Chi phí vận tải biển của các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn lớn khi giá cước vẫn còn ‘neo’ đỉnh trong 3 tháng đầu năm 2022. Doanh nghiệp cho biết so với trước dịch COVID-19, trung bình giá cước đã tăng từ 8-10 lần.
Trong bối cảnh các quốc gia dần mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 từ đầu năm 2022, hàng hóa lưu thông nhiều hơn so với thời điểm bị phong tỏa và hạn chế đi lại. Nhiều chuyên gia dự đoán việc giao thương giữa các quốc gia sẽ thông suốt, chi phí vận tải biển được trở về mức trước dịch COVID-19. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt giá cước vận tải biển trong hơn 3 tháng đầu năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Châu – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Long Sài Gòn cho biết: “Trước khi đại dịch xảy ra, giá cước một container lạnh 40 feet đi châu Âu khoảng 1.600-1.800 USD và đi Mỹ khoảng 2.000-2.200 USD. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã dần được ổn định, hàng hóa lưu chuyển nhiều hơn nhưng cước container loại nêu trên đi châu Âu lên tới 16.000-18.000 USD, đi Mỹ là 22.000 USD” – báo Người Lao Động dẫn lời.
Ông Đặng Đình Long – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Mega A cho biết container lạnh chứa hàng nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc đang thiếu trầm trọng bởi nhu cầu xuất hàng qua đường biển tăng đột biến, trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế thông quan biên giới đường bộ để theo đuổi chính sách Zero-COVID.
Giá cước container 3-4 tuần qua tăng liên tục, có tuần tăng 1.000 USD/container. Giá trị hàng hóa mỗi container chỉ tầm 12.000-13.000 USD song tiền cước quá cao khiến tổng giá thành đến cảng của đối tác Trung Quốc lên tới 22.000-23.000 USD/container nếu đi bằng đường biển, ông Long cho biết.
Theo báo VTC, ông Trần Ngọc Hiệp – Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết gần đây doanh nghiệp không thể chuyển hàng qua các cảng biển ở Trung Quốc như: Diêm Điền (Thâm Quyến, Quảng Đông), Thanh Đảo (Sơn Đông),… vì Trung Quốc đang phong tỏa một số cảng biển theo chính sách Zero-COVID.
Người có thâm niên gần 30 năm trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu, ông Phạm Hoàng Việt – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho hay nhiều năm trong nghề nhưng chưa thấy khi nào giá cước vận chuyển tăng phi mã như thời gian qua.
Ông Việt cho biết nếu chi phí vận tải tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn sức cạnh tranh với quốc tế do chi phí đầu vào tăng quá lớn.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết trung bình công ty Phúc Sinh xuất khoảng 400 container/tháng. Tổng các loại phí phải trả trước đây khoảng 4 tỷ đồng/tháng, bây giờ đã lên tới hơn 15 tỷ đồng/tháng.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Võ Quan Huy Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An (tỉnh Long An) giá cước vận tải tăng nhanh phi mã cùng với giá phân bón liên tiếp tăng giá như cú sốc kép đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Việc này đang bóp dần lợi nhuận của doanh nghiệp.
“1 kg chuối xuất khẩu với giá 17.000 đồng, trong đó phí đóng gói và bao bì khoảng 4.000 đồng, còn lại 13.000 đồng. Trước đây, cước vận chuyển chừng 4.000 – 5.000 đồng thì nay lên đến 8.000 đồng. Như vậy, chúng tôi chỉ còn 5.000 đồng cho 1 kg chuối. Với giá phân bón tăng chóng mặt, việc sản xuất ra trái chuối đủ chuẩn xuất khẩu với giá 5.000 đồng gần như là không thể”, ông Huy phân tích, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết cước vận tải biển vẫn cao nguyên nhân do công suất các hãng tàu giảm và thiếu container rỗng. Hiện nay, VASEP cho hay lượng lớn container đang ùn ứ tại các cảng biển lớn ở Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia khác ở châu Âu. Việc này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp tắc nghẽn, chưa biết khi nào cước vận tải biển mới có thể trở về được như trước dịch COVID-19.
Thêm một khó khăn nữa đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi TP.HCM sẽ chính thức thu phí cảng biển đối với khu vực cảng biển tại TP.HCM từ ngày 1/4. Mức phí như sau:
– Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu: thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; thu 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 2,2 triệu đồng/container 20 feet.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM: thu 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
– Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM: thu 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Quân đội Mỹ sẽ thiết lập các căn cứ tạm thời dọc theo quần đảo…
Triều Tiên được cho là đang mở rộng một cơ sở sản xuất vũ khí…
Rebekah Koffler, nhà phân tích tình báo quân sự chiến lược, cựu quan chức của…
Bộ Quốc phòng Đài Loan vào hôm thứ Hai (25/11) thông báo rằng họ đã…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng cho biết vừa ghi nhận một…
Công an TP. Hải Phòng kiểm tra vũ trường New MDM, phát hiện 26 người…