EVN cho biết do TKV đòi tăng giá và than không đáp ứng chất lượng nên dự kiến giảm mua 2 triệu tấn do không kham nổi mức chi phí do giá than bị đội lên quá cao. TKV khẳng định nếu bị cắt mua 2 triệu tấn so với kế hoạch, sản lượng giảm, khoảng 4.000 lao động sẽ mất việc.
Có vẻ như sản xuất khó khăn là lý do cả hai tập đoàn trên đưa ra để bảo vệ lợi ích. Nhưng điều này chỉ thể hiện tình trạng “gà cùng một mẹ đá nhau” khi mà hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho kinh doanh lại đang bị hai tập đoàn do Nhà nước sở hữu 100% vốn này “chôn vùi” trong rất nhiều dự án đội vốn, thua lỗ, chưa kể các khoản vay nhiều triệu USD đang do Chính phủ bảo lãnh.
Doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, nắm độc quyền các ngành quan trọng, nhưng nợ lại không tính vào nợ công. Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), chiều 30/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tính toán, nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN (sau khi trừ phần nợ Chính phủ bảo lãnh trùng lắp), thì tổng nợ công năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP.
Còn tư duy bao cấp thì nền kinh tế còn tiếp tục phải gánh chịu những khó khăn mà các tập đoàn nhà nước gây ra.
Tại hội thảo “Ngành than giữa Việt Nam-Indonesia: Đảm bảo sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng” do Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 16/6, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2017, EVN dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than. Con số này sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, 19 triệu tấn vào năm 2025.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá 577,218 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá.
Năm 2016, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Nguyễn Khắc Thọ cho biết dự kiến tới năm 2030 Việt Nam cần nhập 70 triệu tấn than. Gần đây nhất, ngày 27/5/2017, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam – PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho hay đến năm 2030, nhu cầu than để sản xuất điện sẽ lên tới khoảng 130-150 triệu tấn, trong đó than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30-40 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu, tức là đến năm 2030 dự kiến phải nhập khoảng 100-110 triệu tấn than.
Cần lưu ý rằng than là tài nguyên không thể tái sinh, không thể tăng sản lượng nhanh nên theo thời gian, lượng than nhập khẩu sẽ tăng dần.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay ngày 26/5, EVN có văn bản số 2307 gửi Bộ Công Thương, trong đó EVN đề xuất điều chỉnh giảm 2 triệu tấn, từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, trong tổng số than mua từ TKV so với kế hoạch.
Theo TKV, điều này sẽ gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến người lao động. “Nếu tính toán theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 thì khoảng 4.000 người lao động sẽ mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa”, ông Hải nói đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo để EVN và PVN “chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV“, ngoài ra đưa ra chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than sản xuất trong nước, gắn với các chính sách thuế, phí giúp TKV tiêu thụ than tồn cũng như cho phép TKV xuất khẩu không phụ thuộc vào hạn ngạch.
Trong khi đó, EVN cho biết việc giảm mua 2 triệu tấn than từ TKV là vì TKV đòi tăng giá từ cuối năm 2016; EVN không kham nổi mức chi phí 4.700 tỷ đồng do giá than bị đội lên quá cao. Ngoài ra, chất lượng than của TKV không đảm bảo.
Đặt sang một bên những tranh cãi giữa hai tập đoàn đang nắm độc quyền ngành điện, ngành than, một thực tế cần chú ý là từ một nước có trữ lượng than khoáng lớn (tổng tài nguyên dự báo là 210 tỷ tấn tính đến độ sâu 3.500m, theo Viện Công nghệ khoan), hiện Việt Nam đang phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để tìm cách cứu nguy cho vấn đề an ninh năng lượng quốc gia khi thủy điện đã hết tiềm năng còn các nguồn năng lượng tái tạo khác chưa khai thác được hiệu quả.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện của cả nước với tỷ trọng 49,3 % (năm 2020), 55% (năm 2025) và 53,2% (năm 2030) trong tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu.
Đối với Tập đoàn EVN, Kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013 cho biết tính đến hết năm 2011, Công ty mẹ – EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ gần 77.000 tỷ đồng. Với việc đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ khoảng 45.000 tỷ đồng, EVN đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Mặc dù vậy, với khoản đầu tư này, EVN lỗ đến 2.195 tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN còn dành gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng nhưng vượt tỷ lệ góp vốn theo quy định.
Kết luận thanh tra cũng cho biết EVN đầu tư vào EVN Telecom gây mất vốn nhà nước hơn 2.400 tỷ đồng; sử dụng hơn 1,6 triệu USD và hơn 467 tỷ đồng để ký kết hợp đồng đào tạo thạc sỹ kinh doanh cho 164 cán bộ công nhân viên, nhưng đến nay bằng cấp đối tác cấp cho cán bộ của EVN chưa được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận.
Nhiều khoản thua lỗ nghiêm trọng bị phát hiện tại các đơn vị thành viên của EVN, như Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) lỗ 3.145 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) lỗ hơn 1.200 tỷ đồng…
Ngoài ra, trong 6 dự án nguồn điện, 355.000m2 đất được dùng để xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, kèm theo nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện (!).
Kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý tài chính gần 1.100 tỷ đồng và 1,648 triệu USD vi phạm.
Tại văn bản 1887 ngày 19/7/2016 của Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Kết luận thanh tra 2181, cả 3 Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đều chưa thực hiện rà soát, xử lý nhiều sai phạm tại EVN dù đã 3 năm trôi qua.
Đối với Tập đoàn TKV, theo Báo cáo kết quả thanh tra TKV năm 2015, tính đến thời điểm ngày 30/6/2016, TKV quản lý 448 dự án đầu tư. Trong đó, 48 dự án (tổng mức đầu tư hơn 97.506 tỷ đồng) không đạt tiến độ, 14 dự án (tổng mức đầu tư 6.773 tỷ đồng) phải dừng thực hiện.
Một số dự án “đội vốn”, chậm tiến độ đáng chú ý như Tổ hợp Bauxit –Nhôm Lâm Đồng có tổng mức đầu tư ban đầu là 7.787,5 tỷ đồng, công suất dự kiến 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006 – 2009. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh, đến tháng 10/2013, tổng mức đầu tư cho dự án lên tới 15.414,4 tỷ đồng. Mặc dù vốn đầu tư tăng gần gấp hai lần và tiến độ dự án chậm 4 năm so với kế hoạch, sau 3 năm đi vào hoạt động (từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016), dự án đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng.
Ngày 19/6/2017, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho hay 6 tháng đầu năm 2017, bauxite Lâm Đồng đã có lãi 50 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân cơ có vốn đầu tư phê duyệt ban đầu là 3.285 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2007 – 2010. Qua hai lần điều chỉnh, vốn đầu tư dự án tăng lên 5 lần – 16.821 tỷ đồng. Công suất điều chỉnh tăng gấp đôi (lên 650.000 tấn/năm). Ông Hải cho biết dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017, chậm tổng cộng 7 năm so với dự kiến.
Dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.768 tỷ đồng, công suất 2,5 triệu tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006 – 2011. Sau đó, dự án bị kéo dài đến năm 2016, tổng mức đầu tư tăng lên gần 2 lần.
Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2009 – 2013. Đến năm 2012, số vốn được điều chỉnh lên gần 1.956 tỷ đồng. Hiện dự án đã tạm dừng thực hiện và tiến hành điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án.v.v…
Với việc 14 dự án tổng mức đầu tư 6.773 tỷ đồng phải dừng thực hiện, hàng trăm tỷ đã giải ngân chưa biết bao giờ có thể thu hồi.
Hiện trong cơ cấu các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh, EVN có số vay nợ cao nhất, tính đến cuối năm 2015 là 9,7 tỷ USD, tương đương 46% tổng số nợ được Chính phủ bảo lãnh. Petro Vietnam được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỷ USD. TKV được bảo lãnh vay 647 triệu USD. Các công ty khác được bảo lãnh vay 2,7 tỷ USD. Tính đến ngày 31/12/2015, số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD. Con số này trong năm 2014 là 19,9 tỷ USD, năm 2013 là 18,8 tỷ USD, năm 2012 là 16,4 tỷ USD, năm 2011 là 13,8 tỷ USD… |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…