Sức ép đang đè nặng lên các doanh nghiệp chè Việt Nam trong bối cảnh nhiều công ty Trung Quốc thời gian gần đây đã “mượn” tên doanh nghiệp Việt để tranh mua chè nguyên liệu ở Việt Nam và đem bán xuất khẩu.
Thông tin được bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết tại cuộc họp thường niên về phát triển nông nghiệp bền vững diễn ra mới đây.
Theo bà Hồng, ngành chè Việt Nam đang bị xáo động bởi sự tranh mua chè nguyên liệu đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Hình thức là người Trung Quốc đứng sau các doanh nghiệp mang tên Việt Nam để tiến hành đi thu mua chè nguyên liệu. Các công ty này thường ngã giá mua cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp nội địa mua với giá 20.000 đồng/kg, thì các công ty Trung Quốc sẵn sàng trả giá 30.000 đồng/kg.
Không những bị cạnh tranh về nguồn nguyên liệu trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam còn đối mặt với thách thức bên ngoài quốc tế khi có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” nhãn “chè Việt Nam” để bán cho nước ngoài.
Cụ thể ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại Tân Binh cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc nắm bắt được đặc điểm người tiêu dùng Nga rất thích sử dụng các sản phẩm chè Việt Nam nên đã “mượn” thương hiệu chè Việt Nam để bán tại thị trường này.
“Tại thị trường Nga, giá bán của chè Việt Nam cũng cao hơn so với chè Trung Quốc”, ông Ái cho hay.
Theo Tổng thư ký VITAS, ngành chè Việt Nam trong một tháng nay bán rất khó trong khi vẫn phải đảm bảo thu mua chè nguyên liệu cho nông dân. Điều này đang đè nặng lên các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, báo cáo của VITAS cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu chè trong tháng 7/2018 chỉ vào khoảng 18 triệu USD, giảm hơn 14% so với tháng 7/2017.
Lũy kế trong 7 tháng năm 2018, xuất khẩu chè Việt Nam ước đạt 67.000 tấn với giá trị khoảng 109 triệu USD, giảm 13% về lượng và hơn 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu chè Việt Nam bị sụt giảm trong các tháng đầu năm 2018, theo VITAS, là do sự suy giảm tại các thị trường chủ lực như: Nga bị giảm 123.000 tấn, tương đương giảm 14,3%; Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất giảm 119.000 (-57%); Indonesia giảm 427 tấn, tương đương giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp chè cần tiếp tục nâng cao chất lượng chè, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chè hữu cơ, chè đặc sản… Cùng với đó là khuyến khích tăng tiêu thụ chè trong nước để bù đắp sản lượng xuất khẩu đang có xu hướng suy giảm.
Tường Văn
Xem thêm:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…