính hạn chế nên trong bối cảnh thị trường biến động mạnh: giá nguyên liệu đầu vào tăng, cầu đầu ra trong nước và thế giới suy yếu,..các doanh nghiệp SMEs sẽ chịu tổn hại lớn nhất. Các số liệu thống kế cho thấy đã hình thành làn sóng phá sản doanh nghiệp SMEs. Dự báo trong vài năm tới, làn sóng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (vật liệu, năng lượng, trang thiết bị, máy móc công cụ, …) sẽ diễn ra mạnh mẽ và một cuộc cải tổ lớn để cơ cấu lại ngành là điều không thể tránh khỏi.
Dù chưa nhiều, nhưng đã xuất hiện các trường hợp doanh nghiệp phá sản điển hình ở các nơi. Ngày 27/7, ông chủ tập đoàn quốc tế Lãng Văn (Langwen) Hồng Kông đã bỏ chạy vì nợ nần không có khả năng thanh toán. Ngày 29/7, công nhân nhà máy sản xuất dụng cụ gia đình Uy Nghiệp (mới thành lập 2016) đã tụ tập biểu tình và giương băng rôn “Ông chủ xưởng Uy Nghiệp bỏ trốn”. Được biết, xưởng này đã thiếu nợ tiền lương nhân viên trong hai tháng liền, còn điện thoại của ông chủ xưởng thì không liên lạc được. Ngày 30/7, nhiều thương nhân vật liệu tập trung tại cổng nhà máy ghế xô-pha ở khu công nghiệp Nam Phương – Thành Đô để đòi tiền vật liệu, được biết ông chủ nhà máy đã bỏ chạy ngày 29/7, còn tiền lương nhân viên đã bị nợ 3 tháng.
Trước đó, vào tháng 5, tháng 6 năm nay, hàng loạt công ty sản suất dụng cụ gia dụng khu đồng bằng Châu Giang đã đóng cửa. Một làn sóng đóng cửa khác cũng diễn ra đối với các doanh nghiệp điện tử, giày dép, quần áo, đồ chơi…
Đa số các doanh nghiệp phải đóng cửa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này chưa có thương hiệu riêng, chủ yếu làm gia công, sống được nhờ vào lợi thế chi phí thấp để giành thị phần. Khi thị trường phát triển mạnh mẽ thì mô hình này vẫn có không gian tồn tại. Nhưng vào lúc thị trường suy thoái liên tục thì các doanh nghiệp này bị sức ép đánh sụt giá, giá bán ra không đủ mua nguyên vật liệu đầu vào, trong khi lương nhân công, chi phí vốn càng ngày càng tăng cao, dẫn đến thâm hụt vốn và phá sản.
Nguyên nhân sâu xa của làn sóng phá sản doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc hiện nay
Trong 78 năm qua, ngành sản xuất chế tạo Trung Quốc đã trải qua quá trình chuyển đổi lần thứ tư. Trong đó, có tới 36 năm mà Trung Quốc chiếm ưu thế dài về giá thành, quy mô,… Tuy nhiên, hiện nay, về cơ bản những ưu thế này đang dần biến mất. Thay vào đó là những khó khăn:
Thứ nhất, Thuế và phí đánh vào doanh nghiệp quá cao, có thể liệt kê như 33% bảo hiểm xã hội, thuế lợi tức doanh nghiệp 20%, thuế VAT 17%, thuế lũy tiến tính khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 10%. Ngoài ra, các chi phí khác cũng chiếm tỷ trọng đáng kể như các khoản tiền phạt vệ sinh môi trường, quảng cáo, phòng cháy chữa cháy, phí bảo kê,…
Thứ hai, Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay. Để có được khoản vay của ngân hàng, các doanh nghiệp phải điền hàng núi giấy tờ, mà chưa chắc đã được ngân hàng chấp thuận. Các ngân hàng thường không muốn làm việc với các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ vì đối tượng này thu nhập không ổn định, rủi ro cao.
Thứ ba, bong bóng bất động sản đang phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế thực. Hiện nay, bất động sản chiếm đến gần nửa giá trị nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường này hút phần lớn nguồn lực xã hội vào dưới dạng đầu tư, đầu cơ, tích trữ, khiến cho nguồn vốn dành cho lĩnh vực công nghiệp chế tạo càng thu hẹp. Việc ồ ạt bán đất và đẩy ra các dự án bất động sản trong những năm vừa qua đã đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp ăn theo như môi giới nhà đất, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất, đồ gia dụng. Hệ quả là các ngành khác càng trở nên đói vốn do lãi nhuận không so sánh được với mức tăng trưởng cao của bất động sản.
Theo tính toán sơ bộ, hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 150 triệu người làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu như làn sóng phá sản doanh nghiệp vừa và nhỏ xảy ra thì số lượng lao động thất nghiệp ước tính khoảng 50 triệu người. Các chuyên gia kinh tế nhận xét rằng phải chăng Phong trào toàn dân khởi nghiệp tại Trung Quốc được Thủ tướng Lý Khắc Cường phát động gần đây để đón đầu cuộc cải tổ lớn sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Theo Secret China
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc khủng hoảng kinh tế doanh nghiệp thất nghiệp phá sản