Thông tư số 20 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank như trước.

danang.gov .vn
Căn hộ chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng (Ảnh: danang.gov.vn)

Từ ngày 20/1 tới, Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015: “Hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể, Thông tư 20 quy định các đối tượng đủ điều kiện vay để mua, thuê nhà ở xã hội như trước đây sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại 4 ngân hàng được Nhà nước chỉ định (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) mà chỉ còn được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Trong trường hợp nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với điều kiện kèm theo phải thực hiện gửi tiết kiệm nhà ở xã hội.

Quy định trên được cho là gây khó khăn cho người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay để mua nhà ở xã hội. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện tốt việc cho người dân vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. Trước đây, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2013-2016 được các ngân hàng triển khai tốt.

Ông Châu đề xuất: “Nên giữ nguyên quy định ở Thông tư 25 trước đây, tức là vẫn cho phép 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để tham gia nhà ở xã hội, được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa cải tạo nhà và được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình”, báo điện tử VTV dẫn lời.

Hơn nữa, ông Châu cho biết: “Các ngân hàng thương mại khi nhận 1 đồng cấp bù lãi suất từ nhà nước thì có thể huy động thêm đến 33 đồng vốn xã hội. Trong khi từ 1 đồng tái cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thì Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ huy động thêm được 1 đồng nữa thôi”.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Xây dựng Lê Thành nói: “Chúng ta phải cung cấp gói tài chính dài hạn hơn, khoảng 25 năm, thì người ta mới có khả năng. Còn nếu để chờ tích lũy đủ tiền để mua, thuê nhà xã hội thì gần như suốt đời người ta không có khả năng với tới những căn hộ như mong muốn của người ta”, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng hiện nay doanh nghiệp triển khai làm nhà ở xã hội thực tế gặp nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân được ông nêu ra là trong vài năm qua doanh nghiệp vẫn phải vay ưu đãi với lãi suất ngang với lãi suất làm nhà ở thương mại. Điều này dẫn đến giá nhà vẫn cao vì chi phí bù vào lãi suất ngân hàng.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Ông Hà Ngọc Phi Hải, Tổng Giám đốc Khải Hùng Group cho hay hiện giá bất động sản, nhân công, vật liệu xây dựng tăng… sẽ tác động đến doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp không thể nào xây dựng được nhà ở xã hội giá rẻ với mức giá khoảng vài trăm triệu đồng.

Ông Hà Ngọc Phi Hải cho rằng để người thu nhập thấp có được nhà ở và thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho phân khúc này, doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về thủ tục pháp lý, quỹ đất, chính sách xã hội…

Để có nhiều căn hộ vừa túi tiền, ông Lê Hoàng Châu đề nghị cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến giảm lãi suất ngân hàng, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… để hút doanh nghiệp đầu tư.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: