Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra mới đây vào 26/4 đã nêu lên những rào cản chính sách cũng như môi trường kinh doanh không công bằng, cơ chế xin – cho khiến các hộ kinh doanh mãi không muốn lên công ty vì phải gồng gánh thêm nhiều chi phí, là những nguyên nhân dẫn đến khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy được đầy đủ tiềm lực và thế mạnh vốn có.
Trong bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào, thì khối doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng xương sống, chứ không phải bất kỳ một tập đoàn nhà nước hay công ty lớn nào được hậu thuẫn.
(Ảnh: Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam -Vietjet Air được Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Hoàng Đình Nam trao giấy phép hoạt động vào ngày 20/12/2007)
Số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2006 – 2015 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ và khoảng 64% tổng lượng hàng hóa.
Tại diễn đàn, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hanoimilk đã nhấn mạnh rằng, “Việc thừa nhận và khẳng định được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, là một bước tiến quan trọng nhằm tạo một không gian mở cho quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hoạt động một cách có hiệu quả trong nền kinh tế”.
Theo ông Tuấn, muốn phát triển kinh tế tư nhân thì nhà nước cần tin tưởng và trao cho khu vực này nhiệm vụ “đầu tàu” của nền kinh tế, và đã đến lúc nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Cũng trong một phát biểu tại diễn đàn, GS Nhà giáo nhân dân Đào Xuân Sâm khẳng định: “Nhận dạng khu vực kinh tế tư nhân trong toàn bộ các ngành nông-công-thương-dịch vụ có thể thấy rõ đây là sự tạo thành khu vực kinh tế tư nhân bao quát phần lớn dân số nước ta, là thành quả dân chủ từ nền tảng kinh tế…”.
“Sức sống và xu hướng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là sự thể hiện ý nguyện và lợi ích của đông đảo nhân dân, của dân tộc VN”, GS Đào Xuân Sâm nhấn mạnh.
Trong nền kinh tế, khối tư nhân được cho là nơi phát huy đầy đủ các năng lực, cũng như những tố chất sáng tạo nhất, bởi xét cho cùng chủ doanh nghiệp tư nhân là người tự bỏ tiền túi của mình đi kinh doanh, nên bảo toàn vốn là điều sống còn đối với họ. Với tâm lý “thương con xót của”, họ sẽ tìm mọi cách để khiến việc kinh doanh trở nên hiệu quả, từ đó khẳng định vị thế và xây dựng được lòng tin vững chắc từ khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này trái ngược hẳn với những doanh nghiệp nhà nước vốn thiếu cơ chế tự chịu trách nhiệm, tâm lý “cha chung không ai khóc”, và không phải là tiền bạc do tự thân bỏ ra, đã đi đến đầu tư dàn trải, quản lý không hiệu quả.
Vậy nên thực hiện được tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước một cách thiết thực, cũng như việc tạo môi trường thông thoáng cho khối tư nhân phát huy hết năng lực, thể hiện được vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế chính là chìa khoá quyết định.
Một thực tế là các hộ kinh doanh đều không muốn thành lập công ty, bởi điều đó không mang lại lợi ích thiết thực cho công việc kinh doanh của họ, ngoài ra việc trở thành công ty chính thức có thể khiến họ mất nhiều phí tổn, nhiều đoàn thanh tra kiểm tra “ghé thăm”, đã khiến nhiều hộ kinh doanh không mấy mặn mà với lựa chọn thành lập công ty.
Theo Báo Đầu tư, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư (CIEM) cho biết, “Có nhiều điểm bất lợi khiến hộ kinh doanh cá thể không muốn trở thành Doanh nghiệp, hay nói chung là tình trạng doanh nghiệp không muốn ‘lớn lên’, đó là: môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, gánh nặng pháp lý và chi phí, nhiều nghĩa vụ thuế, thời gian và thủ tục nộp thuế kéo dài, chế độ kế toán phức tạp…”
Tư duy không muốn lớn lên này của nhiều hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ lẻ thực ra là hệ quả tất yếu của môi trường kinh doanh với cơ chế xin – cho kéo dài, không khuyến khích thúc đẩy liên kết.
“Khi môi trường kinh doanh không thúc đẩy cạnh tranh, thì không thể tạo ra liên kết sức mạnh. Chúng ta không có chuỗi, có mạng lưới liên kết doanh nghiệp thì không thể tạo nên lực lượng doanh nghiệp. Hiện tại, nền kinh tế cũng đang thiếu cả trụ cột là các doanh nghiệp tư nhân lớn”, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ quan điểm.
Đặc biệt, theo GS. Đào Xuân Sâm, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân cần đổi mới chính sách thể chế tạo điều kiện thúc đẩy phát triển.
(Ảnh: Các công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất gốm sứ Quang Minh, làng nghề Bát Tràng)
Trong khi tốc độ cổ phần hoá các tập đoàn nhà nước cho đến nay đã thực thi được thời gian lâu, nhưng về thực chất, việc cổ phần hóa này đã thay đổi thật sự hay chưa vẫn là dấu hỏi lớn. Trên thực tế, “tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 7,54%/năm” – Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết tại diễn đàn. Sự suy giảm này có thể sẽ dẫn đến lập rằng do năng lực nội tại chưa đủ mạnh của khối tư nhân, nhưng mặt khác cũng thể hiện môi trường kinh doanh chưa lành mạnh và đảm bảo được cạnh tranh bình đẳng, khi mà các công ty “sân sau” của các tập đoàn lớn với những mối quan hệ “đi đêm” là thế mạnh đã làm không minh bạch hoá thị trường, những doanh nghiệp nhỏ làm ăn đàng hoàng không thể cạnh tranh nổi.
Và thậm chí khi các doanh nghiệp tư nhân bằng những chiến lược kinh doanh hiệu quả đã đạt được thành tựu nhất định, thì thay vì làm vai trò của một người cầm cân nảy mực, các nhà hoạch định chính sách lại dùng lợi thế quyết định để bóp méo thị trường bằng những chính sách không mấy thiết thực. Ví dụ điển hình là với sự góp mặt Vietjet Air đã làm thị trường hàng không sôi động lên, thay vì độc quyền của Vietnam Airline như trước đây. Nhờ chiến lược tập trung vào phân khúc giá rẻ, hãng hàng không này trong thời gian ngắn đã vươn lên chiếm giữ hơn 50% thị phần đường bay trong nước, lúc này các nhà hoạch định lại đề xuất áp dụng mức giá sàn cho hàng không, điều này vô hình chung đã can thiệp một cách thô bạo lên quy luật cung-cầu của thị trường, bóp nghẹt sự đa dạng hoá của ngành và người mua mất đi cơ hội được đi máy bay giá rẻ.
Nếu nền kinh tế mãi cứ vận hành theo tầm nhìn lợi ích ngắn hạn, cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm lợi ích bằng các cơ chế xin – cho thì nền kinh tế mãi không lớn lên được. Sự can thiệp thô bạo của các chính sách chỉ làm méo mó thêm các quy luật thị trường. Và tính trên bình diện rộng, các doanh nghiệp trong nước vì mãi cạnh tranh lẫn nhau bằng nhiều cách thức khác nhau, thị trường đã rơi vào tay các công ty nước ngoài, mà sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng Thái, Malaysia vào Việt Nam là một thực trạng rất đáng để các nàh hoạch định chính sách cũng như nhiều doanh nghiệp phải suy nghẫm. Chúng ta đã thua ngay chính trên sân nhà của mình. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo sân chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong khối doanh nghiệp trong nước, và tạo thuận lợi tối đa cho khối doanh nghiệp tư nhân cất cánh sớm, thì nguy cơ chúng ta trở thành những người làm thuê, những cổ máy gia công ngay trên đất mình là một thực tại đáng buồn nhưng không thể tránh khỏi.
Chân Hồ
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…