Quan hệ thương mại Mỹ-Trung: Kẻ tám lạng, người nửa cân
- Chân Hồ
- •
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt lần đầu tiên trong hai ngày 6-7 tháng Tư tại Mar-a-Lago, Florida. Hầu hết các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo thế giới là tương đối không quan trọng. Tuy nhiên, cuộc họp này là một ngoại lệ, bởi nó sẽ tiết lộ về nhu cầu hiện tại của chính quyền của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vấn đề vi phạm của Trung Quốc trong các hoạt động thương mại là một chủ đề xuyên suốt trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, và Trump cần cho thấy một cách chắc chắn rằng ông có thể thực hiện một số lời hứa của mình. Trong khi đó, Tập Cận Bình muốn tránh làm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có sự ổn định ở trong nước trước thềm Đại hội Đảng vào cuối năm nay.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng trong nhiều vấn đề, cả hai quốc gia vẫn cần duy trì sự ổn định mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực ở thời điểm hiện tại. Bốn vấn đề dưới đây cho thấy một số nền tảng cơ bản trong mối quan hệ giữa hai nước.
Trung Quốc cần gì
Câu chuyện cho Trung Quốc rất đơn giản. Trung Quốc đã có 30 năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo biểu đồ Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc tính đến năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 20%.
Trung Quốc đã chạm tới ngưỡng giới hạn của việc tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và hiện đang cố gắng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực tiêu thụ nội địa mà không làm tốc độ tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng – việc này có thể khiến việc làm và rộng hơn là sự ổn định xã hội gặp nhiều rủi ro. Để hạn chế điều này, ông Tập đã xác lập ngày càng mạnh mẽ quyền kiểm soát của mình về chính trị, các chính sách kinh tế và quân đội Trung Quốc.
Đại hội Đảng toàn quốc năm nay sẽ là một trong những khoảnh khắc quan trọng trong việc củng cố quyền lực của ông Tập. Hầu hết những thách thức chính trị của ông Tập đã được vô hiệu hoá nhưng thực tế vẫn cần có được sự cân bằng tinh tế. Ông Tập không được phép để lộ những yếu điểm trong các mối quan hệ ở cả trong nước và quốc tế, và cũng không thể để xảy ra cuộc xung đột thương mại toàn diện với Mỹ. Nếu Mỹ hạn chế một cách đáng kể việc tiếp cận của Trung Quốc vào thị trường nước này, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đây sẽ là “quân bài Trump” ẩn sau các cuộc đàm phán giữa hai nước: Trung Quốc sẽ không thể “chơi khó” Mỹ được nữa.
Cũng lưu ý rằng những bất đồng về thương mại giữa hai nước không phải là mới. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama có ít mâu thuẫn với Trung Quốc hơn chính quyền của Trump, mặc dù vậy Obama vẫn áp dụng các biện pháp để bảo vệ thị trường Mỹ như việc dựng lên hàng rào thuế quan đối với lốp xe Trung Quốc vào thị trường nước này, gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp lốp xe của Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Đã có nhiều phân tích chuyên sâu về lý do tại sao mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể dễ dàng làm bất cứ điều gì mình muốn. Năm 2015, hơn một phần năm tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ là từ Trung Quốc. Biểu đồ Giá trị Xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ ở trên cho thấy giá trị và tỷ lệ đóng góp của của các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ và so với thế giới. Trung Quốc dựa vào xuất khẩu sang Mỹ, và ở chiều ngược lại, Mỹ cũng bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu các hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Đây là lý do tại sao tất cả các phát biểu về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung đều là cường điệu hóa ngay từ đầu. Có nhiều ghi nhận về việc Trump đã không gắn nhãn cho Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ như ông đã hứa sẽ làm trong chiến dịch tranh cử. Mỹ có thể vượt qua được cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tốt hơn Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ không bị tổn hại. Nếu cuộc xung đột kinh tế như vậy xảy ra, hậu quả sẽ được cảm nhận một cách không cân xứng bởi chính các cử tri đưa Trump lên nắm quyền.
Có thể lập luận rằng năng lực sản xuất của Mỹ cuối cùng có thể thay thế một số mặt hàng mà Mỹ hiện đang nhập khẩu, nhưng khẳng định này có ba vấn đề chính. Thứ nhất, phải mất thời gian để sản xuất của Mỹ tăng lên. Thứ hai, khuyến khích sản xuất ở Mỹ cần phải áp dụng mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc, làm cho hàng hóa đắt hơn đối với người tiêu dùng Mỹ và ảnh hưởng không cân đối đến tầng lớp trung lưu và thấp hơn. Thứ ba, nhiều quốc gia khác đã tiếp bước Trung Quốc gia nhập vào đội ngũ các nhà xuất khẩu hàng hoá giá rẻ.
Trump cần giành thắng lợi chính trị nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử, Trump đã chấp nhận một điện đàm từ tổng thống Đài Loan và công khai đặt câu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc”. Một số người lo ngại rằng Trump sẽ châm ngòi chiến tranh thương mại hoặc một cuộc chiến tranh thực sự với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đã tránh ra khỏi cả hai kịch bản vì chúng không phải là lợi ích của Mỹ hoặc chính quyền. Trump cần chứng minh rằng ông có thể mang lại thắng lợi trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông.
Trump đã đăng trên twitter rằng đây sẽ là một cuộc gặp gỡ “rất khó khăn” với nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó ông nói đúng. Nhưng cả hai bên đều quan tâm đến sự hiểu biết lẫn nhau rằng cả Trump và Tập có thể tận dụng lần gặp mặt này để củng cố vị trí của họ ở trong nước. Quan hệ Mỹ-Trung vào năm 2017 có nhiều việc phải làm với các ràng buộc trong nước, hơn là với cuộc xung đột mở giữa hai người.
Xua tan lầm tưởng
Giới đầu tư thường băn khoăn về việc Trung Quốc nắm giữ rất nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ giúp Bắc Kinh có lợi thế đòn bẩy như thế nào đối với Washington. Câu trả lời ngắn gọn là không nhiều. Trung Quốc giữ một phần đáng kể trái phiếu Mỹ, nhưng họ không còn là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Nhật Bản âm thầm chiếm danh hiệu này vào tháng 10/2016. Thực tế là việc này diễn ra mà hầu như không khiến ai để ý cho thấy việc nắm giữ các trái phiếu này cũng không có ý nghĩa gì to lớn cả.
Trên thực tế, việc nắm giữ của Trung Quốc đối với chứng khoán nợ ở Mỹ là dấu hiệu cho thấy các vấn đề bất ổn kinh tế của Trung Quốc hơn bất cứ điều gì khác. Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và các nước khác, nhưng dòng tiền lại không chảy vào nền kinh tế Trung Quốc. Nếu có chăng nữa, giá trị của đồng Nhân Dân tệ sẽ tăng, khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc kém cạnh tranh hơn. Trung Quốc đầu tư vào chứng khoán nợ Mỹ không phải để tăng lợi thế đòn bẩy của mình lên Mỹ, mà bởi vì chứng khoán nợ Mỹ là một trong những khoản đầu tư đáng tin cậy và hấp dẫn nhất trên thế giới và Trung Quốc cần một nơi để cất giữ tiền của nó.
Câu hỏi sâu hơn ở đây là ảnh hưởng của khoản nợ công 19.000 tỷ USD của Chính phủ Mỹ lên độ tin cậy của trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD về lâu dài. Nhưng đây là đề tài của một thời điểm khác, và quan hệ Mỹ-Trung trong thập kỷ tới sẽ không có mấy tác động đến điều đó.
Hiện tại, chỉ cần nhớ rằng Mỹ chiếm gần một phần tư GDP của thế giới, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới (không có thách thức ngay cả trong tầm nhìn trung hạn) và nhu cầu về chứng khoán nợ ở Mỹ vẫn còn cao. Nhiều lý do khiến người ta cho rằng Trung Quốc có nhiều lợi thế đòn bẩy đối với Mỹ, giống như việc nắm giữ chứng khoán nợ của Mỹ, thực sự là những điểm yếu của Trung Quốc được cải trang thành thế mạnh.
Không bao giờ quên về địa thế chính trị
Chúng ta thường quay trở lại bản đồ ở trên vì nó rất phù hợp với bất kỳ cuộc thảo luận nào về quan hệ Mỹ-Trung. Trung Quốc được bao vây bởi các liên minh của Mỹ và dãy các hòn đảo nhỏ mà Hải quân Mỹ có thể sử dụng để đặt Trung Quốc vào một cái lồng thực sự nếu có xung đột quân sự nảy sinh.
Bản đồ này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Triều Tiên trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc sử dụng Bình Nhưỡng để gây ảnh hưởng lên Mỹ vì Bắc Kinh có thể yêu cầu, với một số giá trị đi kèm, để trở thành nước có ảnh hưởng lớn nhất ở Bắc Triều Tiên. Mỹ quan ngại về Bình Nhưỡng vì những hành động gần đây của chính quyền Kim Jong Un. Điều này đặt vào tay của Trung Quốc một quân bài: Bắc Kinh có thể đưa ra thỏa thuận hợp tác về vấn đề Bắc Triều Tiên để đổi lấy những nhượng bộ của Mỹ đối với một số điểm nêu trên.
Bản đồ ở trên cũng cho thấy những thách thức địa lý của Trung Quốc trong việc cố gắng khẳng định mình trong sân sau của họ để chống lại Mỹ. Động thái tốt nhất của Trung Quốc hiện nay là cố gắng gây bất ổn cho các đồng minh Mỹ trong khu vực, tốt nhất là cùng lúc đó, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện điều này với mức độ khác nhau đối với các nước như Philippines và Myanmar. Nhưng cho đến nay, chiến lược này đã vấp phải một số giới hạn, một phần vì Trung Quốc thiếu sức mạnh quân sự để thách thức Mỹ và các đồng minh của nó trong khu vực. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng cảnh giác với việc sát lại quá gần Trung Quốc vì hoạt động bành trướng và những tham vọng dài hạn chưa rõ ràng của họ.
Kết Luận
Cuộc gặp giữa Tập và Trump tại Mar-a-Lago sẽ là thước đo hiệu quả để xác định mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào trong năm. Nếu các phân tích về tương quan giữa hai nước ở trên là chính xác, thì ít nhất trong năm 2017, cả đôi bên có thể nên thúc đẩy hợp tác mật thiết hơn nữa vượt ngoài mong đợi nhất. Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng nhất định, nhưng cả hai cũng đang cùng chia sẻ một số lợi ích quan trọng. Khi thời gian nắm quyền của Trump lâu hơn, điều này có thể thay đổi – đặc biệt nếu Tập thành công trong việc củng cố quyền lực của mình trong khi mang lại sự ổn định tương đối cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng đó là một giả thiết lớn. Bây giờ, những thực tế chiến lược cơ bản này sẽ giúp hiểu được những nguy cơ gì trong cuộc họp tuần này về địa chính trị.
Theo George Freidman và Jacob L. Shapiro
Chân Hồ
Ảnh: mauldineconomics.com
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Bắc Triều Tiên Tập Cận Bình Trung Quốc Donald Trump