Trong vòng 15 ngày giãn cách toàn TP.HCM, giới chức ngành hàng không quyết định khống chế lượng hành khách ra/vào thành phố này xuống mức chỉ 1.700 ghế/chiều/ngày, giảm gần một nửa so với mức giảm sâu ghi nhận vào cuối tháng 6, trong khi mức này đã giảm tới 36 lần so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Tối 8/7, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thông báo việc khống chế lượng khách hàng không đi/đến TP.HCM trong 15 ngày TP này giãn cách theo Chỉ thị 16.
Ngoài yêu cầu hành khách bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus Vũ Hán (nCoV) còn hiệu lực, mỗi ngày, chặng bay TP.HCM-Hà Nội và ngược lại chỉ được cung cấp 1.700 ghế/chiều/ngày. Trong đó, hãng Vietnam Airlines được cấp quota lớn nhất, 700 ghế/chiều/ngày; Bamboo Airways và Vietjet Air đồng thời được cung ứng tối đa không quá 400 ghế/chiều/ngày; Pacific Airlines được cho phép cung ứng tối đa 200 ghế/chiều/ngày.
Với các đường bay từ Phù Cát, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh và Đà Nẵng đi/đến TP.HCM, mỗi hãng 1 chuyến/ngày/đường bay và không quá 200 ghế/chuyến.
Các chuyến bay chở hàng hoá đến TP.HCM không bị hạn chế.
Thời gian áp dụng từ 0h ngày 9/7 đến hết ngày 23/7/2021 (15 ngày).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc khống chế tải nhằm kiểm soát số lượng người từ TP.HCM đi/đến các tỉnh thành, để các hãng hàng không khai thác linh hoạt các chuyến bay chở khách, chở hàng và đảm bảo việc giãn cách trong nhà ga.
Cơ quan này cho biết hãng hàng không bị phát hiện vi phạm số lượng ghế hành khách cung ứng nêu trên sẽ bị Cục dừng cấp phép bay cho các chuyến bay của ngày kế tiếp.
Ngoài ra, thành viên tổ bay của các hãng hàng không có đường bay đến TP.HCM phải tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV trong 72 giờ. Quy định trên cũng áp dụng với nhân viên hàng không làm việc tại các sân bay, đặc biệt là nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất.
Mức hành khách Số chuyến bay quốc nội chỉ duy trì 37 – 59 chuyến/ngày với tổng lượng khách chỉ đạt 3.000 khách/ngày.
Theo số liệu của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trước đợt nghỉ 30/4-1/5, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 550 – 720 chuyến bay/ngày với sản lượng từ 85.000 – 109.000 lượt khách/ngày.
Khi dịch bùng phát tại TP.HCM, lưu lượng khách đi, đến Tân Sơn Nhất sụt giảm đến mức “đáy của đáy”, chưa đến 200 chuyến/ngày, trong đó số chuyến bay quốc nội chỉ duy trì 37 – 59 chuyến/ngày với tổng lượng khách 3.000 khách/ngày, từ ngày 28/6 đến 1/7, báo Tuổi Trẻ dẫn tin. Tại thời điểm này, gần 90% quầy thủ tục của các hãng tắt máy, tạm dừng hoạt động.
Vietnam Airlines dự kiến lỗ quý 1/2021 khoảng 4.800 tỷ đồng, con số này trong 6 tháng đầu năm có thể lên tới 10.000 tỷ đồng. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways thiếu hụt tài chính, trong đó, Vietjet Air ước tính thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 7, Vietnam Airlines đã được ký kết gói tín dụng 4.000 tỷ đồng, nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng do Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 sẽ hỗ trợ hãng này trong cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Động thái này có sự tác động lớn của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines.
Nguyễn Minh
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…