Sau hai năm triển khai với số tiền bỏ ra hơn 1.400 tỷ đồng, dự án muối mỏ Kali tại Lào do Vinachem làm chủ đầu tư đã tạm “đắp chiếu” từ năm 2017. Đây là dự án thua lỗ nghìn tỷ thứ 13 của ngành Công Thương và là dự án thua lỗ thứ 5 của Vinachem.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 vào chiều ngày 2/2, trả lời về phương án xử lý dự án nghìn tỷ thua lỗ thứ 13 của Bộ Công Thương – dự án muối mỏ Kali tại Lào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết dự án Kali tại Lào do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư mặc dù mới bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng khả năng thua lỗ cao do giá thành đầu ra không được như mong đợi.
Cụ thể, giá bán phân bón kali khi làm nghiên cứu tiền khả thi dự án khoảng 500 USD/tấn, tuy nhiên, giá kali hiện tại trên thị trường thế giới chưa tới 300 USD/tấn, có lúc chỉ còn 250 USD/tấn – chênh lệch một nửa so với dự tính của cơ quan này.
Được biết, tại thời điểm chuẩn bị phê duyệt, viễn cảnh dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào được vẽ nên rất sáng láng, được cho là có thể cung cấp phân bón kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu 100%.
Tuy nhiên, sau hai năm khởi công từ tháng 9/2015, dự án đã tạm dừng từ năm 2017. Ông Hải cho biết hiện đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Chính trị về việc triển khai.
Hiện chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về tình trạng thua lỗ và đầu tư không hiệu quả dẫn đến tạm dừng dự án. Số tiền đầu tư đã bỏ ra là hơn 1.400 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án muối mỏ Kali tại Lào là dự án thua lỗ nghìn tỷ thứ 13 của Bộ Công Thương và là dự án thua lỗ thứ 5 của Vinachem.
Dự án có tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng), trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 161 triệu USD; Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) 143 triệu USD.
Dự án có phạm vi khai thác 10 km2 với thời gian xây dựng dự kiến trong 5 năm, công suất khai thác 320.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khai thác vào năm 2020 với công suất 1 triệu tấn/năm.
Sau khi bỏ ra 307,6 tỷ đồng chi phí thăm dò đánh giá trữ lượng của mỏ tại huyện Nongbok (tỉnh Khammouan, Lào), đến tháng 8/2015, Vinachem ký hợp đồng EPC thi công với liên danh TTCL – K.UTEC – CECO với tổng giá trị hợp đồng 334 triệu USD, thời gian thi công 40 tháng. Ngày 13/9/2015, dự án được khởi công và chỉ hơn 1 năm sau đó rơi vào cảnh khó khăn do Vinachem bị thiếu vốn để triển khai. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của Vinachem cho thấy tập đoàn bị lỗ tổng cộng 204 tỷ đồng. Cuối năm 2016, dự án đã triển khai với giá trị thực hiện lên tới 1.277 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, mức vốn đầu tư cho dự án được Vinachem điều chỉnh tăng thêm lên 1.407 tỷ đồng. |
Tường Văn
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…