Đối với các nhà xuất khẩu vùng Vịnh cũng như các thị trường Đông Á, việc đảm bảo vận chuyển dầu ổn định qua các nút thắt địa chính trị là điều cốt yếu. Tại eo biển Hormuz, nguy cơ chính xuất phát từ cuộc xung đột giữa Chính quyền Sunni và Shia trong khu vực. Trong khi tại eo biển Malacca, đó là sự kình địch giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Dòng thương mại quốc tế luôn phải đối mặt với nguy cơ địa chính trị và các xung đột nảy sinh, đặc biệt là điểm nóng tại các tuyến thương mại hàng hải ở vùng Vịnh và Đông Á, vốn luôn có những cuộc đụng độ về địa chính trị dọc theo các eo biển chiến lược. Một tuyến thương mại như vậy là con đường hàng hải vận chuyển dầu từ các nhà sản xuất vùng Vịnh tới thị trường tiêu thụ ở Đông Á. Nó phải đối mặt với hai nút thắt quan trọng không thể tránh khỏi do các ràng buộc địa lý.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Vịnh Ba Tư là khu vực sản xuất dầu hàng đầu, chiếm 30% nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, Đông Á lại là khu vực tiêu thụ dầu lớn và chiếm đến 85% lượng xuất khẩu dầu của vùng Vịnh. Và con đường phổ biến nhất để vận chuyển dầu giữa hai vùng chính là qua eo biển Hormuz, đến Ấn Độ Dương, rồi qua eo biển Malacca.
Vì vậy, hai eo biển này trở thành tuyến đường biển then chốt cung cấp dầu cho toàn cầu, chúng là những nút thắt địa chính trị trọng yếu bởi các xung đột địa lý đe doạ đến sự an toàn của các tuyến đường này.
Eo biển Hormuz là tuyến đường hàng hải chính yếu mà qua đó các nhà xuất khẩu vùng Vịnh như Bahrain, Iran, Irac, Kuwait, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – vận chuyển dầu sang thị trường bên ngoài. Eo biển có độ rộng gần 34 km tại điểm hẹp nhất, tiếp giáp giữa Iran và Oman. EIA ước tính rằng có khoảng 17 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 35% lượng dầu xuất khẩu qua đường biển – đi qua eo biển này. Tuyến đường này được xem là tuyến đường thuận tiện và có chi phí thấp nhất qua đó các nhà sản xuất có thể vận chuyển dầu đến thị trường Đông Á.
Các quốc gia vùng Vịnh phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu. Vì lý do này, việc đi qua eo biển Hormuz vừa là một vấn đề kinh tế vừa là vấn đề an ninh quốc gia của các nước trong khu vực. Và mọi nguy cơ gây ra sự gián đoạn trong eo biển đều sẽ cản trở nghiêm trọng đến việc vận chuyển dầu: Các nhà xuất khẩu có nguy cơ mất doanh thu đáng kể , và các nhà nhập khẩu có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung và chi phí bị đội lên cao hơn. Sự gián đoạn càng kéo dài thì tổn thất sẽ càng nghiêm trọng.
Nguy cơ bất ổn luôn hiện hữu khi các nước Hồi giáo Sunni và Shia đe dọa sẽ đóng cửa eo biển chiến lược. Chặn đường đi qua eo biển là một cách để gây thiệt hại về tài chính đối với các quốc gia phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hoá qua khu vực này. Đa số người Shia ở Iran đã đe dọa sẽ đóng cửa eo biển và thiết đặt thủy lôi hải quân để khẳng định quyền lực của mình đối với Ả-rập Xê-út và các quốc gia Sunni khác. Bên kia bờ, Ả-rập Xê-út và các đồng minh cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân để chứng minh sự sẵn sàng và khả năng trả đũa nếu Iran phát động giao tranh.
Do sự phụ thuộc về tài chính của họ đối với doanh thu từ dầu mỏ, các quốc gia vùng Vịnh buộc phải tìm cách giảm bớt rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu qua các eo biển trọng yếu theo hai cách. Thứ nhất, họ thiết lập các tuyến xuất khẩu dầu thay thế. Ả-rập Xê-út đã xây dựng một đường ống dẫn dầu từ các mỏ phía đông tới các nhà máy lọc dầu ở phía tây, sau đó vận chuyển ra ngoài qua Biển Đỏ. Tương tự, Các Tiểu Vương quốc Ả rập đã xây dựng đường ống dẫn dầu thô Abu Dhabi để vượt qua eo biển Hormuz và xuất khẩu trực tiếp từ Cảng Fujairah. Trong cả hai trường hợp, công suất đường ống là không đủ để giảm sự phụ thuộc vào eo biển Hormuz.
Thứ hai, các quốc gia vùng Vịnh đã xây dựng các liên minh an ninh với các nước cùng hưởng lợi để giữ eo biển mở. Các liên minh an ninh này thường liên quan đến quan hệ đối tác với Hoa Kỳ. Năm 2016, Mỹ nhập khẩu 18% lượng dầu từ Vịnh Ba Tư, do đó Mỹ luôn muốn duy trì tuyến đường xuất khẩu an toàn qua các eo biển. Hoa Kỳ cũng có đội tàu hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới. Các lực lượng này có thể được triển khai nhanh chóng để ngăn cản sự tắc nghẽn của eo biển, vì các hải quân khác trong khu vực không thể cạnh tranh trực tiếp với Hải quân Mỹ trong một cuộc đối đầu.
Eo biển Malacca là tuyến đường biển ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Vịnh Ba Tư đến các thị trường Châu Á. Tuyến đường này ngắn hơn một phần ba so với tuyến đường biển thay thế gần nhất. Khoảng một phần tư lượng dầu vận chuyển bằng đường biển (hơn 15 triệu thùng mỗi ngày) đi qua eo biển Malacca, chỉ đứng sau eo biển Hormuz.
Eo biển dài khoảng 885 km chạy qua Indonesia, Malaysia, và Singapore. Tại điểm hẹp nhất, eo biển chỉ rộng vỏn vẹn có 2,4 km. Điều này khiến cho tình trạng phong tỏa và cướp biển dễ xảy ra hơn.
Kinh tế của cả Nhật Bản và Trung Quốc đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu qua eo biển Malacca. Do đó, việc tiếp cận mở thông qua eo biển là điều then chốt cho an ninh kinh tế của cả hai quốc gia. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc (bằng đường biển) và khoảng 60% tổng lượng dầu nhập khẩu của Nhật hiện đang thông qua eo biển Malacca. Hai quốc gia này có lịch sử lâu dài về sự thù hận và chiến tranh khi họ cạnh tranh với nhau để trở thành cường quốc địa chính trị trong khu vực.
Tuy nhiên, các nỗ lực phong tỏa eo biển sẽ là một con dao hai lưỡi đối với các cường quốc khu vực. Một mặt, việc hạn chế dòng thương mại qua eo biển có thể là một cách để gây tổn thất kinh tế và bất ổn chính trị lên đối thủ. Mặt khác, việc khơi mào một cuộc phong tỏa có thể đặt tiền lệ cho các nước khác tranh quyền kiểm soát eo biển, điều đó quay trở lại đe dọa đến cả hai nước.
Để đảm bảo ổn định kinh tế, Nhật Bản và Trung Quốc đã theo đuổi các biện pháp đảm bảo an toàn đi qua eo biển. Giống như các quốc gia vùng Vịnh, Nhật Bản dựa vào liên minh của mình với Hoa Kỳ để đảm bảo hàng hóa được tự do đi lại trên đường biển. Ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng thương mại đáng kể với Đông Á, vì vậy, để có thể đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc hay bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào khác trong khu vực, Washington phải chú trọng lớn đến thắt chặt liên minh với Tokyo.
Chiến lược của Trung Quốc liên quan đến việc tăng cường sức mạnh quân sự và chính trị trong khu vực. Bắc Kinh đã thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ với các quốc gia bao quanh eo biển Malacca, đặc biệt là Indonesia. Nó cũng đang trong quá trình xây dựng một hạm đội hải quân lớn với mục đích giành được quyền kiểm soát nhiều hơn các vùng biển xung quanh.
Đối với các nhà xuất khẩu vùng Vịnh cũng như các thị trường Đông Á, việc đảm bảo vận chuyển dầu ổn định qua các nút thắt địa chính trị là điều cốt yếu. Tại eo biển Hormuz, nguy cơ chính xuất phát từ cuộc xung đột giữa Chính quyền Sunni và Shia trong khu vực. Trong khi tại eo biển Malacca, đó là sự kình địch giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tất cả các quốc gia này phải thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo qua lại tự do trên những eo biển tương ứng vì nếu để xảy ra phong tỏa sẽ làm nguồn cung ứng dầu lớn bị gián đoạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế khu vực. Địa chính trị không chỉ giải thích tại sao các biện pháp đó là cần thiết mà còn là biện pháp nào phù hợp nhất cho các quốc gia có liên quan.
Theo George Freidman, Cheyenne Ligon
Chân Hồ
Ảnh: mauldineconomics.com
Xem thêm:
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…