Năm 2021, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón báo lãi lớn vượt chỉ tiêu khi giá bán trong nước tăng trong suốt năm. Trái ngược với bức tranh tích cực về doanh thu của doanh nghiệp, người nông dân phải gánh chịu mức giá cao ngay từ đầu vào.
Mới đây, tại buổi họp tổng kết năm, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Đạm Phú Mỹ cho biết ước tính tổng doanh thu năm 2021 của công ty này lên đến 12.826 tỷ đồng, tăng 54% so với chỉ tiêu ban đầu năm 2021 công ty đề ra là 8.331 tỷ đồng; tăng khoảng 65% so với tổng doanh thu năm 2020 là 7.762 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt khoảng 3.600 tỷ đồng, tăng khoảng 8,2 lần so với chỉ tiêu ban đầu đề ra năm 2021 là 437 tỷ đồng; tăng 3,24 lần so với lợi nhuận trước thuế đạt được năm 2020. Với kết quả này, đây là năm lợi nhuận cao nhất của công ty Đạm Phú Mỹ trong vòng 10 năm.
Đối với Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau – Đạm Cà Mau, năm 2021, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với chỉ tiêu ban đầu năm 2021 đề ra là 7.838 tỷ đồng; tăng khoảng hơn 30% so với doanh thu năm 2020 là 7.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt khoảng 1.820 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với chỉ tiêu ban đầu năm 2021 đề ra là khoảng 192 tỷ đồng; tăng 2,7 lần so với lợi nhuận sau thuế năm 2020.
Tương tự, Công ty Bột giặt và Hóa chất Đức Giang báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất cho biết trong vòng 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty này đạt 6.094 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.113 tỷ đồng, tăng khoảng 58% so với cùng kỳ và vượt 59% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm 2021 là 1.100 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty này nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu hơn nữa nếu công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 trong thời gian tới.
Nguyên nhân lãi lớn chủ yếu là nhờ giá bán trong nước tăng trong suốt năm 2021. Thời điểm cuối năm 2021, theo khảo sát thị trường của báo Dân Tộc và Phát Triển, giá phân bón có loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước (thời điểm tháng 12/2020). Cụ thể, đạm Ure giá 800.000 đồng/100kg, nay tăng lên 1,8 triệu đồng/100kg; phân Kali từ 820.000 đồng lên hơn 1,4 triệu đồng/100kg; phân NPK 8-10-3 tăng từ 540.000 đồng/100kg lên hơn 1,4 triệu đồng/100kg, phân lân tăng từ 340.000 đồng/100kg lên gần 500.000 đồng/100kg.
Lý giải nguyên nhân tăng giá phân bón chóng mặt, Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Nguyễn Hồng Diên cho biết phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT. Do vậy, nguyên vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế, làm tăng giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào của ngành phân bón tăng (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics tăng.
Đóng góp vào việc tăng giá phân bón toàn cầu còn có sự kiện hai quốc gia là Trung Quốc và Nga (2 trong số 3 quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới) đã tạm ngừng xuất khẩu phân bón từ tháng 11/2021 để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Thông báo tạm dừng này có thể kéo dài đến hết quý 2/2022. Do đó, đối với thị trường phân bón toàn cầu, giá phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 3,8 triệu tấn, kim ngạch 1,15 tỷ USD, tăng 20,4% về khối lượng và tăng 46,8% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2020 (vượt qua kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2020 là 952 triệu USD). Giá bán phân bón trong nước một phần chịu ảnh hưởng của giá phân bón nhập khẩu.
Việt Nam nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 490,31 triệu USD. Phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 44,6% trong tổng lượng và chiếm 42,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của Việt Nam.
Hơn nữa, nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn thế giới trước bất ổn của đại dịch COVID khiến nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao, nguồn cung bị giảm nên khiến giá cả phân bón trong ngắn hạn khó có thể giảm xuống.
Ông Đỗ Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết: “Nếu so sánh cùng kỳ năm trước, các loại phân bón đã tăng 2-3 lần. Nông dân hầu như không ham làm lúa nữa. Nhiều người trồng lúa như tui đều muốn bỏ ruộng vì sản xuất lúa không lời, thậm chí lỗ nặng”, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
“Các đại lý nói do dịch bệnh nên việc nhập khẩu phân bón gặp khó khăn, phải tăng giá bán phân bón và dự báo tiếp tục tăng. Cứ đà này nhiều nông dân sẽ bỏ ruộng”, ông Nhơn nói.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 22%, chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 16%. Do vậy, khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, giá lúa không tăng khiến người nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…