Thời điểm này các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Một số ngân hàng công bố mức lợi nhuận lớn và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Trong bối cảnh năm 2021 có gần 120.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhiều ngân hàng “ngại” công bố con số lãi cụ thể.
Mới đây, ngân hàng Vietcombank đã tổ chức Hội nghị tổng kết kinh doanh năm 2021 với các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về con số lãi cụ thể, Vietcombank chưa công bố nhưng cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này vượt chỉ tiêu đề ra, ước tính đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV tại cuộc họp tổng kết cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt chỉ tiêu năm 2021. Con số chỉ tiêu năm 2021 của BIDV được đề ra hồi tháng 3/2021 tại Đại hội cổ đông thường niên là 13.000 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt hoặc vượt mức 13.000 tỷ, tăng khoảng 40% so với năm 2020.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động mới đây, ông Trần Minh Bình – Chủ tịch ngân hàng VietinBank cho hay lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao (chỉ tiêu được giao năm 2021 là 16.800 tỷ đồng). Như vậy, năm 2021 ngân hàng VietinBank kinh doanh đạt cột mốc kỷ lục mới về lợi nhuận trước thuế.
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán (CTCK) SSI, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng Sacombank ước đạt khoảng 4.200-4.400 tỷ đồng, tăng khoảng 27-32% so với năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Techcombank ước tính đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ, theo báo cáo của CTCK SSI.
Còn với ngân hàng ACB, Công ty chứng khoán SSI kỳ vọng ngân hàng này có thể ghi nhận 11.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 23,2% so với cùng kỳ).
Ngân hàng TMCP Bản Việt vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch đặt ra. Kế đến, ngân hàng TPBank đã công bố lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng năm 2021, vượt 4% so với kế hoạch.
Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán BIDV, năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng lần lượt ở mức 406.694 tỷ đồng (tăng 16,7% so với năm trước) và 163.846 tỷ đồng (tăng 24,2%). Tốc độ tăng trưởng này bứt phá hơn so với năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho hay từ khi đại dịch COVID bùng phát, NHNN đã có 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất, với mức 1,5-2 điểm %/năm với lãi suất điều hành và giảm 0,6-1 điểm %/năm lãi suất tối đa tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 1 điểm % trong năm 2020 và khoảng 0,7 điểm % trong năm 2021. Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn phải vay vốn với lãi suất ớ mức cao, NHNN cho biết.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất trong năm 2021 các doanh nghiệp phải vay với lãi suất khoảng 8,5-9%/năm, kỳ hạn vay 6 tháng; lãi suất khoảng 9-9,5%, kỳ hạn 9 tháng và 9,25-9,75%/năm, kỳ hạn 12 tháng. Hơn nữa, các mức lãi suất này không cố định, sau 3 tháng sẽ điều chỉnh một lần và có biên độ cộng thêm dao động từ 1-3% tùy kỳ hạn, theo báo Việt Nam Net.
Năm 2021, NHNN cho biết có 16 ngân hàng thương mại lớn, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, đã đồng thuận về việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp từ ngày 15/7/2021. Theo thống kê của NHNN, từ 15/7/2021 đến hết 31/10/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng cho các khách hàng là 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết với NHNN (số tiền cam kết là 20.613 tỷ đồng).
Nguyên nhân giúp ngành ngân hàng tăng trưởng được cho là việc biên lãi ròng (NIM) đã được mở rộng tại hầu hết các ngân hàng. Biên lãi ròng là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập tiền lãi phát sinh bởi tài sản sinh lời của ngân hàng (khoản vay và đầu tư) và các khoản chi phí chính (tiền lãi trả cho người gửi tiền). Điều này nghĩa là trong năm 2021, chi phí vốn của ngân hàng đã giảm nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất cho vay. Hơn nữa, các khoản thu nhập từ phí tăng, đặc biệt là phí bán bảo hiểm.
Doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ vay, từ đó trở thành nợ xấu của ngân hàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính. Tại họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 ngày 28/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Đào Minh Tú cho biết nợ xấu toàn phần vào cuối năm 2021 có thể lên đến 8,2%, trong khi đó con số này chỉ khoảng 5% vào năm 2020. Ông Tú cho biết con số nợ xấu có thể còn tăng cao nữa nếu tình hình dịch COVID còn phức tạp.
Quang Minh
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…