IMF trong báo cáo ra ngày 18/7 về kinh tế Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt 6,1%; cả Worldbank và VEPR đều hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,2% xuống còn 6%. Tăng trưởng suy giảm thấp hơn nhiều so với kỳ vọng sẽ tạo áp lực lớn lên nợ công và bội chi ngân sách –thách thức lớn nhất của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Giới hạn Quốc hội cho phép với nợ công là thấp hơn 65% GDP và bội chi ngân sách không vượt quá 5% GDP [1]. Tuy nhiên, nợ công đã tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, từ mức 50,1% GDP lên đến 62,2% GDP.
Hiển nhiên, giới hạn nợ công/GDP phụ thuộc lớn vào tăng trưởng GDP bên cạnh các biến số khác như chi ngân sách, thu ngân sách từ dầu thô (phụ thuộc vào giá dầu thế giới). Nếu tăng trưởng GDP cao, thu ngân sách có thể tốt hơn dự toán, khiến trả nợ nợ công có thể cao hơn dự toán. Một cách cơ học, khi tử số giảm và mẫu số tăng thì giới hạn nợ công/GDP sẽ giảm. Như vậy, khi GDP tăng thấp trong bối cảnh nợ công/GDP áp sát mức giới hạn an toàn mà Quốc hội cho phép có thể khiến tỷ lệ này vượt giới hạn.
Theo một tính toán đơn giản từ bảng Cân đối ngân sách 2015 (do Bộ Tài chính công bố) để suy ngược lại số nợ công năm cuối năm 2015 và số liệu từ kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ tại Quyết định 1011/QĐ-TTg ngày 3/6/2016 về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, giả định các yếu tố khác không đổi, thì nợ công/GDP năm 2016 sẽ ở mức 66,6% cho kịch bản tăng trưởng GDP là 6% và 66,3% cho kịch bản tăng trưởng GDP là 6,2%.
Theo số liệu của IMF, ngay cả khi chưa vượt ngưỡng an toàn, nợ công/GDP của Việt nam năm 2015 đã gấp rưỡi Thái Lan, gấp đôi nhiều nước trong khu vực và ở mức cao nhất ASEAN. Một thống kê khác từ IMF cho thấy, các nước mới nổi và có thu nhập trung bình, tỷ lệ nợ công/GDP bình quân là 35,6% (năm 2015), thấp hơn gần một nửa so với Việt Nam – một quốc gia có thu nhập trung bình thấp (lower-middle income).
Hình 1: So sánh nợ công/GDP của Việt Nam với bình quân các nước mới nổi và thu nhập trung bình và các nước thu nhập thấp
Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I/2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện dưới sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) đã đưa ra cảnh báo về nghĩa vụ trả nợ công đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185,8 nghìn tỷ đồng năm 2013 lên 296,2 nghìn tỷ đồng năm 2015. Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,4 nghìn tỷ đồng.
Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ rất nhanh, tỷ lệ nghĩa vụ nợ trên thu NSNN cũng tăng nhanh. Nếu chỉ tính riêng nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, tỷ lệ này là 22,4% năm 2013, tăng lên mức 29,9% năm 2015. Nguyên nhân là do giai đoạn 2010-2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1-2 năm.
Áp lực nợ công tăng cao khiến đầu tư công và chi tiêu chính phủ khó khăn hơn, hầu như không còn dư địa chính sách tài khóa cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn.
[1] Đây cũng là giới hạn an toàn theo khuyến cáo của IMF.
Tâm Như
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…