Quá trình điều tra mổ cướp nội tạng của nhà báo Ethan Gutmann (P.1)
Ethan Gutmann là một nhà báo điều tra độc lập người Mỹ, một nhà bảo hộ nhân quyền nổi tiếng thế giới, là tác giả của tác phẩm “Đại thảm sát” (The Slaughter) và “Mất Trung Quốc mới” (Losing the new China). Mặc dù Ethan Gutmann không phải là một người tập luyện Pháp Luân Công, nhưng ông lại tự nguyện gắn bó với cuộc điều tra về mổ cướp nội tạng và đàn áp tín ngưỡng những người tu Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Sự ra đời của cuốn “Mất Trung Quốc mới”
Pháp Luân Công là một môn khí công tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc, được truyền ra rộng rãi từ năm 1992. Chỉ trong thời gian vài năm ngắn ngủi, thống kê năm 1998 của chính phủ cho thấy toàn Trung Quốc có hơn 70 triệu người đang tu luyện pháp môn này. Tuy nhiên, đến tháng 7/1999 thì chính quyền ông Giang Trạch Dân bắt đầu cấm đoán, thậm chí bắt bớ và đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Truyền thông nhà nước cũng liên tục phát đi thông điệp tuyên truyền không tốt về Pháp Luân Công khiến lòng người hoang mang, xã hội rối loạn. Khi ấy nhà báo Ethan Gutmann đang làm việc ở Bắc Kinh.
Ông kể với Epoch Times rằng:
“Ngày 22/7, CCTV khởi động kế hoạch quy mô lớn bôi nhọ Pháp Luân Công, khi đó tôi đang làm việc tại một công ty phục vụ cho Đài Truyền hình Bắc Kinh, một đồng nghiệp nói với tôi: ‘Ethan, Ethan, truyền hình đang bàn về Pháp Luân Công’. Khi đó tôi có xem nhưng tôi không tin. Tôi vốn là người rất cố chấp, không thích bị người khác khuyên bảo nên làm gì. Vì thế khi chính quyền Trung Quốc tuyên truyền bạn không nên làm cái này, không nên làm cái kia… thì đối với tôi lại biến thành: Tôi phải làm cái này, tôi sẽ làm cái kia.
Ở bãi đỗ xe của một tòa cao ốc tại Bắc Kinh, tôi nghe thấy tiếng loa kêu nhức óc: không nên luyện Pháp Luân Công, luyện Pháp Luân Công là phi pháp. Bầu không khí căng thẳng làm có người phải bật khóc…
Vào hai ngày trước đó tôi từng đi ở con đường bên phải Trung Nam Hải, tôi thấy nhiều người già và phụ nữ (học viên Pháp Luân Công) bị tống lên xe buýt. Hôm đó là chiều ngày 20/7, tôi thấy cảnh sát bắt nhiều người già và phụ nữ lên nhiều chiếc xe buýt. Bầu không khí thật kỳ dị, tôi không hiểu những gì tôi trông thấy. Nhưng tôi biết, đây là vấn đề quan trọng ở Trung Quốc.
Bao nhiêu năm qua, hệ thống tuyên truyền ở Trung Quốc thường xuyên nói về Pháp Luân Công, còn học viên Pháp Luân Công thì thường xuyên bị mất tích.”
Tháng 10/1999 đã có buổi họp báo rất lớn ở Bắc Kinh (ngày 28/10, họp báo đầu tiên của học viên Pháp Luân Công đã tổ chức ở Bắc Kinh). Ông Ethan Gutmann có hai người bạn làm trong giới truyền thông tham dự buổi họp báo này. Một người bạn tên là Calum MacLeod đã viết một bài đăng được trên tờ South China Morning Post. Sau đó vì bài này mà tờ báo bị chính quyền cấm xuất bản vài tháng.
“Người đứng ra tổ chức buổi họp báo đã thoát được truy đuổi của cảnh sát, cuối cùng tổ chức thành công sự kiện. Họp báo được tổ chức tại một địa điểm bí mật, một phụ nữ trẻ (Đinh Diên) chia sẻ câu chuyện chị bị tra tấn cực hình, chị làm nghề thiết kế mẫu tóc. Ba năm sau chị đã bị chết trong nhà tù. Tôi đã được xem bộ phim về chị. Chị là người tỉnh Hà Bắc, khi đó mới 26 tuổi, rất thông minh, hoạt bát. Cái chết của chị là câu chuyện quá đau buồn.”
Năm 2004, ông Ethan Gutmann trở về Mỹ và xuất bản sách “Mất Trung Quốc mới” (Losing the new China) ở Nhà xuất bản New York, kể lại những trải nghiệm của ông khi ở Trung Quốc.
Quyết định điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Vì cuốn sách “Mất Trung Quốc mới” được xuất bản, một học viên Pháp Luân Công dò hỏi liệu ông Ethan Gutmann có thể viết một quyển sách về Pháp Luân Công hay không.
Khi đó ông Ethan Gutmann cảm thấy hơi lạ, vì cho rằng dưới tình trạng đàn áp điên cuồng của chính quyền Trung Quốc, Pháp Luân Công sớm đã không còn tồn tại nữa. Ông hỏi: “Trung Quốc còn Pháp Luân Công ư?” Câu trả lời ông nhận được là: “Còn chứ”. Vậy là ông Ethan Gutmann đồng ý bàn về câu chuyện này với người học viên đó.
“Sau này, khi ở Bắc Carolina, tôi thấy một học viên Pháp Luân Công từ Trung Quốc Đại Lục đến. Cô là người rất chân thành, và đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị.”
Câu chuyện đơn giản nhưng đã khiến Ethan Gutmann thật sự xúc động.
“Cô kể với tôi đã đi phát tài liệu vào nửa đêm như thế nào. Một trong những khó khăn là chó, vì nửa đêm nên chó sủa inh ỏi. Hình ảnh khiến tôi quá ấn tượng: Họ sẵn sàng dùng cả sinh mạng của mình để mang những tài liệu đặt vào cửa nhà mọi người. Đó là những tài liệu kể về Pháp Luân Công vô tội nhưng phải chịu bức hại.”
“Câu chuyện khiến người nghe phải cảm phục, cũng là một phần nguyên nhân khiến tôi hứng thú với sự kiện chèn sóng ở Trường Xuân. Một nguyên nhân khác là vì tôi là chuyên gia máy tính, tôi biết tất cả những kỹ thuật này. Câu chuyện khiến tôi suy nghĩ và bắt đầu điều tra về bức hại Pháp Luân Công.”
Sự kiện chèn sóng xảy ra vào tháng 3/2002 ở Trường Xuân Trung Quốc, cũng chính là quê hương của nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí. Trước sự tuyên truyền dồn dập một chiều của truyền thông nhà nước, một nhóm học viên Pháp Luân Công đã lên kế hoạch truyền đi thông điệp sự thật về Pháp Luân Công trên một số kênh truyền hình. Kế hoạch đã thành công, tuy nhiên sự kiện này khiến hơn 5.000 người bị bắt bớ, khủng bố, tra tấn và có những người đã hy sinh tính mạng của mình để đổi lấy sự thật cho hàng triệu người dân Trung Quốc.
Năm 2005 – 2006, ông Ethan Gutmann bắt đầu thực hiện điều tra về bức hại Pháp Luân Công và mổ cướp nội tạng.
Sự thật kinh hoàng được hé mở
Bài phỏng vấn đầu tiên trong “Đại thảm sát”, cuốn sách nói về vấn đề mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công được thực hiện ở Montreal – Canada.
“Hôm đó chúng tôi (cùng người trợ lý) phỏng vấn hai người, thời gian phỏng vấn không dài, chiếc xe của chúng tôi đậu tại một bãi đậu xe lớn. Xe của chúng tôi bị cướp, mọi thứ đều mất hết, tôi chỉ còn lại hộ chiếu và máy tính mang theo người. Quần áo để trong xe và dụng cụ súc miệng cũng không còn.” Ethan Gutmann nhớ lại.
Việc này khiến ông biết chính quyền Trung Quốc cài rất nhiều đặc vụ ở Montreal. Nhưng đặc vụ Trung Quốc đã quá xem thường ông.
Ethan Gutmann nói, ông đã có thói quen không dùng cố định một chiếc điện thoại cầm tay. Trong quá trình điều tra, ông thường xuyên thay đổi điện thoại, mỗi chiếc điện thoại ông chỉ dùng khoảng một hoặc hai tuần lại bỏ đi. “Vì bọn giám sát rất lợi hại, hơn nữa tôi không muốn người tham gia phỏng vấn gặp phiền phức và nguy hiểm.”
Đối tượng mà ông Ethan Gutmann phỏng vấn không ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, bà liên tục kể lại những trải nghiệm trong tù khiến Ethan Gutmann buộc phải gạt câu chuyện sang một bên. Người phụ nữ này không hiểu, việc bà được kiểm tra sức khỏe và thử máu trong nhà tù là khác thường. Thấy thái độ không mấy hứng thú của Ethan Gutmann, bà có phần hơi bực bội.
“Vì bà không hiểu tôi phỏng vấn liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng”. Người được phỏng vấn kể chuyện một cách tự nhiên khiến ông Ethan Gutmann cảm thấy phía sau câu chuyện là một âm mưu khủng khiếp, vì ông thấy đây không phải vấn đề kiểm tra sức khỏe bình thường mà là bác sĩ đang kiểm tra một thi thể tươi mới.
Ông Ethan Gutmann nhớ lại, thời khắc đó ông thấy run lạnh người.
Mời xem tiếp Quá trình điều tra mổ cướp nội tạng của nhà báo Ethan Gutmann (P.2)
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công ethan gutmann Mổ cướp nội tạng Đại thảm sát