Hôm 28/1, truyền thông trong nước đưa tin Công ty TNHH Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam – PVN) đã đạt thỏa thuận về tái cấu trúc hoạt động và hỗ trợ tài chính đối với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Thông tin được công bố sau gần 10 ngày NSRP phát thông báo nguy cơ nhà máy lọc dầu dừng hoạt động vì thiếu tiền.
Tập đoàn Petrovietnam cho biết đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với các đối tác nước ngoài tại NSRP. Các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc nhà máy này do Petrovietnam đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA.
Ngoài ra, Petrovietnam đồng ý thanh toán sớm hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (FPOA) để giúp nhà máy cải thiện dòng tiền, tiếp tục sản xuất trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc, theo Tạp chí của Hội dầu khí Việt Nam.
Trước đó, ngày 19/1/2022, NSRP đã gửi Công văn số 126 tới Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thông báo NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1/2022, giảm công suất xuống 80% và sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 13/2/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện. Khó khăn này bắt nguồn từ việc Tập đoàn Petrovietnam chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận cơ chế RPA và thanh toán sớm hợp đồng FPOA.
Theo Bloomberg, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm đến 35% nguồn cung xăng dầu ở thị trường Việt Nam – là nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Việt Nam với công suất đạt 200.000 thùng dầu/ngày.
Sau khi nhận được thông tin về khó khăn tài chính của NSRP, ngày 26/1, Tập đoàn Petrovietnam cho rằng lãnh đạo của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải chịu trách nhiệm về tình hình sản xuất kinh doanh, việc hủy nhập dầu thô dẫn tới nguy cơ ngừng hoạt động không liên quan đến việc phê duyệt gia hạn RPA và thanh toán sớm hợp đồng FPOA, theo báo Tuổi Trẻ.
Theo Idemitsu Việt Nam, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là một công ty liên doanh, được thành lập vào tháng 4/2008 (chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018 ) do 4 thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Petrovietnam với tỷ lệ vốn góp là 25,1%, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE) và Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) cùng tỷ lệ góp vốn là 35,1% và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản là 4,7%.
Theo trang Sputniknews, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được hưởng một số ưu đãi và thỏa thuận hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, công ty này được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 70 năm, được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Petrovietnam) giai đoạn năm 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi. Ngoài ra, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Petrovietnam chính là đơn vị bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu từ 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng.
Sau nhiều ngày đàm phán, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nhiều khả năng sẽ hoạt động trở lại bình thường sau thỏa thuận với Tập đoàn Petrovietnam. Tuy vậy, báo Vnexpress trích lời một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu giấu tên nhận định rằng: “Việc giải ngân tiền, rồi nhập dầu thô về cũng mất thời gian”. Do vậy, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa thể hồi phục ngay 100% công suất hoạt động.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…