Hải Phòng vội vã thu phí cảng biển: Gánh nặng ngân sách đè nặng vai doanh nghiệp

Nghị quyết 148 của TP. Hải Phòng về việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tiếp tục nhận được sự phản kháng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ phải đứng trước bàn cân ngân sách hay môi trường kinh doanh.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Vừa qua, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đều bất ngờ với thông báo thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển của UBND TP. Hải Phòng được ban hành theo Nghị quyết 148/2016 của HĐND thành phố. Quyết định này khi thực thi sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng một năm, nhưng có khả năng đem lại cho TP. Hải Phòng nguồn thu khổng lồ khoảng 1.500 tỷ – 2.300 tỷ đồng/năm.

Nếu so với tổng chi ngân sách nhà nước của Hải Phòng hàng năm khoảng 20 ngàn tỷ đồng thì nguồn thu này khá ấn tượng, có khả năng làm thay đổi đáng kể cán cân cân đối thu chi của Hải Phòng.

Là địa phương có cảng biển lớn thứ hai cả nước, hàng năm, cảng Hải Phòng trung chuyển khoảng 35 triệu tấn hàng hóa, hơn 1 triệu TEU. Trước đây, cảng Hải Phòng là nguồn thu chính của địa phương. Sau này, theo sự tăng trưởng của các ngành nghề khác, vai trò chi phối của cảng biển đổi với kinh tế TP. Hải Phòng dần thu hẹp và nhường vào đó là ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch.

Tuy vậy, nguồn thu của cảng vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Hải Phòng. Năm 2016, doanh thu hợp nhất của cảng Hải Phòng ước đạt 2.730 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 656,4 tỷ đồng. Là cảng quốc gia, nên nguồn thu của cảng phải nộp về ngân sách trung ương.

Năm 2017, Chính phủ thắt chặt cơ chế chi tiêu công, giao các địa phương tự cân đối thu chi ngân sách. Để tăng thu ngân sách, phương án thu phí đối với hàng hóa qua cảng Hải Phòng đã trở thành ưu tiên hàng đầu.

Phương án này đã đạt được sự đồng thuận rất cao của toàn thể HĐND TP. Hải Phòng tại cuộc họp ngày 8/12/2016. Ngày 13/12/2016, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 148 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Việc thu phí triển khai rất nhanh chóng từ ngày 1/1/2017, chỉ 1 ngày sau khi thông báo được gửi đến cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh vận tải có hàng hóa qua cảng Hải Phòng. 14 điểm thu phí được lập lên với hơn 100 người tham gia, rải rác khắp nơi trong thành phố.

>> Hải Phòng thu phí cảng biển: Doanh nghiệp nặng vai gánh phí logistic cao nhất thế giới

Bất chấp sự nhất trí cao của Chính quyền địa phương, việc tăng thu phí của cảng Hải Phòng gặp phải trở ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Theo thông tin từ các Hiệp hội và doanh nghiệp, việc thu phí cảng Hải Phòng mâu thuẫn trầm trọng với khuôn khổ pháp lý, với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và như thế chính là đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 19 là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cụ thể:

1. Nghị quyết 148 ban hành không đúng quy định về Luật ban hành văn bản QPPL. Cụ thể, TP. Hải Phòng đã không thực hiện việc đánh giá tác động và lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định, không đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố tối thiểu 30 ngày cho các bên góp ý kiến. Các doanh nghiệp chỉ biết tới quy định này khi có văn bản thông báo của UBND Quận Hải An gửi tới doanh nghiệp 1-2 ngày trước thời điểm áp dụng.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã bị động với quy định của Hải Phòng, không kịp thời gian để tính toán lại phương án kinh doanh hoặc đàm phán lại toàn bộ các hợp đồng kinh doanh đã ký kết cho năm 2017.

2. Phí được xây dựng không đúng với nguyên tắc xây dựng phí trong Luật phí và lệ phí cũng như các quy định về phí của các bên tham gia WTO. TP Hải Phòng đã không làm rõ được thành phần kết cấu phí, không lý giải được mức thu so với chi phí cần bù đắp cũng như phương án quản lý, sử dụng phí không rõ ràng.

3. Xảy ra hiện tượng phí chồng phí, tận thu làm gia tăng gánh nặng và xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cho biết họ hiện đang trả rất nhiều loại phí tại khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, bao gồm phí vận chuyển, phí D/O, phí Handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY monitor, phí Seal charge, phí CB Lissur, phí cân tải trọng container, phí Ex doc,… Tổng cộng, mỗi container qua cảng đang phải trả cho cảng khoảng 7 triệu đồng/container 20’, 10 triệu đồng/container 40’. Các phí này doanh nghiệp đã nộp cho các công ty mà TP. Hải Phòng cho phép kinh doanh dịch vụ cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng ở khu vực cảng biển.

4. Thủ tục thông quan tại cảng đã phức tạp, nay lại bổ sung thêm quy định thủ tục thu phí sử dụng hạ tầng, kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu. Doanh nghiệp cho biết phải bố trí nhân sự chuyên trách để thực hiện thủ tục nộp phí. Mỗi lần nộp phí từ 30-90 phút. Nếu việc nộp phí diễn ra vào cuối ngày, doanh nghiệp còn phát sinh chi phí lưu kho, bãi qua ít nhất 1 đêm; bị chậm hàng, đình đốn kinh doanh… do không kịp giờ làm thủ tục thông quan.

Như vậy, trong khi Việt Nam đang phấn đấu thực hiện cam kết kết nối một cửa quốc gia với các nước ASEAN, bao gồm cả việc củng cố, hoàn thiện và mở rộng triển khai kết nối một cửa cho tất cả các thủ tục hành chính có liên quan đến hàng hóa XK, NK, quá cảnh, thì Hải Phòng – nơi có cảng biến lớn thứ hai cả nước – lại quyết định thu phí và bổ sung thủ tục hành chính riêng cho hàng hóa qua đây.

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng không đồng tình với việc Hải Phòng bổ sung thủ tục thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển vào thủ tục thông quan bắt buộc của hàng hóa qua cảng Hải Phòng. Ngày 10/1/2017, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn số 221 yêu cầu Cục Hải quan TP. Hải Phòng không được yêu cầu doanh nghiệp nộp hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan theo quy định.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư là Hải Phòng sẽ mở đầu cho hàng loạt địa phương khác ban hành các phí địa phương tương tự. Việc các địa phương hưởng phí trên hàng hóa vận chuyển qua địa bàn sẽ tạo nên hàng loạt những rào cản cho việc lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh tính cục bộ địa phương, phá vỡ quy hoạch một cửa ASEAN, đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nguyên Hương

Xem thêm:

Nguyên Hương

Published by
Nguyên Hương

Recent Posts

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

10 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

15 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

15 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

25 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

27 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

35 phút ago