Sau gần 1 tháng triển khai thí điểm, nhiều bất cập đã diễn ra trong quá trình doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử có áp mã của cơ quan thuế. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn trong lúc mới vừa hoạt động trở lại sau dịch bệnh.
Theo quy định mới về hóa đơn điện tử tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, doanh nghiệp không được xuất hóa đơn cách số hay lùi ngày. Điều này nghĩa là sau khi nhập dữ liệu, xuất hóa đơn, doanh nghiệp sẽ thực hiện ký số và gửi lên cơ quan Thuế để thực hiện cấp mã. Sau khi có mã trên hóa đơn điện tử, doanh nghiệp gửi hóa đơn cho người mua. Đồng thời, tất cả hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp phải được xuất trước 0 giờ cùng ngày.
Theo hướng dẫn từ Tổng cục Thuế, chỉ có doanh nghiệp thuộc 15 ngành nghề là: Điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy được sử dụng hóa đơn điện tử “không áp mã”.
Như vậy, loại trừ những trường hợp trên, hầu như tất cả các doanh nghiệp (tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh,…) đều phải sử dụng hóa đơn điện tử có cấp mã dù không thuộc dạng rủi ro cao theo quy định tại Luật quản lý thuế.
Chị Đ.T.K.T. – Quản lý một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng ở Quận 1, TP.HCM cho biết sau khi áp dụng thông tư 78 về hóa đơn điện tử, doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn. Doanh nghiệp kinh doanh ăn uống liên kết với nhiều đơn vị giao hàng qua ứng dụng như Grab, Baemin,… phải tổng hợp và xuất hóa đơn trong ngày, nếu không sẽ bị phạt. Trong khi đó, nhà hàng mỗi ngày có vài trăm đơn hàng với vài trăm món khác nhau. Việc xuất hóa đơn trong ngày đang khiến doanh nghiệp gặp trở ngại trong hoạt động kinh doanh hằng ngày, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, thời gian khách đặt hàng từ 6 giờ sáng đến hơn 23 giờ đêm. Khi đóng cửa và tắt ứng dụng giao hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống mới có thể tổng hợp đơn hàng và xuất hóa đơn.
“Mỗi cơ sở kinh doanh có liên kết với vài ứng dụng giao hàng nên với số lượng đơn hàng khổng lồ mà đến cuối ngày phải tổng hợp bằng phương thức thủ công hàng trăm đơn hàng để xuất trong ngày là không khả thi. Tôi đã phản ảnh việc này đến cơ quan thuế nhưng cán bộ thuế quản lý nói cứ làm đi, nhưng càng làm càng thấy bế tắc”, vị này than thở, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Ông P.D.H. – Phó giám đốc chuỗi kinh doanh nhà hàng trên phố Tống Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng yêu cầu xuất hóa đơn trong ngày với các cơ sở kinh doanh ăn uống là điều không tưởng. Chỉ kế toán mới có thể nhập đơn hàng và xuất hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, kế toán không thể mỗi ngày đều làm việc đến khuya và bất kể ngày Lễ, Tết đều phải nhập cả trăm đơn hàng xuất hóa đơn trước 12 giờ đêm được.
“Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định mới, cả hai kế toán đã xin nghỉ việc dù tăng thêm lương. Nếu không xuất hóa đơn điện tử trong ngày, doanh nghiệp sẽ bị phạt, khác nào chỉ còn cách đóng cửa”, anh H. ngao ngán nói, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Những ngày qua, chị Thu Hà, kế toán của một công ty ở Hà Nội mệt mỏi cho biết:“3 kế toán của công ty làm ngày làm đêm để kịp xuất hóa đơn trong ngày”. Doanh nghiệp cho biết nhiều lần đã cầu cứu lên các số điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng nhưng không được giải quyết, báo Việt Nam Net đưa tin.
Ông Nguyễn Thanh Tiền – Giám đốc một công ty kế toán và kiểm toán cho biết quy định không được xuất hóa đơn cách ngày là điều chưa phù hợp của Thông tư 78. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đến 11-12 giờ đêm nhưng kế toán hết giờ làm việc hành chính, nếu để hóa đơn qua ngày hôm sau xuất thì sẽ bị phạt.
Ông Tiền nói thêm: “Chưa kể trường hợp ảnh hưởng đường truyền, công nghệ,… mà hệ thống của thuế không xác thực được thì hóa đơn đó sẽ bị treo trên hệ thống, không xuất được. Trường hợp này xảy ra liên tục thời gian qua. Nhân viên của tôi nhiều khi xuất hóa đơn cho khách hàng phải chờ đến 11-12 giờ đêm vẫn không xuất được. Còn nếu để chạy sang ngày mai thì bị sai quy định”, báo Việt Nam Net dẫn lời.
Trước đó, ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã bắt đầu triển khai thí điểm giai đoạn 1, áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ (chiếm tới 60% số lượng doanh nghiệp, khoảng 70% trên tổng số lượng hóa đơn trên cả nước). Giai đoạn 2 sẽ áp dụng trên phạm vi cả nước (57 tỉnh, thành phố còn lại) từ ngày 1/7/2022.
Các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị cơ quan thuế làm theo quy định của Luật thuế, mở rộng đối tượng được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã. Chỉ những đối tượng thuộc diện rủi ro cao mới buộc phải sử dụng hóa đơn có áp mã. Đồng thời, không triển khai rộng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đường truyền và hệ thống hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nếu áp đặt quy định trên vào doanh nghiệp nhưng không có hướng tháo gỡ khó khăn và gây ra nhiều cản trở cho hoạt động kinh doanh, điều này đi ngược lại với chủ trương của ngành thuế là giảm thời gian kê khai thuế, qua đó giảm chi phí tuân thủ thuế cho doanh nghiệp.
|
Đức Minh (t/h)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…