Liệu Ấn Độ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc?

Liệu Ấn Độ thực sự có khả năng tham gia vào một cuộc chiến kinh tế với nhà nhập khẩu lớn nhất của mình?

Khi 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết chết trong một cuộc đụng độ với binh lính Trung Quốc tại dãy Himalaya hồi tháng 6, tình trạng hòa bình mong manh trên “nóc nhà thế giới” được gìn giữ gần 60 năm qua đã gần như sụp đổ.

Trong khi các nhà ngoại giao và chỉ huy quân đội vẫn bế tắc tại các cuộc hội đàm để giải quyết căng thẳng ở cấp độ quân sự, nhiều chuyên gia lo sợ một kiểu xung đột khác đang hình thành khi người dân Ấn Độ kêu gọi trả thù và trừng phạt kinh tế đất nước láng giềng.

Các chính trị gia cũng đã nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi, yêu cầu tẩy chay mọi thứ từ Trung Quốc, từ các nhà hàng tới các ứng dụng điện thoại di động. Một số thậm chí còn đề xuất sử dụng bạo lực.

Tại các bang như Haryana và Utah Pradesh, một số người trong chính quyền đã các huỷ hợp đồng đã ký với các công ty Trung Quốc. Nhiều báo cáo cho thấy rằng hàng Trung Quốc nhập khẩu đã bị gián đoạn vì các nhà chức trách đang trì hoãn việc thông quan.

Trong khi hậu quả của việc tẩy chay này chưa được thảo luận kỹ lưỡng, nhiều nhà phân tích cho rằng Ấn Độ nhất định phải xem xét vấn đề này sớm nhất có thể. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm nay nền kinh tế của Ấn Độ dự kiến giảm tới 4,5%. Liệu Ấn Độ thực sự có khả năng tham gia vào một cuộc chiến kinh tế với nhà nhập khẩu lớn nhất của mình?

Ảnh hưởng của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tại Ấn Độ

Vốn của Trung Quốc xuất hiện gần khắp mọi lĩnh vực cuộc sống hàng ngày ở Ấn Độ, từ mua tạp phẩm đến gọi taxi hay đặt đồ ăn trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số.

Theo một báo cáo của Brookings India phát hành hồi tháng Ba năm nay, khoản đầu tư đã lên kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ trong hiện tại là hơn 26 tỷ đôla Mỹ. Còn theo báo cáo của Gateway House trong cùng tháng, vốn của Trung Quốc đã tài trợ ít nhất cho 92 doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ – gồm 14 trong 30 ‘kỳ lân’ tỷ đôla của Ấn Độ – với khoản đầu tư ít nhất 4 tỷ đôla. Những công ty khởi nghiệp này bao gồm các nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Ấn Độ như Ota, Flipkart, Byju, Make My Trip, Oyo, Swiggy và Zomato.

Sự hiện diện của Trung Quốc còn được đánh dấu bởi việc nhập khẩu từ Trung Quốc các loại hàng hóa bán thành phẩm và tư liệu sản xuất để làm ra những sản phẩm cuối cùng.

“Khoảng 60% hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc là thuộc loại này. Không có những hàng nhập khẩu này, các chuỗi cung ứng của chúng tôi không có khả năng cung cấp,” ông Joe Thomas K. – phó giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học công nghệ Madras (IT-Madras) nói.

Bên cạnh nhập khẩu, Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện của họ ở Ấn Độ bằng cách đầu tư vào sản xuất.

Nhiều công ty Trung quốc hiện đang hoạt động ở Ấn Độ. Trong 5 nhà bán buôn điện thoại thông minh hàng đầu ở Ấn Độ thì đã có 4 là các công ty Trung Quốc, chiếm hơn 66% thị phần, theo báo cáo của Gateway House. Tất cả 4 công ty hiện đang điều hành nhiều nhà máy sản xuất ở Ấn Độ.

Trong nhiều lĩnh vực như viễn thông và dược phẩm, sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao đến mức các ngành công nghiệp này rất khó tồn tại nếu không có chúng.

Các quan chức Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nói với This Week in Asia rằng tới 90% thiết bị cấu thành cho điện thoại thông minh được nhập từ Trung Quốc.

Các nhà phê bình cho rằng với những lý do này, một kế hoạch do ông Modi cổ động để làm Ấn Độ “tự lực” bằng cách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là một ý tưởng khả thi trong ngắn hạn.

“Một khái niệm như vậy sẽ có thể khởi tác dụng trong dài hạn, khi chúng ta có thể tổ chức lại các chuỗi cung ứng nội địa và tập trung toàn lực. Tự lực có nghĩa là chúng ta phải tạo ra năng lực và điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất Ấn Độ để làm ra các sản phẩm mà hiện tại họ không thể làm vì thiếu chuyên gia hay các nguồn lực,” ông Vinod Kumar, chủ tịch của Diễn đàn các công ty vừa và nhỏ Ấn Độ (SME) bao trùm khoảng 86.000 doanh nghiệp cho biết.

Đàm phán biên giới Trung-Ấn đình trệ đòi hỏi ông Modi cứng rắn hơn với Bắc Kinh

Góc nhìn của ông Modi

Tất nhiên, New Delhi có thể hiểu rất rõ rằng việc tẩy chay như vậy là không khả thi. Xét cho cùng, ông Modi là một trong những người đã xây dựng các mối quan hệ kinh tế lớn mạnh nhất với Trung Quốc. Sau khi ông trở thành Thủ tướng, thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc tăng từ 65,7 tỷ đôla trong giai đoạn 2013 – 2014 lên tới 87 tỷ đôla trong giai đoạn 2018 – 2019. Hơn nữa, cùng trong giai đoạn này, sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hàng nhập khẩu Trung Quốc tăng từ 51 tỷ đôla lên hơn 70 tỷ đôla và thâm hụt thương mại cũng tăng từ 36 tỷ đôla lên 53,5 tỷ đôla. 

Ông Modi đã thường xuyên khuyến khích đầu tư Trung Quốc vào Ấn Độ. Trong chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ấn Độ sau khi ông Modi trở thành Thủ tướng vào năm 2014, hai nước đã ký thỏa thuận tăng cường đầu tư của Trung Quốc.

Một trong số đó liên quan đến nhà máy công nghiệp chuyên dụng đầu tiên của Trung Quốc tại Gujarat, bang quê hương của Modi, được nhắc đến như một “bước ngoặt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở Ấn Độ.” Theo Brookings India, đó là khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở Ấn Độ vào thời điểm đó.

Thậm chí trước khi ông Modi trở thành Thủ tướng, ông đã đi thăm Trung Quốc ít nhất 3 lần với vai trò người đứng đầu bang Gujarat để khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào bang này.

Do vậy, nhiều người cho rằng việc ông Modi kêu gọi Ấn độ “tự lập” giống như một lời kêu gọi suông.

 Tại Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ và tờ Nhân dân Nhật báo đều nói rằng tác động của một cuộc tẩy chay như vậy sẽ có “sức phá huỷ tiềm tàng …. đối với nền kinh tế vốn đã mong manh của Ấn Độ.”

Ấn Độ cấm tàu Trung Quốc tham gia vận chuyển dầu

Cuộc chiến còn ở phía trước

Tuy nhiên, một số người coi việc khởi động cuộc chiến là điều tốt. Invest India, một cơ quan chính phủ được thành lập để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư, cho rằng lời kêu gọi của ông Modi là lời bảo đảm cho việc “biến đại dịch trở thành cơ hội.” 

Deepak Bagle, giám đốc điều hành của Invest India, nói rằng các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ. “Nhiều người muốn chuyển khỏi Trung Quốc, nhiều người muốn tìm nơi thay thế Trung Quốc. Ấn Độ là điểm cân bằng hoàn hảo để trở thành điểm đến đáp ứng mọi nhu cầu,” ông nói.

Theo ông Bagle, ít nhất 578 nhà sản xuất toàn cầu đã cam kết đầu tư khoảng 170 tỷ đôla vào Ấn Độ, trong số đó 20 tỷ đôla đã thực sự chảy vào Ấn Độ. Ông nói Invest India thường xuyên tổ chức việc trao đổi giữa nhà đầu tư và chính quyền các bang trên cả nước để tạo thuận lợi cho việc đầu tư.

Ngoài ra, những động thái từ tốn nhưng vững chắc của Ấn Độ hướng tới Mỹ, như ủng hộ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington và tham gia vào đối thoại an ninh bốn bên (Tứ giác kim cương) với Mỹ, Nhật và Australia có thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, theo ông Joe, phó giáo sư của IIT-Madras.

Ông Joe nói rằng nếu như các mối liên kết kinh tế sâu sắc phát triển trong hai thập kỷ qua đã giữ yên ổn cho  hai gã khổng lồ châu Á từng có tranh chấp biên giới năm 1962, thì hiện nay nhận thức đó đã bắt đầu thay đổi. 

“Trong vài năm qua, an ninh mang tính chiến lược đã tăng lên và nó khiến tầm quan trọng đối với các mối quan hệ kinh tế nhạt nhoà đi. Kết quả là sự sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã bị lãng quên,” ông nhận xét.

Trong tuần qua, thêm nhiều tiếng nói ở New Delhi đã thúc giục chính quyền Thủ tướng Modi phải cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh. Một nhóm các nhà phân tích và cựu quân nhân đã kêu gọi New Delhi xem xét một loạt các lựa chọn, từ việc đóng cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ đến việc xây dựng một chiến dịch toàn cầu chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.

Hôm 15/8, trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập, ông Modi khẳng định Ấn Độ đang đối phó một cách hiệu quả với chủ nghĩa bá quyền, ám chỉ Trung Quốc với các chương trình nghị sự hung hăng.

“Ngày nay, láng giềng không chỉ là những nước chúng ta cùng chia sẻ biên giới địa lý mà còn chia sẻ tấm lòng đồng cảm của chúng ta,” ông Modi nói, cho biết thêm rằng Ấn Độ đã phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các nước trong một “khu vực láng giềng mở rộng,” gồm cả những nước ở Tây Á.

Xuân Lan (theo SCMP, Nikkei)

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

11 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

20 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

29 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

39 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

45 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago