Liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng RON95 giảm 1.020 đồng/lít từ 15h ngày 12/9, dẫn đến mặt hàng này về ngưỡng bằng với đầu năm. Tuy vậy, việc giá xăng giảm chưa khiến hàng hóa hạ nhiệt là điều khiến nhiều người thắc mắc.
Theo đó, giá xăng RON95 sau kỳ điều chỉnh lần thứ 24 đã giảm thêm 1.020 đồng/lít, về ngưỡng 23.210 đồng/lít (giá đầu năm là 23.290 đồng/lít); còn giá xăng E5 RON92 giảm 1.120 đồng/lít, kéo giá mặt hàng này còn 22.230 đồng/lít.
Còn dầu Diesel tuy giảm trong kỳ này 1.000 đồng/lít, còn 24.180 đồng/lít nhưng tính từ đầu năm, mặt hàng Diesel vẫn còn tăng 37,6%.
Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 10 lần giảm, 1 lần giữ nguyên giá.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 450 đồng/lít, dầu Diesel 90 đồng/lít, dầu hỏa 200 đồng/lít.
Tính tổng 7 kỳ gần nhất, mức trích Quỹ bình ổn với mặt hàng RON95 lên tới gần 5.000 đồng mỗi lít và gần 2.000 đồng đối với một lít dầu Diesel. Đồng nghĩa xăng dầu mất đi cơ hội giảm nhiều hơn tương ứng từ ngày 11/7.
Trường hợp không trích quỹ những kỳ qua, giá xăng RON95 chỉ còn khoảng 18.000 đồng/lít.
Hiện nay, số dư quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến ngày 5/9, Công ty Petrolimex dương 802 tỷ đồng, Saigon Petro 242,8 tỷ đồng, Petimex là 292 tỷ đồng…
Tuy giá xăng đã giảm trong thời gian 1 tháng qua nhưng chỉ có một số ít hàng hóa giảm theo. Theo Sở Tài chính TP.HCM, đầu tháng 9, số doanh nghiệp gửi báo cáo giảm giá chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại các doanh nghiệp vẫn giữ giá, thậm chí còn đề nghị tăng giá bán, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp gạo, đường ăn có 1/10 hệ thống siêu thị giảm giá từ 5,45 – 20%. Phân bón urê có 2/7 doanh nghiệp giảm giá từ 10 – 14% và cũng có 2/7 doanh nghiệp tăng giá từ 7 – 22%.
Có 5/9 doanh nghiệp ngành thép giảm giá 5%. Thức ăn chăn nuôi có 1/6 doanh nghiệp tăng giá từ 5 – 13%, số còn lại không giảm giá bán.
Đối với mặt hàng tham gia thị trường bình ổn ở TP.HCM, Sở Tài chính cho biết nhóm dầu ăn có 2 siêu thị (Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh) giảm giá bán lẻ từ 6 – 8%. Trong khi đó, nhóm gạo đề xuất giữ nguyên giá đã đăng ký từ ngày 1/4.
Doanh nghiệp cung ứng thịt gia cầm cũng không chịu giảm giá bán. Thậm chí, nhóm doanh nghiệp cung ứng mì gói đang đề xuất tăng giá.
Đại diện một đơn vị sản xuất mì gói tại TP.HCM cho biết các nguyên liệu chính chiếm 80%, và tăng liên tục từ 15 – 28% so với thời điểm ngày 1/4, trong khi chi phí xăng dầu chỉ chiếm 3%, theo báo Tuổi Trẻ.
Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng là điều thực tế và tác động lớn đến giá bán hàng hóa. Tuy nhiên, cùng một mặt hàng nhưng có đơn vị tăng giá bán sản phẩm, lại có đơn vị giữ giá, và giảm giá là điều cần xem xét lại.
“Nếu cùng cung ứng một mặt hàng, việc chịu tác động giá đầu vào gần như không có nhiều sự khác biệt. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét lại trường hợp những đơn vị chưa giảm giá hay tăng giá bán”, vị này đề nghị.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…