Ngành du lịch thế giới lao đao vì dịch corona

Đại dịch viêm phổi do virus nCoV không chỉ gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho kinh tế – xã hội tại Trung Quốc, mà cũng tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, trong đó có ngành du lịch. 

Khách du lịch từ Đại Lục trở thành vũ khí thương mại mới của ĐCSTQ (Ảnh: Flickr)

Ông Egerton, 77 tuổi, điều hành Công ty du lịch Koala Blue Tours tại Queensland, Úc trong 25 năm qua, mới đây đã nói với phóng viên CNN rằng tất cả các tour du lịch đến từ thị trường Trung Quốc đều bị huỷ trước bối cảnh dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra. 

“Trong tháng Hai, tôi mất 15 đoàn khách Trung Quốc,” ông cho biết.

“Du khách Trung Quốc chiếm từ 10-20% trong doanh thu của công ty tôi. Tôi nghĩ chính phủ liên bang không thực sự hiểu được tổn thất về kinh tế và tác động đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Các công viên sẽ bị ảnh hưởng, các khách sạn sẽ bị ảnh hưởng… Tới nay Trung Quốc là thị trường lớn nhất của chúng tôi ở mảng khách du lịch nước ngoài,” ông Egerton chia sẻ.

Tại Bờ Biển Vàng, một điểm đến du lịch hàng đầu ở Úc, khách du lịch Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất. Họ tiêu tới 1,6 tỷ USD trong năm 2019.

Tổng cộng, năm 2019 Úc đã đón 9,4 triệu du khách, trong số đó 7,96 triệu người đến từ Trung Quốc (chiếm gần 85%), những người khách này đã tiêu 21,95 tỷ USD.

Trường hợp của ông Egerton không phải là duy nhất tại Úc. Đất nước này đang chứng kiến sự tụt dốc tồi tệ nhất trong doanh thu du lịch trong tháng sau lệnh cấm gần đây của chính phủ Trung Quốc đối với các chuyến du lịch theo nhóm ra nước ngoài, có hiệu lực từ 27/1.

CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 4/2)

Dịch viêm phổi Vũ Hán ngày càng diễn biến phức tạp, hiện toàn thế giới đã có hơn 20.600 ca nhiễm bệnh tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng Trung Quốc Đại lục chiếm tới 20.400 ca (và vẫn có dấu hiệu tăng cao trong thời gian tới). Hơn 400 người đã thiệt mạng do dịch bệnh. Không chỉ chính phủ Trung Quốc cấm tổ chức các tour du lịch ra nước ngoài, mà nhiều nước đã từ chối nhập cảnh công dân Trung Quốc, hàng chục hãng hàng không khắp thế giới ngừng bay đến Trung Quốc. Sự cấm vận này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến ngành du lịch tại khắp các quốc gia trên thế giới.

Trung Quốc hiện là thị trường du lịch outbound lớn nhất thế giới. Lượng du khách Trung Quốc tăng vọt từ 4,5 triệu du khách năm 2000 lên tới 150 triệu người năm 2018. Trong năm 2020, con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi. Du khách Trung Quốc cũng chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 16% trong 1.700 tỷ USD chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu, theo UNWTO.

Lệnh cấm du lịch trước sự lây lan của dịch bệnh được cho là sẽ gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới các quốc gia ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương, vốn phụ thuộc chủ yếu vào khách Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ cũng bắt đầu cảm nhận được sức ép của sự thiếu hụt khách Trung Quốc.

Theo một báo cáo của Forward Keys, một công ty phân tích lữ hành giám sát 17 triệu lượt đặt chỗ mỗi ngày, thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành du lịch là rất nghiêm trọng, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán – mùa du lịch đông đúc nhất trong năm của người Trung Quốc. 

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi thường tiếp đón 75% khách du lịch là người Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước lệnh cấm, việc đặt chỗ đã giảm 1,3%, sau một tuần giảm thêm 15,1%. Khu vực Bắc Mỹ cũng ghi nhận việc đặt chỗ giảm khoảng 22,5%. “Đối với ngành du lịch, về cơ bản không có người thắng trong tình cảnh này,” đại diện Forward Keys nói với CNN.

 

Tại Thái Lan, nơi khách Trung Quốc chiếm tới 30% lượng du khách, ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất lớn. Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Lan, có tới 1,3 triệu du khách đã huỷ tour tới Thái trong tháng 2 và tháng 3, và khoảng 80% các chuyến bay đã được đặt từ Trung Quốc đến Thái Lan từ tháng 2 tới tháng 4 đều bị huỷ. Tình hình bi đát có thể kéo dài tới hết tháng 4 hoặc hơn thế nữa. 

Nhiều công ty trong ngành du lịch tại Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Pattaya đã giảm bớt chi nhánh, một vài chi nhánh đóng cửa hoàn toàn. Tại Pattaya, ít nhất hai công ty du thuyền – All Star Cruise Pattaya và Oriental Sky – đã thông báo đình chỉ hoạt động vô thời hạn bắt đầu từ ngày 1 tháng 2. Hai công ty du thuyền này chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc: All Star Cruise có khoảng 300 khách/ ngày và Oriental Sky khoảng 5.000 – 6.000 khách/ ngày.

“Chúng tôi phải ngưng dịch vụ vô thời hạn, hoặc tới khi chúng tôi nhận thấy tình hình đã cải thiện,” ông Suthassinee Srimala, giám đốc bán hàng và tiếp thị của All Star Cruise Pattaya nói với CNN.

Yuttasak Supasorn, Giám đốc Tổng cục du lịch Thái Lan, cho biết Thái Lan sẽ chịu tổn thất ước tính khoảng 3 tỷ USD do virus corona và cần từ 4 đến 5 tháng sau đó để hồi phục, dựa trên kinh nghiệm từ đại dịch SARS.

 > Kế hoạch “Made in China 2025” có thể bị hủy bởi dịch viêm phổi Vũ Hán

Tại Nhật, nơi khách du lịch Trung Quốc chiếm xấp xỉ 27% lượng khách quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành tại các thành phố lớn trở nên lao đao. 

Theo công ty du lịch Kamone ở Toyko, hơn 20.000 khách Trung Quốc đăng ký tour của công ty đã huỷ. 

“Chúng tôi lo lắng về sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc, nhưng chúng tôi không thể đoán trước được hậu quả vì nó phụ thuộc vào việc lệnh cấm kéo dài bao lâu,” người phát ngôn của Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản Shiho Himuro nói với CNN.

Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất của Nhật Bản. Năm 2018, Nhật đón khoảng 9,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm ⅓ tổng lượng khách quốc tế. Năm 2019, khách Trung Quốc tiêu tới 15,6 tỷ USD (1,7 tỷ Yên), chiếm tới 36,8% tổng chi của khách quốc tế.  

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc đối mặt với ‘tình hình nghiêm trọng’

Không chỉ các thị trường lớn, các điểm đến nhỏ hơn cũng chịu sức ép về việc sụt giảm khách Trung Quốc. 

Ma Cao – khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc – cũng khởi đầu năm 2020 trong tình thế khó khăn. Du khách Trung Quốc đại lục chiếm tới 70,8% trong khoảng 39,4 triệu du khách năm 2019 của Ma Cao. Tổng cục du lịch Ma Cao mới đây thông báo lượng khách từ Đại lục giảm 75,1% trong bốn ngày đầu năm mới so với năm 2019.

Ma Cao đã hoãn lễ diễu hành mừng năm mới, đóng cửa biên giới với Trung Quốc và chính quyền đang cân nhắc việc đóng cửa các sòng bạc. 

Thành phố du lịch này trở nên vắng vẻ khác thường, không ai muốn ra ngoài vì mọi người đều sợ virus. Người dân ra ngoài chủ yếu để mua khẩu trang, tích trữ thực phẩm.

Trong khi đó, các hòn đảo như Maldives, Micronesia và Bắc Mariana cũng đang dốc sức chống đỡ trước tác động to lớn này.

 

“Rõ ràng là với nhiều nước khi nguồn du khách chủ yếu là từ Trung Quốc, thì đây là một vấn đề rất lớn,” ông Wolfgang Georg Arlt, giám đốc Học viện nghiên cứu du khách nước ngoài (COTRI) nói với trang CNN.

“Đây chắc chắn sẽ là một nhân tố xúc tác để các điểm đến phải cân nhắc, rằng việc chỉ dựa vào khách Trung Quốc là một điều nguy hiểm,” ông Arlt nói. 

Trong khi đó tại Châu Âu và châu Mỹ, dù ít phụ thuộc hơn vào du khách Trung Quốc, các quốc gia tại đây cũng có thể cảm thấy tác động.

Tại Pháp, nơi mỗi năm đón 2 triệu du khách Trung Quốc, các đại lý của Hiệp hội du lịch Trung Quốc tại Pháp (ACAV) đã huỷ nhiều hoạt động và tiên liệu “những tổn thất to lớn”, theo một báo cáo của đài phát thanh Pháp RFI.

Theo con số của ACAV, hiện nay sức bán của các đại lý của Hiệp hội giảm xuống ít nhất 39% trong quý đầu tiên của năm.

Hiện vẫn còn sớm để tính về tác động của dịch corona đối với ngành du lịch, chủ yếu phụ thuộc vào việc sẽ mất bao nhiêu lâu nữa để kiểm soát được dịch bệnh. 

“Tất nhiên, lúc này còn quá sớm để nói nó sẽ kéo dài bao lâu. Không nên tin vào bất cứ điều gì. Nhưng nếu nó tương tự như dịch SARS, mọi thứ có thể trở lại bình thường trong vòng đầu hoặc giữa tháng Tám,” ông Arlt suy đoán. 

Ông Arlt cho biết thêm trong đại dịch SARS năm 2003, trên thực tế phần lớn các chuyến du lịch chỉ bị hoãn. Sau khi dịch SARS chấm dứt, con số lại tăng vọt. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho những công ty nhỏ trong một vài tháng, nhưng về lâu dài trên bình diện toàn cầu thì vẫn có thể chấp nhận được. 

“Trong dịch SARS, nhu cầu giảm xuống nhưng khi đại dịch được kiềm chế, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tăng gấp hai, ba lần,” Jane Sun, CEO của Trip.com, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, nói với CNN.

Trước đây, dịch SARS đã gây tổn thất từ 30 đến 59 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, và Trung Quốc mất khoảng 16 tháng để hồi phục trở lại giống với thời điểm trước đại dịch.

Xuân Lan (theo CNN)

 

Xuân Lan

Published by
Xuân Lan

Recent Posts

Kremlin nói đáp trả bằng tên lửa siêu thanh để cảnh báo sự “liều lĩnh” của phương Tây

Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…

3 giờ ago

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

6 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

7 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

8 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

10 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

11 giờ ago