Việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ đang gặp nhiều trở ngại do chậm trễ trong công tác điều hành và triển khai đón khách, đặc biệt trong bối cảnh có sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.
Theo thông tin văn bản của Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Đinh Việt Thắng ký ngày 28/12 cho biết, việc đàm phán mở lại đường bay quốc tế thường lệ với 9 thị trường vẫn đang diễn ra và bước đầu có sự đồng thuận. Tuy nhiên, Cục Hàng không cho biết, cả 9 thị trường này đều có xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron nên sẽ mất thêm thời gian để trao đổi các phương án triển khai.
Theo thông tin từ công điện 9406/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 23/12 về tăng cường kiểm soát diễn biến chủng mới Omicron, quy trình mới sẽ bổ sung quy định test nhanh đối với hành khách đến Việt Nam trước khi lên và xuống máy bay.
Yêu cầu test COVID đối với hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế mới phát sinh ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế trong văn bản 10688 ngày 16/12 về phòng, chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh. Vì vậy, Cục Hàng không sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác còn lại để bổ sung quy định về test COVID trước khi lên máy bay.
Theo tìm hiểu của Cục Hàng không, hiện các sân bay tại Nhật Bản, Mỹ đã có test trực tiếp với thời gian có kết quả và chi phí khác nhau (đối với sân bay Narita, Tokyo sẽ có kết quả sau 2 giờ và chi phí xét nghiệm 30.000 yen, tương đương khoảng 270 USD).
Đối với các sân bay tại Việt Nam, Cục Hàng không sẽ giao cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức triển khai thực hiện test COVID, chi phí test sẽ do hành khách tự chi trả. Việc này dự kiến sẽ gây ra ùn tắc tại sân bay nếu các cơ quan hàng không thiếu sự chuẩn bị chu đáo về khu vực test, hướng dẫn quy trình cụ thể và bố trí nhân lực đủ phục vụ cho hành khách cần sự giúp đỡ.
Mới đây, Cục Hàng không cũng phản đối văn bản của UBND TP Hà Nội hôm 27/12 yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc đối với hành khách đến từ các quốc gia đang có biến chủng Omicron, bất kể hành khách đã tiêm vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội chỉ đưa ra yêu cầu mà chưa có bất kỳ phương án nào liên quan đến việc triển khai cách ly như: địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly… Việc này ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế thường lệ về Hà Nội như chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong bối cảnh hiện tại, các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến hai thị trường là Mỹ và Nhật Bản. Việc nối lại đường bay với 9 thị trường (Tokyo, Seoul, Đài Loan, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles và Bắc Kinh/Quảng Châu) vào ngày 1/1/2022 sẽ khó đảm bảo thực hiện đúng như kế hoạch khi chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…