Từ 15h ngày 21/12, cơ quan điều hành điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng từ 370 – 500 đồng mỗi lít, dầu hạ từ 70 – 150 đồng/lít. Theo thống kê tới ngày 12/12, số tồn dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex là hơn 1.580 tỷ, Petimex khoảng 345 tỷ đồng,… Vừa qua, có 2 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngừng kinh doanh nhưng “quên” chuyển trả 24 tỷ đồng số dư Quỹ bình ổn vào Ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 còn 19.970 đồng/lít; xăng RON95 về mức 20.700 đồng/lít, tương đương lần lượt giảm 370 và 500 đồng mỗi lít.
Giá dầu ở kỳ điều hành này cũng tiếp tục giảm. Cụ thể, dầu Diesel giảm 70 đồng/lít còn 21.600 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, sau khi giảm lần thứ 4 liên tiếp, giá xăng E5 RON92 và RON95 về mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm tháng 6/2021. Tính đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 16 lần giảm, một lần giữ nguyên.
Trong năm 2022, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 là 8 lần và RON95 là 6 lần, nhưng trích Quỹ đối với 2 mặt hàng này tới hơn 20 lần. Thực tế, từ đầu năm đến nay khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn chi ở mức trung bình 100 – 250 đồng/lít; còn khi giá có xu hướng giảm, cơ quan điều hành trích quỹ trung bình 300 – 700 đồng/lít (cao gấp 2 hoặc 3 lần chi), Zing đưa tin.
Tính đến ngày 12/12, Quỹ bình ổn của Petrolimex dương 1.587 tỷ đồng, Saigon Petro 281 tỷ đồng, Petimex là 346 tỷ đồng, v.v…
Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn tiếp tục được trích giữ lại đều đặn qua mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu. Đó là tiền “tạm giữ” trước của người tiêu dùng, trong thực tế, hoạt động của quỹ này thế nào đến nay vẫn là ẩn số, theo báo Thanh Niên.
Theo Nghị định 83 và Nghị định 95, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai trên phương tiện thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư quỹ và đồng thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Vừa qua, Bộ Công thương yêu cầu Công ty CP xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, (TP.HCM) và Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận) nhanh chóng chuyển hơn 24 tỷ đồng số dư Quỹ bình ổn xăng dầu của 2 doanh nghiệp này vào ngân sách nhà nước.
Thời hạn các cơ quan quản lý đưa ra với 2 doanh nghiệp trên là phải chuyển trước ngày 10/7/2022. Thế nhưng, đến giữa tháng 10 vừa qua, hai công ty trên vẫn chưa nộp.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, đặt câu hỏi: “Ngoài 2 doanh nghiệp ngưng hoạt động vai trò đầu mối xăng dầu ‘quên’ trả quỹ thì còn bao nhiêu doanh nghiệp đầu mối vẫn đang hoạt động, nhưng tạm ‘mượn’ quỹ BOG để kinh doanh, Bộ Công thương biết không? Trong khi đó, đã từng có 24 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn đi, dự thảo luật Giá cũng muốn bỏ… nhưng quỹ vẫn được duy trì”, cũng theo báo Thanh Niên.
“Quỹ bình ổn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Theo quy định doanh nghiệp phải báo cáo về Bộ Công thương, Tài chính, nhưng nay chính các bộ này phải đi soát xét số dư. Quản lý thiếu giám sát, người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu và nhà nước đều không được hưởng lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn”.
“Như vậy, có cần thiết duy trì quỹ nữa không. Bên cạnh đó, lợi ích từ Quỹ bình ổn với nền kinh tế đến nay chưa có bất kỳ đánh giá đầy đủ nào, ngoài câu kết luận đầy cảm tính của cơ quan quản lý là quỹ Quỹ bình ổn cần thiết lắm. Liên quan việc Quỹ bình ổn bị chiếm dụng nữa, thiết nghĩ thị trường xăng dầu cần cuộc kiến thiết lớn”, vị chuyên gia này phân tích.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng trong bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy hiệu quả.
Giải trình của ông Phớc cũng cho hay một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, khi được lấy ý kiến đã đề nghị vẫn duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Do đó, Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu và đưa ra các cơ chế để sử dụng công cụ quỹ này công khai, minh bạch hơn.
Mới đây, Chính phủ vừa thông qua việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề nghị của Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023 như năm 2022. Cụ thể, thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức 1.000 đồng/lít, thuế với dầu Diesel 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả 300 đồng/lít; mỡ nhờn 300 đồng/kg. Mức thuế này tương tự như năm 2022. |
Trọng Minh
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…